Sức khỏe

Bảo vệ sức khoẻ trong những ngày Hà Nội ô nhiễm không khí ra sao?

Hoàng Chiến 15/11/2024 18:19

Những ngày gần đây, Hà Nội liên tục nằm trong top thành phố có mức độ ô nhiễm không khí nhất trên thế giới.

Theo số liệu cập nhật mới nhất lúc 14h ngày 15/11 trên ứng dụng IQAir, Hà Nội vẫn đang có chỉ số ô nhiễm không khí trong top 10 những thành phố ô nhiễm không khí nhất trên thế giới, với AQI là 168 (màu đỏ).

Ảnh chụp Màn hình 2024-11-15 lúc 14.23.45
Chỉ số ô nhiễm không khí của Hà Nội vẫn ở mức xấu. Ảnh chụp màn hình.

Ở mức độ ô nhiễm không khí này, những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Cá biệt có một số địa điểm trên địa bàn thành phố có chỉ số ô nhiễm AQI xấp xỉ 200, ở mức rất xấu (màu tím) như Quảng Khánh (Tây Hồ), Lê Duẩn (Hoàn Kiếm),...

Bên cạnh đó, nồng độ bụi mịn (PM2.5) tại Hà Nội hiện cao gấp 16 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.

img_9100(1).jpg
Bầu trời Thủ đô chìm trong lớp bụi mịn.

Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, bầu trời Thủ đô chìm trong lớp sương mỏng, các toà nhà cao tầng bị phủ kín bởi lớp bụi mịn, tầm nhìn xa giảm thấp,... đặc biệt là vào sáng sớm.

Theo dự báo, từ nay đến cuối tuần, do thời tiết chưa có nhiều sự biến đổi nên tình trạng ô nhiễm không khí sẽ vẫn tiếp tục duy trì.

Cổng Thông tin quan trắc môi trường của UBND TP Hà Nội cũng đưa ra cảnh báo khi tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài nhiều ngày.

Theo đó, nhóm người nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe, hạn chế hoạt động ngoài trời; nên giảm các hoạt động mạnh và giảm thời gian hoạt động ngoài trời. Những người mắc bệnh hen suyễn có thể cần sử dụng thuốc thường xuyên hơn.

Đối với nhóm người bình thường: Những người thấy có triệu chứng đau mắt, ho hoặc đau họng… nên cân nhắc giảm các hoạt động ngoài trời. Đối với học sinh, có thể hoạt động bên ngoài, nhưng nên giảm bớt việc tập thể dục kéo dài.

img_9098(1).jpg
Các toà nhà cao tầng bị che phủ bởi lớp sương mù.

Để bảo vệ sức khỏe trước những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khuyến cáo người dân theo dõi diễn biến chất lượng không khí qua app VN AIR (cài đặt trên hệ điều hành Android, IOS) và trang web: https://cem.gov.vn, https://enviinfo.cem.gov.vn.

Hạn chế các hoạt động ngoài trời

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, tình trạng ô nhiễm không khí xuất phát từ tổ hợp nhiều nguyên nhân, do đó để cải thiện vấn đề này, Hà Nội cần triển khai đồng bộ các giải pháp.

Trong đó chú trọng đến việc tăng cường hệ thống giao thông công cộng, sử dụng năng lượng xanh, giúp giảm lượng khí thải thải ra môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí tại đô thị...

Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo, khi chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu (AQI ở mức 151 - 200) đối với người bình thường nên hạn chế hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức.

Nếu phải làm việc, hoạt động ngoài trời nên bố trí, lựa chọn thời điểm ít bị ô nhiễm trong ngày, cần nghỉ ngơi nhiều hơn, thực hiện các hoạt động với cường độ vừa phải.

Tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao. Nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.

Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực bị ô nhiễm không khí.

Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Hoàng Chiến