Văn hóa

Ứng xử thế nào với các di tích khảo cổ học?

Phạm Sỹ 15/11/2024 09:28

Ngày 14/11 tại Hà Nội, nhiều kết quả khảo cổ đã được Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) công bố trong hội thảo “Thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 59 - năm 2024” với chủ đề “Những phát hiện mới về Khảo cổ học”. Trong đó, kết quả khảo cổ học ở Di chỉ Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên gia.

anh1 baitren
Khu vực khai quật Di chỉ Vườn Chuối rộng 6.000m2. Ảnh: ĐKQCC.

Những thông điệp từ lịch sử

Kết quả khai quật mới nhất tại Di chỉ Vườn Chuối đã cung cấp thêm nhiều tư liệu mới trong nghiên cứu thời đại Kim khí ở miền Bắc Việt Nam, mặt bằng khu cư trú thời tiền Đông Sơn nằm ở vị trí cao nhất của gò Vườn Chuối, cấu trúc hình lòng chảo với rìa ngoài cao hơn bên trong khoảng 0,5m, bên ngoài khu cư trú có một vòng hào bảo vệ rộng khoảng 10m và sâu khoảng 2,5 - 3m bao quanh.

Kết quả khảo cổ cũng cho thấy, khoảng 3.500 năm trước, đã có lớp cư dân đầu tiên cư trú ở khu vực này. Sự hiện diện một điểm quần cư quy mô lớn và có niên đại kéo dài như ở Vườn Chuối là rất hiếm, cho thấy những hiểu biết rõ hơn về cách thức xử lý các không gian cư trú, phần nào phản ánh về một xã hội có tổ chức và có phân công lao động. Cuộc khai quật đã phát hiện một khu mộ táng từ thời tiền Đông Sơn rất tập trung, có niên đại dài tới hơn 2.000 năm, trong đó phát hiện 70 mộ táng tiền Đông Sơn và 40 mộ táng Đông Sơn. Cũng tại đây đã tìm thấy những dấu tích vật chất của công trình kiến trúc liên quan đến nhà ở của người Đông Sơn.

Tại di tích Gò Đất Nại (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đã phát hiện 6 di tích mộ táng, trong đó có 5 mộ huyệt đất và 1 mộ vò cùng nhiều đồ tùy táng, với loại hình phổ biến nhất là đồ gốm và một số hiện vật bằng đá, kim loại thuộc 2 giai đoạn có niên đại kéo dài từ 2.500 năm cách ngày nay đến thế kỷ I - II sau Công nguyên.

Còn cuộc khai quật công xưởng chế tác vòng đá Thọ Sơn (Bình Phước), di vật phát hiện được chủ yếu là các loại hình liên quan đến hoạt động chế tác vòng đá. Niên đại tương đối của di tích khoảng 2.700 năm cách ngày nay.

Với 383 thông báo tại Hội thảo lần này, cho thấy hoạt động khảo cổ học Việt Nam mùa điền dã 2023 - 2024 diễn ra rất sôi nổi, đều khắp trên toàn quốc và đạt hiệu quả cao. Theo đánh giá của TS Hà Văn Cẩn - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khảo cổ học, trong 1 năm qua, kế thừa và phát huy thành tựu của các giai đoạn trước, ngành khảo cổ học đã thu được những thành quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào việc nhận thức diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Khẳng định giá trị các nền văn hóa, văn minh, văn hiến của các cộng đồng cư dân cổ trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay. Qua đó góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc trong phát triển kinh tế, xây dựng con người, văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, những kết quả của khảo cổ học giúp chúng ta hình dung được đời sống tinh thần, vật chất của những thế hệ trước. Một cuộc nghiên cứu cuối cùng ra một cuốn sách nhưng một cuộc khai quật không chỉ ra những cuốn sách mà còn là sự tổng hợp của tất cả những tri thức khác để có thể từ hiện vật vô tri vô giác đưa ra những thông điệp về lịch sử.

Cần được quan tâm đúng mức

Một số chuyên gia trong lĩnh vực khảo cổ và lịch sử cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc nhiều khảo cổ học có giá trị nhưng sau khi được phát hiện chưa có sự bảo vệ tốt và chưa phát huy được giá trị trong đời sống là do chưa được quan tâm, chú ý đúng mức. Khai quật xong thì vấn đề tuyên truyền, bảo vệ như nào là vấn đề rất lớn. Muốn làm được điều đó cần phải có cả sự chung tay của Nhà nước và chính quyền địa phương.

Điển hình như câu chuyện Di chỉ Vườn Chuối. Đây là khu khảo cổ di chỉ đã được phát hiện từ những năm 1969. Trải qua nhiều đợt khai quật đã phát hiện nhiều dấu tích hết sức có giá trị. Tuy nhiên sau bao nhiêu năm, vấn đề bảo vệ để phát huy giá trị của khu di chỉ này trong đời sống vẫn còn “lùng nhùng”, chưa có phương án chính thức.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, giá trị khoa học và và tự hào văn hóa lịch sử đối với Di chỉ Vườn Chuối nói riêng và Hà Nội nói chung rất là lớn. Hà Nội có bao nhiêu di tích mang tính phức hợp như Di chỉ Vườn Chuối? Sự phức hợp từ di chỉ cư trú, làng xóm, công xưởng thậm chí cả nghĩa địa. Chính vì vậy, việc khai quật đã làm rõ giá trị, bây giờ quan trọng là phương án giải quyết. Cần có một giải pháp đồng bộ liên quan đến di tích này. Một phương án ứng xử hài hòa trong không gian phát triển và không gian bảo tồn.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam đã phải thốt lên rằng, giá trị của Di chỉ Vườn Chuối là vô cùng quý giá nhưng chưa nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan chức năng. Đến nay vì sao Di chỉ Vườn Chuối vẫn chưa được công nhận là di tích để bảo vệ? Đây là điều cần phải suy nghĩ và phải có câu trả lời sớm.

Các nhà khoa học cũng khẳng định giá trị rất lớn của Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, nhưng không hiểu lý do gì khiến việc xếp hạng di tích cho di chỉ này diễn tiến quá chậm. Thực tế đã cho thấy, trong quá trình đô thị hóa vùng nông thôn rộng lớn và tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng cho Thủ đô, nhiều di tích khảo cổ đã phát hiện trước đây do chưa xếp hạng, không có chỉ giới bảo vệ cụ thể, hoặc các di tích mới phát hiện ngẫu nhiên trong quá trình thi công cơ giới, sẽ không tránh khỏi bị xóa xổ.

Nhà sử học Dương Trung Quốc là người rất quan tâm đến những diễn biến của Di chỉ Vườn Chuối. Ông Quốc cho biết, đây là di chỉ đã được phát hiện từ lâu, trải qua nhiều cuộc khai quật, bất kỳ cuộc khai quật nào cũng thấy được những kết quả rất giá trị. Những kết quả cho thấy đây là vùng cư trú dân cư từ rất cổ xưa, ít nhất là 4.000 năm.

“Di chỉ Vườn Chuối nên trở thành một công viên văn hóa. Vì gần khu Di chỉ Vườn Chuối có cả Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Cùng với Di chỉ Vườn Chuối, đó sẽ trở thành cụm văn hóa thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan. Tất cả sẽ mang lại lợi ích chung cho cộng đồng” - nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Hoạt động khảo cổ học diễn ra sôi động ở các địa phương trong cả nước với nhiều phát hiện có giá trị. Song vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị đó như thế nào trong đời sống hiện nay lại đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và các nhà khoa học. Bởi, có những phát hiện về khảo cổ có giá trị rất lớn đã được phát hiện, nhưng đến nay vẫn chưa có phương án bảo vệ.

Phạm Sỹ