Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời về đề xuất “cấm quảng cáo thuốc lá điện tử”
Khi có thông tin chính thức từ Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ yêu cầu các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới rà quét, và không quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới.
Ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Trả lời chất vấn của các ĐBQH liên quan đến tiến độ thực hiện đề xuất cấm quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi có thông tin chính thức từ Bộ Y tế đây là những sản phẩm cấm quảng cáo, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ yêu cầu các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới rà quét, và không quảng cáo các sản phẩm này, xử lý các trường hợp vi phạm.
Về tình trạng các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là có yếu tố nước ngoài quảng cáo quá mức, thậm chí có bác sỹ gây hậu quả nghiêm trọng, ông Hùng cho hay, Bộ Y tế là cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ xác định cụ thể cơ sở y tế hành nghề tư nhân, phòng khám vi phạm và trên cơ sở kết luận của Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ phối hợp cung cấp các thông tin về chủ thể, xác định những người thực hiện quảng cáo sai phạm trên mạng và giao cho Bộ Y tế để xử lý. Trường hợp không xác định được danh tính thì Bộ Thông tin và truyền thông sẽ tổ chức ngăn chặn.
Liên quan đến kế hoạch phối hợp liên ngành để giám sát toàn diện quy trình sản xuất, phân phối và quản lý nhà nước về quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm nhằm ngăn chặn hàng kém chất lượng, tràn lan, ông Hùng thông tin rằng, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và truyền thông, có công cụ giải quét, phát hiện quảng cáo sai sự thật để xác định danh tính, ngăn chặn.
“Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương đã xử lý các vấn đề về kém chất lượng và khi mà cần thiết sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông để xác định danh tính, ngăn chặn”-ông Hùng nói.
Trước đó trong đầu giờ sáng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã trả lời chất vấn mà các ĐBQH đặt ra từ chiều 11/11 liên quan tới vấn đề quản lý thực phẩm chức năng, quản lý mỹ phẩm, vai trò trách nhiệm của các cơ quan ban ngành liên quan tới nội dung này, từ vấn đề xác nhận nội dung, công bố sản phẩm, xác nhận nội dung quảng cáo, cho đến vấn đề quản lý thị trường.
Bà Lan cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành đối với thực phẩm chức năng, cũng như mỹ phẩm, chúng ta quản lý theo cơ chế hậu kiểm. Theo cơ chế này, tổ chức cá nhân phải chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, đăng ký kinh doanh, đơn vị có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tiến hành công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Y tế hoặc là sở y tế. Tùy theo từng loại sản phẩm, cơ quan quản lý sẽ tiến hành hậu kiểm và xử lý, xử phạt các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo quy định pháp luật về thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ Công thương cũng trình Chính phủ ban hành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Trong đó, đã có các quy định bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, có định nghĩa liên quan tới hàng nhập lậu.
Đối với các sản phẩm bán trên website hoặc trên trang thương mại điện tử, tổ chức hội thảo để lừa dối người tiêu dùng, đặc biệt là người cao tuổi, bà Lan khẳng định, nội dung này cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng và mỹ phẩm theo hướng quy định chặt chẽ hơn các điều kiện kinh doanh, cũng như tăng các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm.
“Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo 389, các lực lượng như Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường và các tổ chức liên quan tăng cường phối hợp kiểm tra, ngăn chặn lưu thông hàng hóa trái phép trên thị trường. Phát huy vai trò của MTTQ, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là ở cấp chính quyền địa phương để phát hiện những hành vi sai phạm và xử lý theo quy định”-bà Lan nói.