Dân tộc

Chăm lo phát triển giáo dục vùng đồng bào Khmer

Nguyên Du 13/11/2024 15:40

Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có lĩnh vực giáo dục đào tạo. Thông qua các chủ trương, cơ chế chính sách hỗ trợ, nguồn vốn dành đầu tư phát triển, sự nghiệp giáo dục vùng dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến rõ nét.

bai duoi
Ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng áp dụng chương trình giảng dạy mới vào các trường vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Sóc Trăng là tỉnh có trên 30% dân số là đồng bào Khmer, nhiều nhất cả nước. Thời gian qua, bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh còn chú trọng triển khai chính sách ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc Khmer với nhiều chương trình, dự án nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào.

Nhằm tạo điều kiện cho học sinh dân tộc Khmer, năm học 2024 - 2025, thầy và trò Trường Tiểu học Mỹ Thuận B xã Mỹ Thuận (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) được đầu tư cơ sở vật chất khang trang và nhiều thiết bị dạy học. Ông Dương Thành Lộc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Thuận B cho biết, toàn trường có 577 học sinh, trong đó có 90% là học sinh dân tộc Khmer. Trường tổ chức dạy song ngữ (tiếng Việt và tiếng Khmer) cho các em ở các khối lớp. Các học sinh dân tộc Khmer được miễn học phí, đồng thời hỗ trợ chi phí học tập 150.000 đồng/tháng. “Nhờ sự quan tâm của cấp trên, cơ sở vật chất của trường đã được đầu tư ngày càng khang trang, hiện đại đáp ứng nhu cầu dạy và học của thầy cô và học sinh. Năm học 2024 - 2025, nhà trường đã vận động nhà hảo tâm hỗ trợ xe đạp, đồng phục, sách... cho học sinh vùng dân tộc thiểu số có điều kiện khó khăn, cha mẹ đi làm ăn xa với tổng kinh phí 120 triệu đồng, góp phần chăm lo các điều kiện học tập cho học sinh khó khăn”- ông Dương Thành Lộc chia sẻ.

Em Thạch Trường, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Mỹ Thuận B cho biết gia đình em có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ đi làm ăn xa. Được nhà trường hỗ trợ xe đạp cùng 150.000 đồng/tháng, em rất phấn khởi và yên tâm học tập.

Bí thư Huyện ủy Mỹ Tú Phạm Tuân cho biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng xác định đảm bảo an sinh xã hội, phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc Khmer là nhiệm vụ đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc Khmer.

Ông Danh Hoàng Nguyên - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng cho biết, Sở phối hợp với Ban Dân tộc trình UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 17 ngày 16/12/2019 của HĐND tỉnh quy định chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy tiếng và chữ Khmer. Nghị quyết số 17 là chính sách đặc thù của tỉnh, thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với người dạy tiếng dân tộc thiểu số tại các điểm chùa và cơ sở giáo dục ngoài công lập. Qua đó, bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.

Nguyên Du