Xã hội

Không chủ quan trước dịch tả lợn châu Phi

HẠNH NGUYÊN 15/11/2024 09:06

Hai huyện Lộc Hà và Cẩm Xuyên ở tỉnh Hà Tĩnh đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, đến nay chưa qua 21 ngày. Các địa phương trên địa bàn tỉnh này đang gấp rút triển khai các biện pháp phòng trừ dịch bệnh.

Anh bai tren
Ngay sau khi phát hiện dịch tả lợn châu Phi, cơ quan chức năng huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh tăng cường khử khuẩn, dập dịch. Ảnh: H.N.

Dịch lây lan nhanh

Ngày 20/10, hộ ông Hồ Thế Đô (thôn Phú Ích, xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) có 1 trong số 10 con lợn thịt bị nhiễm bệnh với triệu chứng sốt, bỏ ăn. Ngay khi nhận được thông tin, Trung tâm ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Lộc Hà phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, UBND xã Ích Hậu đến kiểm tra tại hộ chăn nuôi.

Qua triệu chứng trên, cán bộ thú y của Trung tâm chẩn đoán lợn của chủ hộ Hồ Thế Đô có triệu chứng điển hình của bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) nên đã tiến hành lấy mẫu gửi Chi cục Thú y Vùng 3 để xét nghiệm. Ngày hôm sau kết quả xét nghiệm khẳng định, mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút gây bệnh DTLCP. Đến ngày 10/11, bệnh đã xảy ra ở 3 xã gồm Ích Hậu, Thịnh Lộc, Tân Lộc (huyện Lộc Hà), làm chết và tiêu hủy 36 con lợn (3 lợn nái, 33 lợn thịt) với tổng trọng lượng tiêu hủy 2.680kg.

Tại huyện Cẩm Xuyên, ngày 1/11, đàn lợn của gia đình anh Phan Văn Hân (thôn Thanh Mỹ, xã Cẩm Quan) xuất hiện tình trạng sốt cao, nôn, tiêu chảy. Sau 2 ngày phát bệnh, 12 con lợn của gia đình bị chết, kết quả xét nghiệm cho dương tính DTLCP. Đến thời điểm này, đàn lợn thịt của gia đình đã chết 14/18 con với tổng trọng lượng 532kg. Nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ, gia đình đã tiêu hủy lợn chết, tiến hành rắc 2,5 tạ vôi và phun hóa chất để tiêu độc khử trùng chuồng trại. Với số lợn còn lại, gia đình tiếp tục theo dõi sát sao để có biện pháp phòng, chống kịp thời.

Từ ổ dịch của gia đình anh Hân, đến nay, xã Cẩm Quan có 6 hộ chăn nuôi bị DTLCP với tổng đàn nhiễm bệnh 19 con. Hiện các xã Cẩm Thạch, Nam Phúc Thăng, Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) cũng ghi nhận DTLCP chưa qua 21 ngày. Các ổ dịch xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và huyện Cẩm Xuyên đã tiêu hủy 52 con lợn với trọng lượng 2.324kg.

Bà Hoàng Thị Ngọc Diệp - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết: DTLCP chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại huyện Lộc Hà và Cẩm Xuyên, làm 94 con lợn nhiễm bệnh chết và đã được tiêu hủy. Địa phương và cơ quan chức năng cùng các hộ dân nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, không để lây lan diện rộng.

Tăng cường phòng dịch

Phát hiện DTLCP trên địa bàn quản lý, Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà và cơ quan chức năng, địa phương, người dân lập tức kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch. Hiện nay, Lộc Hà đã lập 7 chốt cảnh báo vùng có DTLCP, xã có dịch đã cấp và tiến hành tiêu độc khử trùng 198 lít hóa chất, 2.500kg vôi bột.

Trung tâm cũng yêu cầu các hộ gia đình và UBND xã thường xuyên kiểm tra theo dõi, tăng cường giám sát dịch bệnh hướng dẫn khoanh vùng và kiểm soát chặt chẽ vùng dịch bệnh theo quy định; hướng dẫn hộ gia đình chăm sóc cho gia súc bị bệnh, và thực hiện việc chữa trị theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Thực hiện tiêu độc, khử trùng tại hộ có dịch xảy ra và các khu vực có liên quan. Lập biển báo và chôn hủy gia súc, gia cầm chết theo quy định. Tăng cường công tác quản lý, mua bán, vận chuyển giết mổ. Thực hiện việc cách ly triệt để, yêu cầu hộ gia đình thực hiện phòng, chống dịch theo quy định.

Tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi ký cam kết và thực hiện nghiêm túc “5 không” (không giấu dịch; không bán gia súc mắc bệnh; không vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc bị bệnh; không giết thịt gia súc ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc; không vứt xác gia súc chết ra ngoài môi trường xung quanh, gia súc bị chết phải tiêu hủy theo quy định). Đặc biệt hộ có gia súc bị bệnh phải nuôi nhốt và cách ly, thực hiện cách ly triệt để và đánh dấu gia súc mắc bệnh quản lý chặt chẽ để ngăn chặn lây lan.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh khuyến cáo, DTLCP đang diễn biến phức tạp tại các địa phương trên cả nước, đây là thời điểm giao mùa, sức đề kháng của vật nuôi giảm. Mặt khác, từ nay đến cuối năm là thời điểm các cơ sở chăn nuôi tăng đàn, tái đàn, phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp Tết, các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn gia tăng… nên nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan thời gian tới rất cao. Hiện nay, tổng đàn lợn của Hà Tĩnh đạt trên 413.000 con.

Để kịp thời khống chế các ổ dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, đề nghị các địa phương có ổ dịch phát sinh tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch nhằm xử lý dứt điểm; hướng dẫn thực hiện đúng quy trình tiêu hủy lợn mắc bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan.

Phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở nhằm kiểm tra, rà soát tình hình, nắm chắc diễn biến dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi đảm bảo yêu cầu và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; tăng cường quản lý hoạt động buôn bán, vận chuyển giết mổ động vật, sản phẩm động vật và hành nghề thú y trên địa bàn...

HẠNH NGUYÊN