Kỳ vọng tăng trưởng GDP 6,8-7%
Theo nhận định của các tổ chức và chuyên gia kinh tế, hoàn toàn có cơ sở Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8 - 7% trong năm 2024.
Sự phục hồi mạnh mẽ
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục khó khăn, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được đánh giá có chiều hướng tích cực hơn. Báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo dữ liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong tháng 10 có sự điều chỉnh so với tháng 9. Ngân hàng này nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,8%, thay vì mức 6,0% trước đó.
Nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng UOB chỉ rõ tâm lý tích cực của người tiêu dùng Việt Nam. Hơn 70% người được khảo sát bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng kinh tế của đất nước trong 6 đến 12 tháng tới. Đặc biệt, kinh tế Việt Nam chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024, với GDP tăng 6,42%, vượt trội so với mức tăng trưởng 3,84% cùng kỳ năm trước. Trong dự báo kinh tế công bố vào tháng trước, UOB cũng điều chỉnh tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam lên 6,4%, tăng từ mức dự báo 5,9% trước đó, sau khi Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP vượt trội trong quý 3 ở mức 7,4%. Ông Paul Kim - Giám đốc khối Dịch vụ tài chính cá nhân, Ngân hàng UOB Việt Nam chia sẻ: Người tiêu dùng Việt Nam dẫn đầu khu vực về sự lạc quan đối với tình hình kinh tế của quốc gia. Tâm lý tích cực này dường như đã góp phần vào sự gia tăng trong chi tiêu xuyên biên giới của người tiêu dùng Việt. Điều này cũng phản ánh sự thành công của Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định và tăng cường hội nhập khu vực.
GS Klaus Schwab - Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự báo, nền kinh tế Việt Nam có thể đạt giá trị 2.000 tỷ USD vào năm 2050. Các yếu tố như quy mô dân số trên 100 triệu người, GDP dự kiến đạt 430 tỷ USD vào năm 2024, tốc độ tăng trưởng GDP từ 6% đến 7%, và độ tuổi trung vị của dân số chỉ hơn 30 tuổi. Tất cả điều kiện trên là những tiền đề quan trọng để Việt Nam phát triển. “Sự phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong vài thập kỷ qua là minh chứng cho khả năng phục hồi, sự linh hoạt và quá trình hoạch định chính sách có chiến lược. Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Việt Nam đã và đang định vị mình là một nhân tố quan trọng trong thương mại và sản xuất toàn cầu. Khi bước vào kỷ nguyên trí tuệ, Việt Nam cần tiếp tục thay đổi, tận dụng công nghệ số để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình” – GS Klaus Schwab nhận định.
Kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng
“Chúng tôi duy trì quan điểm của mình rằng tăng trưởng GDP có khả năng vượt mục tiêu của Chính phủ nhưng trong ngắn hạn áp lực lên tỷ giá vẫn còn. Hy vọng, tâm điểm chú ý trong tháng 11 sẽ có nhiều yếu tổ tích cực tác động mạnh. Đơn cử, kỳ họp Quốc hội thứ 8 với các cuộc thảo luận và thông qua nhiều luật và chính sách trong lĩnh vực bất động sản hay khả năng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước để giảm áp lực tỷ giá” - đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng của năm 2024, Tổng cục Thống kê cho hay, có nhiều lĩnh vực tăng trưởng khá, tạo tiền đề đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 7% trong năm nay. Đơn cử, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 10 tăng 4% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài chỉ số sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài... cũng tăng. Liên quan đến đầu tư, DN châu Âu lạc quan vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Gần 70% các nhà lãnh đạo DN châu Âu cho biết, sẽ giới thiệu Việt Nam như là một điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Bruno Jaspaert - Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam cho rằng, chỉ số niềm tin kinh doanh của quý 3 tăng 0,7 so với quý 1 và tăng 6,9 so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này cho thấy, chiều hướng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Kết quả này làm nổi bật sự phát triển của Việt Nam như một trung tâm kinh doanh chiến lược.
Tại TPHCM, đơn hàng đã trở lại nhiều, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng tốt, sức mua hàng hóa khởi sắc hơn. Theo nhận định của các nhà phân phối, sau thời gian “ngủ đông”, người dân bắt đầu quay trở lại mua sắm, thói quen tiêu dùng có sự chuyển biến và có sự cạnh tranh ở các kênh phân phối. Những tháng cuối năm sức mua trên thị trường được kỳ vọng tăng cao hơn. TS Trần Du Lịch cho biết, do đại dịch Covid-19 nên 2 năm trước tăng trưởng kinh tế của TPHCM về con số 0. Thành phố cần tập trung cho các năm sau đó đến 2025. Riêng năm nay, thành phố có thể đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7 - 7,5%.
TS Hồ Hoàng Anh, Đại học Kinh tế TPHCM cũng nhìn nhận, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa của thành phố tiếp tục phục hồi cộng thêm việc TPHCM quyết liệt triển khai hiệu quả các biện pháp nên có thể mức tăng trưởng năm nay đạt 7- 7,5%.
Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, muốn năm 2024 đạt được 7,5% thì trong quý 4 thành phố phải tăng trưởng trên 9%. Đây là nhiệm vụ nặng nề, nếu không tập trung, không xác định đúng trọng tâm, không có những đột phá thì khó hoàn thành.