Xã hội

Huy động xã hội hóa xóa nhà tạm, nhà dột nát

Lan Hương 16/11/2024 09:57

Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh về giải pháp để hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn cả nước.

anhbaitren.jpg
Ông Bùi Văn Moi bên căn nhà khang trang vừa được xây nhờ nguồn quỹ xã hội hóa. Ảnh: L.H.

Niềm vui trong những căn nhà mới

Với ông Bùi Văn Moi (75 tuổi, ở xã Lạc Lương, huyện Yên Thủy, Hòa Bình), năm 2024 là năm rất đáng nhớ. Cùng cháu chơi đùa trong căn nhà khang trang, rộng rãi ông Moi ngỡ đó không phải hiện thực. Ông Moi xúc động giãi bày: “Từ lúc lấy vợ rồi sinh con, dù chăm chỉ làm ăn nhưng cái đói, cái nghèo vẫn cứ vây bám nên không lúc nào dám mơ ước có được ngôi nhà khang trang. Nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, quỹ hỗ trợ MTTQ và Công an tỉnh Hòa Bình, lúc cuối đời tôi đã có được ngôi nhà khang trang và ấm cúng”.

Ông Trần Ngọc Nam - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Yên Thủy cho biết, ông Moi là một trong hàng chục hộ dân được nhận nhà mới đợt thi đua cao điểm 450 ngày đêm "xóa nhà tạm, nhà dột nát” cho người nghèo. Cùng với hỗ trợ nhà ở, với những gia đình được hỗ trợ xây nhà còn được hỗ trợ về con giống, sản xuất để đảm bảo sinh kế bền vững vươn lên thoát nghèo.

Hiện nay, thống kê toàn huyện Yên Thủy có 213 nhà tạm, nhà dột nát. Năm 2024, Ban quản lý Quỹ "Vì người nghèo” tỉnh phân bổ nguồn hỗ trợ cho huyên Yên Thủy 2 đợt, tổng số tiền phân bổ 3 tỷ đồng, tương ứng hỗ trợ 60 nhà Đại đoàn kết, số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà. Theo tiến độ xây dựng phấn đấu xong trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Cũng giống như ông Bùi Văn Moi, ông Bàn Văn Hiền (ở huyện Đà Bắc, Hòa Bình) ngoài được hỗ trợ xây sửa nhà mới, còn được hỗ trợ bò giống để sản xuất. Từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững. Huyện Đà Bắc là địa phương tiêu biểu thực hiện Đề án "Hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo" của tỉnh. Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện đã hỗ trợ 280 hộ với tổng số tiền 14 tỷ đồng. Những ngôi nhà sau khi hoàn thành đều có diện tích trên 50m2, đảm bảo tiêu chuẩn "3 cứng" của Bộ Xây dựng (nền cứng, khung tường cứng, mái cứng). Cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhân dân trong xóm, các căn nhà đã đáp ứng tiêu chí nhà ở trong xây dựng nông thôn mới.

Đa dạng hóa nguồn lực về “đích” sớm

Để cụ thể hóa đợt thi đua cao điểm 450 ngày hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước, ngày 6/10/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 102 về việc đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Trong đó khẳng định cần coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, ngành, địa phương; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để đến ngày 31/12/2025 hoàn thành bằng được mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Theo thống kê, toàn quốc hiện vẫn còn khoảng 315.000 hộ có khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt có đến 280.000 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái, ngập, vùi lập do sạt lở đất do cơn bão số 3. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên các hộ nghèo không có khả năng tự cải thiện nhà ở.

Trao đổi về các giải pháp để hoàn thành mục tiêu trên, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, cần phải đổi mới phương pháp, cách làm theo hướng đa dạng hóa nguồn lực, bao gồm nguồn lực được hỗ trợ từ trung ương, địa phương, nguồn lực công sức huy động, giúp đỡ từ cộng đồng cơ sở trên tinh thần "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều", nguồn lực cố gắng từ chính các hộ gia đình.

“Trung ương cần dành nguồn vốn ngân sách theo các chương trình, đề án hỗ trợ về nhà ở cho người dân, nhất là người có công với cách mạng, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các bộ, ngành, địa phương bố trí, phân bổ đủ vốn cho các chương trình theo kế hoạch đề ra. Về phía cơ sở, các địa phương cần tập trung, ưu tiên tổ chức triển khai. Với quyết tâm cao và chỉ đạo quyết liệt, cụ thể trên, chúng ta tin tưởng rằng, đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên cả nước” - ông Thanh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, từ năm 2011 đến nay, thông qua các Chương trình 167, Chương trình 133, Chương trình 48 về nhà ở cho người nghèo và người dân vùng bão, lũ, đặc biệt là chương trình 22 về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, ngân sách nhà nước và xã hội hóa đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho khoảng 340.000 hộ người có công với cách mạng và trên 800.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở trong cả nước; MTTQ các cấp đã hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho 670.000 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Việc hỗ trợ nhà ở không đơn thuần là sửa chữa, xây dựng lại những căn nhà mới, mà còn là cả một quá trình cải thiện chất lượng cuộc sống.

Lan Hương