Xã hội

Quảng Nam: Nỗi lo sạt lở núi vào mùa mưa bão

Tấn Thành, Chí Đại 13/11/2024 13:50

Thời gian qua, do ảnh hưởng của mưa lũ khiến một số khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam sạt lở và đang tiếp tục đối diện với nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá, khiến chính quyền và người dân địa phương lo lắng, nhất là đang mùa mưa bão.

SAT LO 1
Chị Hồ Thị Hương rất lo lắng về sạt lở núi.

Thời gian gần đây do mưa lớn kéo dài, trên địa bàn huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xuất hiện một số điểm sạt lở, chính quyền địa phương đang gấp rút thực hiện các phương án ứng phó. Như làng Tăk Chay nằm ở độ cao 600m so với mực nước biển, cách trung tâm xã Trà Cang khoảng 3km. Nơi đây có 33 hộ với 175 người dân tộc Xơ Đăng sinh sống. Tuy nhiên những ngày qua, các hộ dân nơi đây phải di dời đến chỗ ở khác, bởi vì nguy cơ sạt lở đất đá vùi lấp cả ngôi làng.

Chị Hồ Thị Hương (30 tuổi), ở làng Tăk Chay, xã Trà Cang kể, sau đợt mưa lớn mới đây, người dân làng nghe những tiếng nổ phát ra từ lòng đất. Mưa vẫn tiếp tục kéo dài. Đêm đó cả làng không ngủ được. Khoảng 4h ngày 19/9, một tiếng nổ lớn phát ra và chỉ vài phút sau, một góc ngôi làng bị sạt lở. Đất đá từ trên đồi núi rơi tràn xuống, mọi người trong làng lo sợ hô hoán nhau bỏ chạy ra khỏi nhà.

SAT LO 2
Sạt lở núi đe dọa đến làng Tăk Chay.

Còn chị Hồ Thi Thu thì cho biết: “Rất may vụ sạt lở núi không đe dọa đến tính mạng của bà con, tuy nhiên một số nhà dân bị hư hỏng. Bà con còn phát hiện một vết nứt dài gần 200m, rộng nửa mét chạy dọc con đường đất mới mở, nguy cơ khiến ngôi làng sạt xuống vực sâu. Trong lúc này thì mưa lớn đang diễn ra không biết tình hình thế nào nên phải nghe theo chính quyền di dời đến nơi an toàn”.

Cách Tăk Chay khoảng 20km, hàng chục hộ dân thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My nằm dọc quốc lộ 40B cũng sống trong cảnh lo sợ mỗi khi trời mưa lớn, bởi ngọn núi phía sau khu dân cư có nguy cơ sạt lở đất đá bất cứ lúc nào. Anh Huỳnh Ngọc Hoàng, ở xã Trà Mai kể: “Từ năm 2020 đã có hàng trăm mét khối đất đá trên núi sạt xuống, làm sập 3 nhà dân. Mọi người phát hiện kịp thời nên chạy thoát. Sau đó, hàng nghìn mét khối đất cứ sụt xuống mỗi lần mưa, vết nứt kéo rộng ra, tràn xuống con đường dẫn vào thôn. 4 năm qua, các hộ dân khu vực này mỗi khi trời mưa lớn thì chủ động di dời đến nơi khác trú tránh để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản”.

SAT LO4
Sạt lở núi ở làng Tăk Chay đã xuất hiện một vết nứt dài.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch huyện Nam Trà My cho biết, toàn huyện có khoảng 59 điểm có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng khoảng 5.000 người. Mới đây, chính quyền phải cho tháo dỡ nhà của gần 60 hộ dân ở các làng như: Tăk Chay, xã Trà Cang, làng Lăng Lượng, xã Trà Tập đến nơi ở tạm để đảm bảo an toàn tính mạng.

Ông Trần Duy Dũng cho rằng, toàn huyện 80% diện tích đồi núi cao, nhiều sông suối. Dân cư phân bố nhỏ lẻ ở các đỉnh núi, mỗi làng vài chục hộ dân. Bà con thường chọn làm nhà ở dải đất một bên đồi núi cao, một bên vực thẳm nên nguy cơ sạt lở cao. Ngoài yếu tố địa hình, huyện nằm gần thủy điện Sông Tranh 2 và thủy điện Thượng Kon Tum, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum nên liên tục chịu ảnh hưởng của nhiều trận động đất kích thích. Sạt lở núi còn do một phần xây dựng đường, san ủi đất, làm đứt gãy kết cấu đất.

SAT LO 5
Ông Lê Văn Dũng kiểm tra vị trí nứt xảy ra tại thôn 56B.

Vì thế, ông Trần Duy Dũng nhấn mạnh: “Mỗi khi vào mùa mưa bão địa phương đã lên kế hoạch phương châm 4 tại chỗ gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ và 3 sẵn sàng gồm: phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả. Hiện nay huyện đã thành lập lực lượng xung kích địa phương khoảng 700 người để kịp thời ứng phó khẩn cấp khi xảy ra thiên tai”.

Còn tại huyện Bắc Trà My, ông Nguyễn Hồng Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, qua khảo sát sơ bộ, trên địa bàn huyện xuất hiện hàng chục vị trí có nguy cơ sạt lở cao, dễ bị ảnh hưởng khi mưa lũ xảy ra. “Kế hoạch sắp xếp, bố trí ổn định dân cư yêu cầu phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh - quốc phòng trên địa bàn huyện. Trong đó, ưu tiên bố trí cho các hộ cần phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng ảnh hưởng của thiên tai”.

SAT LO 3
Sạt lở núi đang là nỗi lo của người dân vùng cao Quảng Nam.

Ở huyện Nam Giang, vào tháng 9/2024, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, tại thôn 56B, xã Đắc Pre, đã xảy ra vết nứt và sụt lún đất, đe dọa trực tiếp đến 11 hộ/41 nhân khẩu, chính quyền đang khẩn trương tìm cách đưa người dân đến nơi an toàn. Nói thì vậy, nhưng ở vùng miền núi nơi đâu cũng đối diện với sạt lở núi và lũ quét, để tìm được chỗ người dân an cư lâu dài thì không thể ngày một, ngày hai.

Qua khảo sát, các cơ quan chức năng ghi nhận vết nứt theo hình vòng cung, trên đỉnh đồi so với mặt cắt khu dân cư khoảng 60m. Chiều dài vết nứt khoảng 125m; độ sụt, lún của mảng trượt thấp hơn so với mặt bằng tự nhiên bình quân khoảng 1,5m; độ hở vết nứt khoảng 1m và biến dạng tại một số điểm dọc theo vết nứt khoảng 1,5m. Sau khi khảo sát thực tế tại khu vực này, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về vết nứt xảy ra tại thôn 56B, xã Đắc Pre.

Ông Lê Văn Dũng yêu cầu Chủ tịch UBND huyện - Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT - TKCN) huyện Nam Giang huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để nhanh chóng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm; bố trí đảm bảo hậu cần cho nhân dân tại nơi sơ tán. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá chọn vị trí, phương án xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, để ứng phó với tình hình mưa lũ năm nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, xác định các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu ven sông, suối để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.

“Đối với những nơi chưa có điều kiện để di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Chủ động, sẵn sàng các lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ”, ông Trương Xuân Tý nói.

Tấn Thành, Chí Đại