Điều chỉnh tổ hợp xét tuyển đại học năm 2025
Từ năm 2025, các trường đại học dự kiến điều chỉnh tổ hợp xét tuyển để phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Điều này sẽ tác động tới việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT của thí sinh.
Để phù hợp với việc đổi mới trong số môn thi, hình thức thi, nhiều trường đại học đã có điều chỉnh về tổ hợp xét tuyển trong mùa tuyển sinh 2025.
Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) đã công bố phương án tuyển sinh năm 2025. Đây là trường đầu tiên thuộc Đại học Quốc gia TPHCM công bố phương án tuyển sinh.
Điểm mới đáng chú ý là trường sử dụng 4 tổ hợp môn xét tuyển áp dụng cho tất cả các ngành/chuyên ngành, tất cả các phương thức xét tuyển, gồm: Toán - Tiếng Anh - Ngữ văn, Toán - Tiếng Anh - Vật lý, Toán - Tiếng Anh - Tin học, Toán - Tiếng Anh - Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Như vậy, trong 2 tổ hợp mới, trường sử dụng 2 môn mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là môn Tin học, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Thông tin từ phía nhà trường cho biết, phương án tuyển sinh năm 2025 được xây dựng nhằm chọn lọc những thí sinh giỏi, đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với yêu cầu đào tạo của trường và đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường lao động.
Trường dự kiến sẽ công bố Đề án tuyển sinh năm 2025 chi tiết trước tháng 2/2025. Trường hợp Bộ GDĐT và Đại học Quốc gia TPHCM ban hành quy chế tuyển sinh mới, nhà trường sẽ cập nhật điều chỉnh lại phương án tuyển sinh đúng theo các quy định hiện hành.
Trường Đại học Sư phạm TPHCM cũng vừa công bố các thay đổi quan trọng trong dự kiến đề án tuyển sinh năm 2025. Trong đó, nhà trường sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển để phù hợp theo các môn thi tốt nghiệp THPT, đồng thời duy trì các tổ hợp xét tuyển của năm 2024.
Trường sẽ điều chỉnh các tổ hợp không còn phù hợp như loại bỏ các tổ hợp có bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội… thêm mới các tổ hợp có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Tương tự, Trường Đại học Công Thương TPHCM dự kiến có nhiều thay đổi trong tổ hợp môn xét tuyển cho mùa tuyển sinh năm 2025. Các ngành học mới sẽ có thêm các tổ hợp xét tuyển thuộc khối C, như tổ hợp: C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý), C03 (Ngữ văn, Toán học, Lịch sử), C14 (Toán, Ngữ văn, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật).
Theo nhà trường, việc lựa chọn các tổ hợp môn xét tuyển đa dạng sẽ giúp thí sinh linh hoạt hơn trong quá trình đăng ký vào trường, đặc biệt là với những thí sinh mong muốn theo đuổi các ngành ngôn ngữ hoặc có thiên hướng về khối C. Điều này không chỉ mở ra thêm nhiều cơ hội cho thí sinh mà còn giúp nhà trường chọn lọc được những sinh viên có năng lực và nền tảng phù hợp với từng ngành học.
Việc các trường đại học điều chỉnh tổ hợp xét tuyển từ năm 2025 sẽ tác động tới việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT của thí sinh.
Theo TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Bộ GDĐT cần có quy định, tránh trường hợp các trường “trăm hoa đua nở”; thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lí, kiên quyết loại đi các tổ hợp lạ.
Năm 2025, lứa thí sinh đầu tiên học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ thi tốt nghiệp THPT.
Theo quy định, thí sinh thi bắt buộc 2 môn, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, công nghệ.
Như vậy, từ năm 2025, thí sinh có thể chọn các môn tự chọn mà không theo tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) như trước.
Đáng chú ý, môn Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật lần đầu tiên được đưa vào môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Với số môn và cách chọn như trên, có tới 36 cách chọn môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.