Dự án chống ngập tại TP Hồ Chí Minh: Lãng phí đến bao giờ?
Khởi công năm 2016 và dự kiến hoàn thành năm 2018 để chống ngập cho nhiều quận, huyện của TPHCM, nhưng nhiều năm qua, dự án ngăn triều chống ngập 10.000 tỷ đồng đã bị tạm dừng vì vướng nguồn vốn và thủ tục, gây lãng phí rất lớn. Mặc dù dự án này đã hoàn thành hơn 90% từ năm 2018 nhưng tới nay lại không thể đưa vào sử dụng. Điều đáng nói, dự án kéo dài và có nhiều quy định pháp luật đã thay đổi trong thời gian qua khiến công tác gỡ vướng gặp nhiều khó khăn.
Thi công dang dở
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, sau khi khởi công năm 2016, chủ đầu tư nhanh chóng thi công đồng thời 6 cống ngăn triều (gồm cống Bến Nghé, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định, Phú Xuân và Tân Thuận). Tới năm 2018 hoàn thành khoảng 90% tổng khối lượng công việc. Thậm chí một số cống có khối lượng công việc đã hoàn thành tới 95%, chỉ chờ vận hành thử nghiệm để bàn giao đưa vào khai thác. Nhưng thời điểm này dự án bắt đầu gặp một số vướng mắc liên quan tới thủ tục, nguồn vốn nên tiến độ thi công chậm lại và tiếp đó một thời gian sau lại thi công, rồi tiếp tục ngưng thi công… song vẫn không cải thiện nhiều tổng khối lượng công việc. Từ năm 2020 tới nay dự án bị ngừng thi công hoàn toàn. Năm 2020 cũng là thời điểm mốc thời gian thực hiện hợp đồng BT giữa Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 và UBND TPHCM hết hiệu lực. Việc này cũng khiến cho các thủ tục tiếp tục thực hiện dự án thêm khó khăn, khi hầu hết các quyết định tiếp theo đều phải có quyết định của các Bộ, Ngành cấp Trung ương quyết định.
Có mặt tại cống Tân Thuận (quận 7) ngày 15/11, theo quan sát của phóng viên, công trình đã hoàn thành trụ tháp T1, T2 và bến neo tàu, âu thuyền, buồng bơm, đã hoàn tất lắp đặt cửa van, hệ thống xy lanh thủy lực. Theo chủ đầu tư, đến nay nhà thầu đã thi công đạt 93% khối lượng công việc. Một số cống khác như cống Phú Xuân đạt 90%, cống Mương Chuối đạt 93%, cống Cây Khô đạt 86%, cống Phú Định đạt 88% và tuyến đê bao đạt 85%.
Ông Vũ Đình Tân - Giám đốc doanh nghiệp dự án Trung Nam BT 1547 cho biết: "Hàng triệu người dân TPHCM bờ hữu sông Sài Gòn, trực tiếp hoặc gián tiếp hưởng lợi từ dự án đang từng ngày chờ dự án về đích. Họ đã phải ngao ngán suốt hơn 3 năm qua. Chúng tôi cũng rất xót ruột và đã kiến nghị UBND TPHCM nhiều lần để có đường hướng về đích cụ thể cho dự án. Nếu được đảm bảo về tài chính và điều chỉnh tổng mức đầu tư, doanh nghiệp sẽ dồn toàn lực để cuối năm 2025 vận hành đồng bộ”.
Theo đó, lãng phí lớn nhất ở dự án này là do nguồn vốn mà chủ đầu tư bỏ ra quá lớn nhưng chưa thể thu hồi khiến mỗi ngày phát sinh khoảng 1,75 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng. Tính tới nay, khoản chi phí phát sinh vì lãi vay, máy móc thiết bị… đã lên tới khoảng 4.000 tỷ đồng (tiền lãi phát sinh khoảng 2.000 tỷ đồng). Vì vậy, việc điều chỉnh thủ tục và tổng mức đầu tư dự án là bắt buộc và càng để thời gian kéo dài, số tiền phát sinh sẽ càng tăng thêm. Ngoài ra, trong thời gian ngưng thi công doanh nghiệp từng nhiều lần bị mất trộm vật tư, thiết bị, dầu cũng như phải duy trì nhân viên canh gác, bảo vệ đảm bảo phương tiện đường thuỷ lưu thông qua khu vực các cống đang thi công dang dở”.
Gỡ vướng để phục vụ người dân
Thực tế nhiều năm qua và hiện tại đang là mùa mưa năm 2024, nhiều khu vực ở TPHCM vẫn tiếp tục ngập nước nặng nề, nhất là thời điểm triều cường diễn ra trùng với những ngày mưa. Vì vậy, mục tiêu dự án ngăn triều chống ngập cho hàng triệu cư dân ở TPHCM là điều rất cấp thiết. Người dân có chung mong muốn được sớm nhìn thấy dự án hoàn thành để không còn phải sống chung với cảnh ngập lụt suốt thời gian dài nữa.
Anh Nguyễn Văn Huy 36 tuổi, ngụ tại khu vực đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), nơi cách không xa công trường thi công cống Phú Định cho biết những khi triều cường (mỗi tháng 2 lần, kéo dài 1-3 ngày), triều dâng, nhiều tuyến đường ven sông Phú Định chìm trong nước, giao thông di chuyển rất khó khăn. Dự án xây cống ngăn triều này được nhiều người kỳ vọng và khi các trụ cống hoàn thành vài năm trước thì rất vui mừng. Nhưng kể từ thời điểm dự án tạm ngưng, niềm mong mỏi của người dân ngày càng đi vào vô vọng.
Trong khi đó, theo công văn gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới đây, UBND TPHCM cho biết khó khăn lớn nhất ở dự án là không còn vốn để hoàn thành. Vướng mắc này xuất phát từ việc Ngân hàng BIDV, đơn vị trung gian tiếp nhận nguồn vốn, tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước cho dự án không đủ cơ sở ký phụ lục hợp đồng tín dụng với nhà đầu tư để gia hạn giải ngân. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước đã thu nợ tái cấp vốn đối với BIDV 3.560 tỷ đồng, nên dù có được gia hạn thì vẫn không thể tiếp tục giải ngân do dự án chưa được thanh toán.
Được biết, việc gỡ vướng dự án này không chỉ liên quan tới nguồn vốn mà còn hàng loạt thủ tục, quy định pháp luật khác. Bởi ngay từ khi bắt đầu, dự án đã còn một số thủ tục chưa hoàn thành (vừa thi công vừa hoàn thành thủ tục) nhưng sau đó gặp vướng mắc khiến việc giải quyết gặp khó.
Theo TS Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TPHCM, các vướng mắc ở dự án trải qua nhiều thời kỳ, một số quy định cũng thay đổi. Nếu vận dụng luật và các văn bản dưới luật thì nhiều nội dung trong hợp đồng đã ký trước đây vẫn bị vướng. Do đó, việc điều chỉnh dự án là giải pháp tối ưu trong điều kiện hiện nay, và việc này chắc chắn sẽ cần khá nhiều thời gian.
Mới đây, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM, ông Đỗ Quang Hưng - Trưởng phòng Tổng hợp công tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM) cho biết, hiện dự án đang phát sinh vướng mắc do thay đổi liên tục về các quy định pháp lý liên quan việc áp dụng cơ chế của hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Theo ông Hưng, dù dự án đã hoàn thành 90%, nhưng UBND TPHCM vẫn chưa thể thanh toán cho nhà đầu tư. Lý do là chưa đủ điều kiện thanh toán theo quy định của pháp luật và quy định của hợp đồng đã ký kết. Cùng đó, các điều kiện giải ngân khoản vay, tái cấp vốn cho dự án cũng đã hết hạn. Cũng theo ông Hưng, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập riêng một tổ công tác để chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án. TPHCM đã chủ động nghiên cứu và nhiều lần đề xuất Trung ương các phương án tháo gỡ. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thống nhất được do vướng các quy định về pháp luật. Thậm chí TPHCM còn đề xuất thành lập một quỹ trung gian để cấp vốn cho doanh nghiệp với mục tiêu là thi công hoàn thành sớm và sẽ hoàn trả nguồn vốn khi công trình hoàn thành nhưng phương án này cũng không khả thi.
TS Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và Môi trường TPHCM:
Điều chỉnh dự án là giải pháp tối ưu
Các vướng mắc ở dự án trải qua nhiều thời kỳ, một số quy định cũng thay đổi. Nếu vận dụng luật và các văn bản dưới luật thì nhiều nội dung trong hợp đồng đã ký trước đây vẫn bị vướng. Do đó, việc điều chỉnh dự án là giải pháp tối ưu trong điều kiện hiện nay. Nên chuyển vai trò chủ đầu tư về Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 9 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bởi đây là cơ quan chuyên ngành quản lý và sử dụng vốn nhà nước để đầu tư, xây dựng công trình thủy lợi sẽ phù hợp triển khai, thẩm định kỹ thuật công trình.
T.X
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng thuộc nhóm A; hình thức đầu tư là đối tác công - tư (PPP); hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), thanh toán bằng quỹ đất và ngân sách TPHCM. Trước đó, cuối tháng 9, Chủ tịch UBND TPHCM đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án tháo gỡ vướng mắc đối với dự án. UBND TPHCM cho biết, hiện dự án có 3 khó khăn chính bao gồm: Không có vốn để hoàn thành công trình; chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án đang trong quá trình triển khai có sự thay đổi mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia và chưa có cơ sở thanh toán hợp đồng BT. Nguyên nhân là dự án thuộc trường hợp chuyển tiếp theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư; Nghị quyết số 98 năm 2023 của Quốc hội và Nghị định số 35 năm 2021 của Chính phủ.