Kinh tế

Thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Bao nhiêu là phù hợp?

Lê Bảo 15/11/2024 09:09

Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) với việc điều chỉnh một số nội dung quan trọng. Theo các chuyên gia, cần đưa một lộ trình tăng thuế suất TTĐB đến năm 2030 là 40% giá xuất xưởng để giá bán lẻ các sản phẩm đồ uống có đường tăng thêm 20%, có như vậy mới hạn chế việc sử dụng đồ uống có đường.

anhbaitren.jpg
Giới trẻ ngày càng sử dụng nhiều đồ uống có đường.

Lợi ích kép khi tăng thuế TTĐB

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu Việt Nam đưa ra lộ trình tăng thuế suất TTĐB đến năm 2030 là 40% giá xuất xưởng để giá bán lẻ các sản phẩm đồ uống có đường tăng thêm 20% (theo giá thực đã tính đến lạm phát) sẽ đem lại lợi ích kép khi hạn chế việc sử dụng, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân, đồng thời giúp nhà nước tăng ngân sách.

Nghiên cứu được thực hiện mới đây bởi Đại học Y tế công cộng cũng chỉ ra nếu áp thuế với mức thuế suất để tăng giá bán lẻ lên 20% sẽ dẫn đến giảm tiêu dùng và giảm được 2,1% tỷ lệ thừa cân, 1,5% tỷ lệ béo phì, phòng tránh được 81,462 ca đái tháo đường tuýp 2 và tiết kiệm được 24,55 triệu USD chi phí y tế.

Đáng chú ý, nghiên cứu do Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe Healthbridge Canada tại Việt Nam phối hợp với WHO thực hiện cho thấy, ước tính với mức thuế suất 40% giá xuất xưởng thì sẽ dẫn đến tăng giá bán lẻ lên 20% và có thể dẫn đến số thu ngân sách khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng.

Thực tế, ở Việt Nam, việc tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo số liệu của Euromonitor 2023, tổng tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng nhanh từ 1,59 tỷ lít năm 2009 lên 6,67 tỷ lít năm 2023 (tăng 420%). Tiêu thụ tính trên đầu người cũng tăng nhanh tương ứng, từ mức 18 lít/người năm 2009 lên 66 lít/người năm 2023 (tăng 350%).

Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, đồ uống có đường cũng là nguyên nhân của ít nhất 9 nhóm bệnh (nguy cơ thừa cân béo phì, tiểu đường tuýp 2, hội chứng rối loạn chuyển hóa, tim mạch, tiết niệu, tiêu hóa, ung thư đường tiêu hóa, sa sút trí tuệ…). Do đó, Việt Nam cần kiểm soát mạnh mẽ các vấn đề liên quan đến đồ uống có đường. “Ngoài vấn đề truyền thông, chúng ta cần phải áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường. Và thời điểm này là phù hợp để tăng thuế TTĐB” - bà Mai cho biết.

Thúc đẩy sản xuất cạnh tranh lành mạnh

Theo các chuyên gia, việc áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường làm tăng giá bán lẻ dẫn đến giảm tiêu dùng các loại sản phẩm này nhưng không có bằng chứng nào về mối liên hệ với vấn đề giảm việc làm trong ngành đồ uống.

Báo cáo “Các công cụ tài chính nhằm giảm tiêu dùng đồ uống có đường tại Việt Nam” do WHO công bố gần đây cho thấy, hiện tượng giảm việc làm trong ngành đồ uống thường đến từ việc đầu tư dây chuyền công nghiệp hóa hiện đại. Trên thực tế việc làm trong ngành đồ uống không nhiều vì mức độ công nghiệp hóa dây chuyền sản xuất rất cao.

Đáng chú ý, việc áp thuế với mặt hàng này sẽ giảm sức mua các nhóm sản phẩm đồ uống có đường thuộc diện chịu thuế. Tuy nhiên, ngành đồ uống còn cung ứng ra thị trường nhiều loại đồ uống khác mà không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Chính vì vậy, có thể nói chưa có bằng chứng nào việc áp thuế TTĐB sẽ làm giảm sức mua của các loại đồ uống và làm giảm doanh thu của ngành công nghiệp đồ uống, nhất là khi sức mua các loại đồ uống lành mạnh (như nước lọc) sẽ tăng khi đồ uống có đường bị áp thuế. Điều này sẽ tạo ra các việc làm thay thế.

“Áp thuế đồ uống có đường làm tăng doanh số các đồ uống lành mạnh không bị đánh thuế và tạo động cơ cho nhà sản xuất linh hoạt trong điều chỉnh lại công thức sản phẩm, giảm hàm lượng đường. Tuy quá trình này có thể mất nhiều thời gian nhưng khi làm được sẽ giúp cho người lao động không bị mất việc làm và sản phẩm mới có mức tiêu dùng tăng sẽ bù lại cho lượng giảm đồ uống có hàm lượng đường cao hơn” - WHO nhận định.

Bằng chứng từ nhiều quốc gia đã ban hành và thực thi thuế TTĐB đối với đồ uống có đường cho thấy, áp thuế đồ uống có đường sẽ có tác động tốt đến nền kinh tế. Bởi tiêu thụ mặt hàng này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới chế độ ăn, gây mất năng suất và tạo gánh nặng tài chính lớn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia. Hiện nay, ngày càng nhiều quốc gia áp thuế TTĐB đối với mặt hàng này.

Các chuyên gia nhận định, tại Việt Nam, áp thuế đồ uống có đường là phù hợp với các đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 43/2022 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường không ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển của đất nước, chính sách này có thể tạo ra doanh thu cho chính phủ bên cạnh việc cải thiện sức khỏe cộng đồng.

“Việc áp thuế rất phù hợp với xu hướng quốc tế. Các nước đã nhận thức vấn đề này sớm hơn và họ đã bắt đầu áp thuế để quản lý sự gia tăng sử dụng của đồ uống có đường. Hiện nay đã có hơn 100 quốc gia áp thuế TTĐB” - ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam cho hay.

Lê Bảo