Sức khỏe

Áp thuế đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Minh Quang 15/11/2024 17:07

Phân tích thực trạng gia tăng bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch…trong giới trẻ hiện nay, từ đó đề xuất, khuyến nghị việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với đồ uống có đường (ĐUCĐ) là nội dung Tọa đàm cùng chủ đề do Vụ pháp chế- Bộ Y tế tổ chức sáng 15/11 tại Hà Nội.

Gia tăng bệnh tật từ đồ uống có đường

PGS.TS. BS Trương Thị Tuyết Mai- Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia phân tích, ĐUCĐ là nguồn cung cấp đường lớn nhất trong chế độ ăn, đóng góp 25% đường tự do tiêu thụ ở người lớn và 40% lượng đường tự do tiêu thụ ở thanh thiếu niên. ĐUCĐ cung cấp lượng calo rỗng, không có giá trị dinh dưỡng, kích thích cảm giác thèm ăn các thức ăn ngọt, nhiều carbohydrate và làm gia tăng cảm giác đói, giảm ngưỡng cảm giác no. Việc tiêu thụ thường xuyên ĐUCĐ tại Việt Nam đang làm gia tăng tác hại đối với sức khỏe, gia tăng gánh nặng bệnh tật. Trong đó nguy cơ cao là gây ra hệ lụy thừa cân béo phì, đái tháo đường tuyp 2, hội chứng rối loạn chuyển hóa tim mạch, ảnh hưởng tới xương- răng, ảnh hưởng tới thận- tiết niệu…Đồng thời cũng làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não vào sa sút trí tuệ.

Theo cảnh báo từ Bộ Y tế, nếu như năm 2015 có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo tỉ lệ này sẽ tăng lên gấp đôi (6,1 triệu) vào năm 2040. Cùng đó, kết quả điều tra STEP 2015, 2021 cho thấy tỉ lệ người tăng đường huyết áp lúc đói tăng gần gấp 2, từ 4,10 % lên 7,06 %; tăng huyết áp người trưởng thành lên trên 25%.

Khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới (WHO) về tiêu thụ lượng đường tự do trong khẩu phần ăn của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khỏe, tương đương dưới 25-50 g đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12- 25 g đường mỗi ngày với trẻ em. Riêng trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

Từ thực trạng nêu trên, BS Tuyết Mai cho rằng rất cần giải pháp kiểm soát lượng đường tiêu dùng. Trong đó cần hạn chế tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh, đồ uống có đường. Chúng ta đã có Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, yêu cầu xây dựng quy định về ghi nhãn dinh dưỡng mặt trước bao bì sản phẩm đóng gói sẵn; hạn chế quảng cáo đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe,đặc biệt đối với trẻ em, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ĐUCĐ. Theo BS Trương Thị Tuyết Mai, thuế ĐUCĐ làm tăng giá sản phẩm sẽ giúp giảm tiêu dùng, giảm năng lượng nạp vào. Đánh giá gần đây của WHO cho thấy, tăng 10% giá đồ uống có đường qua thuế có thể dẫn đến giảm khoảng 10-11% mức tiêu thụ,, giảm thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm.

Th.S.BS Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng đưa ra những con số cảnh báo: Tiêu thụ nước ngọt tại Việt Nam tăng rất nhanh trong vòng 15 năm qua. Cụ thể, tổng tiêu thụ nước ngọt đã tăng từ 1,59 tỉ lít năm 2009 lên 6,67 tỉ lít năm 2023 (mức tăng hơn 4 lần). Trong đó mức tăng rất nhanh trong giai đoạn 2029- 2014 (khoảng 20%/năm). Tiêu thụ đầu người cũng tăng nhanh tương ứng, từ mức 18,5 lít/người năm 2009 lên thành 66,5 lít/người năm 2023 ( tăng ở mức 350%). Theo ước tính của Euromonitor, tiêu thụ sẽ tăng trung bình 6,4% mỗi năm trong giai đoạn 2023- 2028, tổng giai đoạn tăng 36,6%.

BS Nguyễn Tuấn Lâm trao đổi tại hội thảo sáng 15-11
BS Nguyễn Tuấn Lâm trao đổi tại Tọa đàm sáng 15/11

Việc tiêu thụ nước ngọt tăng nhanh đã kéo theo tỉ lệ thừa cân béo phì và tiểu đường tuýp 2 đang tăng nhanh ở Việt Nam. Theo kết quả Điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2010- 2020, tỉ lệ thừa cân béo phì ở các nhóm tuổi như sau: trẻ dưới 5 tuổi- tỉ lệ béo phì trên 11%; trẻ từ 5-19 tuổi tỉ lệ thừa cân béo phì là 19%; ở người trưởng thành- tỉ lệ thừa cân béo phì là 19,6%. Cùng với đó, tỉ lệ đái tháo đường cũng tăng nhanh tương ứng. Đáng lưu ý, tỉ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành đã tăng gần gấp đôi từ 4,1% lên 7,1% từ năm 2015 tới năm 2021.

Đề xuất áp thuế hợp lý theo lộ trình

Hiện Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) với việc điều chỉnh một số nội dung quan trọng. Trong dự thảo Luật có đề cập đến mặt hàng đồ uống có đường sẽ được đề xuất áp thuế. Tuy nhiên theo các chuyên gia, mức thuế 10% giá bán của nhà sản xuất, áp trong 1 năm là rất nhỏ, ít tác động.

Bà Đinh Thị Thu Thủy- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế ( Bộ Y tế) cho hay, trong Báo cáo toàn cầu năm 2023 của WHO về thuế ĐUCĐ, thì áp thuế ĐUCĐ là một giải pháp can thiệp hiệu quả nhằm giúp giảm nhu cầu tiêu thụ ĐUCĐ và giảm sức mua do giá bán tăng. Giải pháp này hỗ trợ giảm lượng đường tự do nạp vào cơ thể. Đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Y tế bày tỏ, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm tác hại đến sức khỏe từ ĐUCĐ, trong đó áp thuế vẫn là giải pháp quan trọng nhất. Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đưa ra mức thuế suất 10% trên giá bán ra của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, theo tính toán với mức thuế suất này chỉ làm tăng 5% giá bán lẻ. Mức tăng này không đáng kể. Theo khuyến cáo của WHO, để giảm tiêu thụ ĐUCĐ, giá bán lẻ mặt hàng này cần phải tăng 20% trở lên. Do đó, Bộ Y tế đề nghị áp thuế suất 40% đối với nước giải khát có đường (hoặc 30% sau tăng lên 40% theo lộ trình).

Đồng quan điểm này, Th.S.BS Nguyễn Tuấn Lâm cho rằng nên xem xét áp dụng lộ trình tăng thuế hàng năm để thuế ĐUCĐ ở mức 40% giá bán nhà sản xuất (tức là 20% giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO) vào năm 2030 để bảo vệ sức khỏe cho tương lai. Đồng thời, nên tạo môi trường thuận lợi để giảm tiêu thụ ĐUCĐ (như dán nhãn mặt trước, cấm quảng cáo…)

Hiện hơn 110 quốc gia trên thế giới đã áp dụng thuế đối với ĐUCĐ. Trước những băn khoăn lo lắng quanh đề xuất áp thuế TTĐB với ĐUCĐ, có ý kiến cho rằng sẽ là không công bằng với các thực phẩm khác cũng có hàm lượng đường cao; thuế ĐUCĐ gây ảnh hưởng bất lợi đến nhóm dân cư có thu nhập thấp, hoặc gây ảnh hưởng tới cơ hội việc làm của nhân công trong lĩnh vực này… Bà Vũ Thị Minh Hạnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế khẳng định rằng, những quan ngại trên nếu không kịp thời được minh bạch, điều chỉnh sẽ đem lại hậu quả khôn lường với sức khỏe cộng đồng. Theo đó cơ quan chuyên môn và cơ quan truyền thông cần kiên trì truyền thông, thuyết phục, tạo ảnh hưởng để các nhà hoạt động chính sách và cộng đồng hiểu rõ tác hại của ĐUCĐ và lợi ích của chính sách thuế với ĐUCĐ.

Bộ Tài chính đã đề xuất áp thuế TTĐB với ĐUCĐ vào Dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi (tháng 8/2017), nhưng không được thông qua vào năm 2018. Sau 7 năm, NQ 129-NQ/QH15 ngày 8/6/2024 đồng ý cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Minh Quang