Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Xe chạy xăng và chuyện giảm phát thải

Hoàng Mai 11/11/2024 09:24

Dạo gần đây, trên nhiều phương tiện truyền thông đã thông tin việc Hà Nội chọn quận Hoàn Kiếm để tổ chức thí điểm vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố. Chủ trương ấy được cho là nhằm hiện thực hóa Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Trong một nghiên cứu được công bố hồi cuối năm 2023 với chủ đề “Phát thải từ hoạt động của xe mô tô, xe gắn máy trong giao thông đường bộ tại TP Hà Nội”, nhóm tác giả đến từ 3 trường đại học lớn là Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội đã đưa ra một vài con số đáng giật mình, cứ 1 giờ có 8.765 xe máy lưu thông trên các tuyến đường ở Hà Nội. Trung bình mỗi xe di chuyển 16,4 km/ngày, khoảng quãng đường nhiều phương tiện đi trong một ngày nhất từ 8,1 - 10,8 km/ngày. Số lượng xe chủ đạo trong nhóm phương tiện xe máy ở TP Hà Nội sản xuất từ 2007 - 2017 chiếm 69% với tiêu chuẩn khí thải EURO II, 17% phương tiện sản xuất sau năm 2017 tuân theo tiêu chuẩn khí thải EURO III, xe máy sản xuất từ 1999 - 2007 chiếm 11% tương ứng với tiêu chuẩn khí thải EURO I và xe máy sản xuất trước 1999 đang hoạt động là 3%. Kết quả tính hệ số phát thải cho nhóm xe máy ở Hà Nội đối với CO là 12,63 g/km trong thời gian xe chạy và 0,123 g/lần trong thời gian khởi động… trong khi chuẩn phát thải theo quy định hiện hành của Việt Nam ở mức Euro 3 - nghĩa là tương đương 0,23 g/km.

Nói thế để thấy, việc giảm phương tiện có lượng phát thải lớn là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, cần thiết không chỉ để cứu người dân mà cứu cả Hà Nội khỏi khói bụi, ô nhiễm.

Cũng vì thế, ĐBQH Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) bày tỏ đồng tình khi cho rằng, việc hạn chế phương tiện xe xăng, chuyển sang xe điện là hợp lý. Vì hiện Hà Nội đang bị ô nhiễm không khí, nhất là bụi mịn từ xe gắn máy và khí thải xe máy, ô tô, hiện đang gấp theo quy định 20 - 30 lần, ảnh hưởng sức khoẻ của người dân ghê gớm.

Cũng đồng tình quan điểm trên, nhưng một ĐBQH khác của Hà Nội là GS.TS Hoàng Văn Cường lưu ý: Khi phương tiện công cộng đáp ứng đầy đủ thì người dân sẽ tự chuyển đổi và hạn chế dùng xe cá nhân. Lấy ví dụ tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông kể từ khi có tàu điện trên cao, người dân ở dọc tuyến đó đã bỏ xe máy để đi tàu điện. “Nếu phát triển hệ thống giao thông công cộng tốt, người dân sẽ sẵn sàng chuyển đổi. Nhưng khi phương tiện công cộng không đáp ứng, người dân buộc phải sử dụng phương tiện cá nhân” - ông Cường nói.

Chúng ta cần, rất cần giảm thiểu lượng phát thải độc hại tại các đô thị lớn nói chung và Hà Nội nói riêng; nhưng, muốn cứu Hà Nội thì cũng cần một lộ trình rõ ràng, mạch lạc. Bởi, ai cũng biết, dân đô thị ở ta chủ yếu di chuyển bằng xe gắn máy và mưu sinh cũng nhờ xe chạy gắn máy chạy xăng. Mà, khi phương tiện công cộng không đáp ứng, người dân buộc phải sử dụng phương tiện cá nhân. Xe buýt là một giải pháp tốt nhưng mình xe buýt cũng không giải quyết được vấn đề giao thông của một đô thị đã lên tới 10 triệu dân…

Hiện giờ, việc Hà Nội có thể làm ngay để tiến tới giảm rồi hạn chế phát thải độc hại từ các xe có động cơ chạy xăng là tích cực tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ, thậm chí trợ giá cho người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, đồng thời tăng năng lực của giao thông công cộng. Nếu đến năm 2035 hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị cùng các tuyến kết nối giao thông công cộng hoàn chỉnh, chẳng cần cấm, tự người dân sẽ chuyển đổi.

Hoàng Mai