Chính trị

Vàng, thuốc lá điện tử gây nóng nghị trường

H.Vũ 12/11/2024 10:43

Ngày 11/11, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Trong đó, vấn đề về quản lý thị trường vàng, sự “hoành hành” của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng... làm nóng nghị trường.

tr1.jpg

Thị trường vàng được đặc biệt quan tâm

Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, ĐBQH Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk) đề nghị Thống đốc cho biết thời gian qua đã thực hiện yêu cầu về quản lý thị trường vàng như thế nào?

Trả lời, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường vàng của Việt Nam biến động cũng là một diễn biến chung như các nước trên thế giới. Từ năm 2014 – 2019, thị trường vàng tương đối ổn định, nhu cầu mua vàng của người dân giảm.

Tuy nhiên, theo bà Hồng, bắt đầu từ năm 2021 giá vàng thế giới tăng cao. Đến tháng 6/2024 giá vàng quốc tế xác lập mức kỷ lục mới. “NHNN đã căn cứ trên cơ sở pháp luật hiện hành và tổ chức là đấu thầu vàng nhưng qua đấu thầu 9 phiên, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn ở mức cao, cho nên để thực hiện thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế, chúng tôi đã chuyển sang phương án bán vàng trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và SJC. Với cách thức can thiệp này, cho đến nay chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế từ ở mức chênh 15 - 18 triệu đồng mỗi lượng giảm xuống chỉ còn 3 - 4 triệu đồng/lượng” - bà Hồng cho hay.

Lưu Văn Đức, Đắk Lắk
ĐBQH Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk) chất vấn về vấn đề quản lý thị trường vàng. Ảnh: Quang Vinh.

Tuy nhiên, Thống đốc NHNN cũng dự báo thị trường vàng vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, phức tạp, trong khi Việt Nam không trực tiếp sản xuất vàng, việc can thiệp hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu vàng của quốc tế, cho nên diễn biến sẽ khó lường. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát những diễn biến của thị trường này để đưa ra các chính sách ổn định thị trường.

Thông tin về việc vì sao ngân hàng chỉ bán mà không mua vàng, bà Hồng cho biết, hiện nay đối với hệ thống kinh doanh, mua bán vàng miếng đã có 22 tổ chức tín dụng và có 16 doanh nghiệp (DN) kinh doanh, mua bán vàng miếng. Các ngân hàng và DN này vẫn mua bán vàng bình thường, còn câu chuyện DN không mua vàng của cá nhân có thể vì một vài lý do nào đấy về cân đối tiền.

Tranh luận lại, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, bây giờ ngân hàng cho bán vàng miếng nhưng khi người dân bán lại thì không mua, dân phải bán ở chợ đen. “Tại sao chúng ta bán mà chúng ta không mua để thuận lợi cho dân?” – ông Hòa đặt câu hỏi.

Theo ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình), vàng trong dân là vàng chết, trong khi nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh rất lớn, bởi vậy, vị này đề nghị Thống đốc cho biết thời gian tới cần tập trung thực hiện những giải pháp gì để vàng trở thành nguồn lực cho nền kinh tế?

Trước những vấn đề trên, Thống đốc NHNN nêu quan điểm, không khuyến khích người dân giữ vàng. Giá trị vàng rất lớn nhưng khi nắm giữ có nghĩa là số tiền đó người dân không sử dụng được. Số vàng đó nếu chuyển hóa ra VNĐ thì có cơ hội kinh doanh, đầu tư lĩnh vực khác như cho vay sản xuất, đầu tư cổ phần, cổ phiếu, chứng khoán.

anh thay Ba Phạm Thị Kieu
ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đoàn Đăk Nông) chất vấn về quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Ảnh: Quang Vinh.

Cần cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang là mối nguy hiểm cho sức khoẻ con người, nhất là đối với thanh thiếu niên. “Đề nghị Bộ trưởng đánh giá về thực trạng và giải pháp kiểm soát tình hình này?”- bà Kiều chất vấn.

ĐBQH Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) cho hay, tại Công điện số 47 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của thuốc lá này. Cụ thể, nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. “Đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết khi nào sẽ thực hiện nhiệm vụ này?”-bà Lan nêu.

Bên cạnh đó, theo bà Lan, trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trình Quốc hội, Điều 12 có quy định trường hợp thuốc lá mới được phép nhập khẩu, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá hoặc văn bản quy phạm pháp luật quy định thì các sản phẩm thuốc lá mới sẽ là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về quy định này?” - bà Lan đặt vấn đề.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, qua điều tra tại 34 tỉnh, thành phố, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần, lên 3,6% năm 2020, tập trung cao nhất ở 15-24 tuổi.

“Bộ Y tế đã giao đơn vị chuyên môn tổng hợp nội dung nghiên cứu và đánh giá việc sử dụng thuốc lá nung nóng, điện tử ảnh hưởng tim, gan, phổi và đặc biệt là loạn thần. Năm 2023, có 1.234 người liên quan tới thuốc lá điện tử điều trị. Trong bối cảnh có khoảng 40.000 người/năm mắc các bệnh do thuốc lá thường, giờ lại thêm thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng rất lớn” - bà Lan nói đồng thời cho rằng, hiện chưa có quy định pháp luật cho phép kinh doanh các sản phẩm này, thế nhưng để thu lợi nhuận, nhiều công ty đã lợi dụng các hình thức tiếp thị tinh vi và sản phẩm có thiết kế bắt mắt để thu hút người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tình trạng nhập lậu thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng cũng góp phần làm gia tăng tình trạng này, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Đưa ra một số sản phẩm thuốc lá điện tử được thiết kế, trang trí như đồ chơi trẻ em để thu hút, bà Đào Hồng Lan nói: “Hình thức thuốc lá điện tử rất bắt mắt với trẻ em. Những sản phẩm này có tính hấp dẫn thu hút giới trẻ. Đề nghị Quốc hội có giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề buôn bán thuốc lá điện tử. Bộ Y tế mong muốn có nghị quyết của Quốc hội về cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi Luật về sửa đổi Phòng chống tác hại thuốc lá được trình Quốc hội trong thời gian tới”.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Việt Nam đã tham gia vào công ước khung phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh giảm thiểu tác hại của thuốc lá thông thường, với những hình thức xuất hiện mới của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ngành y tế đã có nhiều giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về hỗ trợ cai nghiện thuốc lá cho người dân nói chung và thanh thiếu niên nói riêng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đã tổ chức được 24 điểm tham gia vào mạng lưới cai nghiện thuốc lá. Đó là các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Trong đó có rất nhiều bệnh viện chuyên khoa có số lượng bệnh nhân lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế. Riêng Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức 1 Trung tâm cai nghiện thuộc bệnh viện và thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các bệnh viện trong cả nước về vấn đề này.

Tiếp tục các giải pháp quản lý chặt chẽ thị trường vàng

Trả lời thêm sau phần trả lời chất vấn đối với Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc quản lý hóa đơn của doanh nghiệp, cửa hàng vàng không có khó khăn, vướng mắc. Song thực tế lực lượng quản lý thị trường phát hiện một số cửa hàng vàng không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu.

Theo Phó Thủ tướng, chỉ xử lý khi phát hiện vàng lậu. Nếu không chứng minh được thì không được xử lý. “Hiện NHNN đang triển khai sửa Nghị định 24. Trong đó sẽ nghiên cứu chính sách để tạo điều kiện nhập khẩu nguyên liệu vàng sản xuất; ưu đãi thuế trong nước để tạo điều kiện vàng sản xuất trong nước có thể xuất khẩu. Về giải pháp sẽ đẩy mạnh mua bán minh bạch, áp dụng công nghệ quản lý các công ty, cửa hàng vàng và chống buôn lậu vàng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thị trường vốn phát triển. Vàng không còn là thước đo tiền tệ, nhưng vẫn là nơi trú ẩn của tiền nhàn rỗi nên sẽ quản lý chặt chẽ” - ông Phớc nói.

Ngày làm việc thứ 18, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Ngày 11/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 18, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, bắt đầu tiến hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội dưới sự chủ trì điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Buổi sáng: Từ 8 giờ 00 - 8 giờ 10: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu mở đầu phiên chất vấn.

Từ 8 giờ 10 -11 giờ 30: Quốc hội tiến hành chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng về nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Buổi chiều: Từ 14 giờ 00 - 14 giờ 20: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Từ 14 giờ 20 đến 14 giờ 30: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất, trong đó nêu rõ: Tại phiên chất vấn đã có 43 đại biểu Quốc hội chất vấn, 1 đại biểu Quốc hội tranh luận. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn. Từ 14 giờ 30 đến 17 giờ 00: Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực y tế.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

H.Vũ