Công nghệ

Giải quyết các thách thức thông qua Đề án Thành phố thông minh

QUỐC ĐỊNH 14/11/2024 22:39

Đề án Thành phố mới (TPTM) Bình Dương được xem như “kim chỉ nam” cho chiến lược phát triển của Bình Dương trong giai đoạn hiện nay. Đề án giúp giải quyết trực tiếp các thách thức của tỉnh bằng những việc làm cụ thể, tạo những đòn bẩy trên nhiều khía cạnh của xã hội.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất

Ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương cho biết, chuyển đổi số đang trở thành xu thế, động lực thúc đẩy quan trọng trong phát triển của xã hội nói chung và của từng doanh nghiệp, đơn vị nói riêng.

436-202411142110121.jpg
Thành phố thông minh giúp kết nối giao thông thêm an toàn, thuận tiện hơn.

Tại Bình Dương, thời gian qua tất cả các lĩnh vực đang tích cực thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, sản xuất, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân. Bình Dương đã ghi nhận nhiều kết quả khả quan như đã và đang hình thành quy hoạch cụ thể dự án Khu công nghiệp Khoa học công nghệ đặt tại huyện Bàu Bàng; Trung tâm Thương mại Thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC) đã đi vào hoạt động; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng và kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng logistics đường sông, đường sắt; triển khai Trung tâm Giám sát điều hành thông minh tỉnh Bình Dương; Hệ thống thông tin địa lý GIS trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh cải cách hành chính; truyền thông định vị thương hiệu Bình Dương trên trường quốc tế; kết nối quốc tế, xúc tiến thương mại; tiếp tục xây dựng và phát triển làng thông minh...

Hội nghị thúc đẩy mô hình chuyển đổi số cho doanh nghiệp ngành Công Thương do Sở Công Thương tỉnh Bình Dương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây đã được trao đổi, chia sẻ, kết nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các trường đại học với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các doanh nghiệp sản xuất, các hiệp hội ngành hàng để thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Tại hội nghị, đại diện Vụ Kinh tế số - Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình bày báo cáo tổng quan về chương trình thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp và định hướng thực hiện cho tỉnh Bình Dương. Lãnh đạo Vụ Kinh tế số, xã hội số đề xuất một số giải pháp chuyển đổi doanh nghiệp: Triển khai chuyển đổi số ngành, lĩnh vực theo 10 nhóm nền tảng số; tiên phong chọn triển khai chuyển đổi số một số khâu trong từng ngành, lĩnh vực sang online, dùng các khâu online này để tăng tốc, thúc đẩy các khâu còn trong các ngành công nghiệp; tiên phong ứng dụng trợ lý ảo, AI phát triển bởi Việt Nam tới tất cả các khâu sản xuất; thí điểm đánh giá kinh tế số, tới cấp huyện trực thuộc tỉnh; thí điểm sàn giao dịch dữ liệu; chuyển đổi số xây dựng hình mẫu đô thị thông minh và khu công nghiệp thông minh…

Thu hẹp khoảng cách giữa các lĩnh vực

Cách đây khoảng bảy năm, Bình Dương bắt tay vào xây dựng Đề ánTPTM Bình Dương với mô hình học hỏi từ TP Einhoven, Hà Lan. Đề án như “kim chỉ nam” cho chiến lược phát triển của Bình Dương trong giai đoạn hiện nay, giải quyết trực tiếp các thách thức của tỉnh bằng những việc làm cụ thể, tạo những đòn bẩy trên nhiều khía cạnh của xã hội.

436-202411142110122.jpg
Bình Dương được Cộng đồng thông minh thế giới đánh giá cao về tính tích hợp công nghệ vào kinh tế - xã hội.

Đến nay, Đề án TPTM Bình Dương đã định hình và trực tiếp tham gia giải quyết những thách thức hiện hữu của tỉnh bằng những chương trình được phân loại theo từng vấn đề như: Vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách giữa công nghiệp và thương mại dịch vụ, sức ép về quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông, phát triển triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh thực hiện phát triển mạnh mẽ hạ tầng băng thông rộng tại Bình Dương…

Tháng 4 năm 2022, tỉnh Bình Dương đưa vào vận hành Trung tâm giám sát và điều hành TPTM trên 22 lĩnh vực, với 611 chỉ tiêu trong phạm vi của tỉnh làm cơ sở để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương Lê Tuấn Anh cho hay, thông qua Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Dương, nhiều lĩnh vực quan trọng được tích hợp tự động, thậm chí giám sát trực tuyến kết nối về trung tâm đầu não để phân tích dữ liệu như kinh tế - xã hội, giúp lãnh đạo tỉnh nắm bao quát để phục vụ điều hành chung, cũng như đẩy mạnh chuyển đổi chính quyền điện tử theo hướng thông minh.

Theo ông Lê Tuấn Anh, chỉ tính riêng lĩnh vực an ninh trật tự - an toàn giao thông hiện Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Dương đã vận hành kết nối hơn hàng trăm camera từ các huyện/thị để giám sát tình hình giao thông, nhiều camera tầm cao cho phép quan sát toàn khu vực thành phố Thủ Dầu Một và thành phố Thuận An. Từ định hướng camera sẽ được chia sẻ lên các ứng dụng để người dân và doanh nghiệp có thể truy cập thông tin giao thông các tuyến đường đi. Đây cũng là tiêu chí quan trọng trong đô thị thông minh.

Tại Trung tâm cũng tích hợp giám sát trực tiếp chỉ tiêu về thông tin quan trắc môi trường, tình hình nước thải, khí thải và được số hóa trên bản đồ vị trí. Khi có các chỉ tiêu vượt mức quy định sẽ được xử lý nhanh.

QUỐC ĐỊNH