Văn hóa

Ươm tài năng trẻ để tạo động lực phát triển ngành văn hóa, nghệ thuật

Phạm Sỹ 12/11/2024 17:28

Tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là vốn quý với mỗi quốc gia, dân tộc. Nếu được “ươm” trong một môi trường tốt, những tài năng trẻ sẽ thăng hoa, tỏa sáng.

Đó là nhấn mạnh của ông Hoàng Hà, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tại hội thảo “Tài năng trẻ - Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật”, diễn ra ngày 11/11.

z6023774558407_c1e3c38aec9ea478245bdf00fc000adf.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nghệ sĩ, nhà quản lý cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, nghiên cứu về vai trò của tài năng trẻ trong việc thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Đồng thời khuyến khích thế hệ trẻ phát triển năng lực sáng tạo và kết nối với các cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa, Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thời gian qua, lĩnh vực văn hóa đã nhận được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và xã hội, nhất là sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

Bên cạnh một số đề án đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, cũng như chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nghệ nhân và ưu đãi trong đào tạo các bộ môn nghệ thuật truyền thống, nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ trong hệ thống các trường văn hóa, nghệ thuật đã được đầu tư.

Các liên hoan, hội diễn, cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật... diễn ra ở nhiều tỉnh, thành cũng như nhiều hoạt động sôi nổi ở các địa phương nằm trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO: Hà Nội, Hội An, Đà Lạt đã tạo nhiều không gian hữu ích cho các nghệ sĩ trẻ cống hiến, thể hiện.

Các di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh, phục hồi, bảo tồn cũng là nguồn khích lệ cho những nghệ nhân, những người trẻ thêm gắn bó với di sản của ông cha để lại...

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, chưa thực sự khơi nguồn, tạo động lực cho tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật phát triển. Như những điểm nghẽn trong đào tạo nghệ thuật; chế độ, chính sách cho nghệ sĩ, diễn viên (bồi dưỡng, ưu đãi...); chế độ nhuận bút, thù lao cho người viết, sáng tác; cơ chế để thu hút người trẻ tham gia các hoạt động thực hành văn hóa, nghệ thuật; vấn đề huy động các nguồn lực xã hội hóa v.v...

PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, các nghệ sĩ trẻ đang gặp nhiều khó khăn như thiếu nguồn lực tài chính, hạn chế trong cơ hội phát triển và sự chưa đồng bộ trong chính sách hỗ trợ.

"Để họ có thể phát huy hết tiềm năng của mình và góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa, việc xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ hiệu quả là vô cùng cần thiết" - ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Từ những khó khăn đó, ông Sơn đề xuất, các chính sách hỗ trợ nghệ nhân và nghệ sĩ trẻ là yếu tố quyết định trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và đổi mới trong lĩnh vực nghệ thuật.

Theo ông Sơn, các chính sách này không chỉ hỗ trợ việc phát triển cá nhân của nghệ sĩ mà còn thúc đẩy sự sáng tạo, bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao giá trị kinh tế của ngành công nghiệp văn hóa.

img_1442.jpg
Hội thảo đã chỉ ra thực trạng và tầm quan trọng, ý nghĩa của nguồn nhân lực trẻ trong sáng tạo văn hóa, nghệ thuật.

Còn theo PGS. TS Phạm Minh Phong – Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, việc phát triển, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật của giới trẻ cần có sự quan tâm, hỗ trợ toàn diện của gia đình, nhà trường và xã hội. Thông qua sự chăm sóc của gia đình, giáo dục ở trường và tham gia xã hội, thanh thiếu niên có thể phát triển và thể hiện đầy đủ tài năng nghệ thuật của mình.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã đánh giá, phân tích vai trò, thực trạng của tài năng trẻ hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, sáng tạo văn hóa, nghệ thuật đương đại, giúp các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, cũng như chính quyền địa phương, những người thực hành văn hóa, nghệ thuật nhận diện rõ hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của nguồn nhân lực trẻ trong sáng tạo văn hóa, nghệ thuật.

Từ đó, đề xuất các giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả nguồn lực tài năng trẻ trong việc hoàn thành các mục tiêu Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Phạm Sỹ