Chính trị

Hiến kế đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên vươn mình

H.Vũ 16/11/2024 09:58

Ngày 15/11, Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

anhtoancanh15-11.jpg
Quang cảnh hội thảo.

Tới dự hội thảo có: Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương Lại Xuân Môn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Lê Hải Bình; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu. Đây là hội thảo khoa học cấp quốc gia đầu tiên về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Đổi mới chính mình, bứt lên từ các đột phá

Nêu quan điểm tại hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, dân tộc Việt Nam đã trải qua 2 kỷ nguyên, kỷ nguyên thứ nhất giai đoạn 1930-1975; kỷ nguyên thứ hai giai đoạn 1975-2025. Hai kỷ nguyên đã hoàn thành vẻ vang các nhiệm vụ lịch sử, tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để Việt Nam bước vào kỷ nguyên thứ ba: kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được xác định khởi đầu từ Đại hội XIV của Đảng.

Về yêu cầu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ông Phú cho rằng phải tiến hành đồng bộ “đột phá kép”. Một mặt là đột phá với công nghệ hiện đại ở những lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế, quản trị quốc gia hiện đại trên nền tảng Chính phủ số, xã hội số, công dân số để tạo phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Mặt thứ hai là đột phá trong việc giải quyết các điểm nghẽn hạn chế yếu kém đang kìm hãm sự phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, cần đột phá về tư duy nhận thức. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các cuộc cách mạng tiếp theo đang và sẽ làm đảo lộn suy nghĩ của mỗi quốc gia và mỗi con người, từ đó phải đổi mới tư duy, nhận thức trên cơ sở kế thừa và tiến hành công cuộc đổi mới. Do đó cần tiếp thu tư duy đổi mới của nhân loại phù hợp với công nghệ số, đột phá về khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực quốc gia...

“Cũng phải thẳng thắng nhìn nhận có nhiều nguồn lực bị thất thoát, chưa phát huy hết. Do đó kỷ nguyên mới đòi hỏi chuyển biến căn bản, giữ gìn, nuôi dưỡng hiệu quả các nguồn lực đất nước. Từng đồng tiền, bát gạo, từng mét vuông đất rừng, từng rỉa quặng, từng giờ, từng ngày lao động, khả năng của mỗi con người cần bồi đắp khai phóng để tạo thành của cải vật chất, tiết kiệm chống lãng phí, thất thoát, cần kiệm xây dựng đất nước phải trở thành quốc sách, trở thành nhiệm vụ chính trị của các tổ chức Đảng, hệ thống chính trị tự giác của mỗi người Việt Nam trong kỷ nguyên mới” - ông Phú nêu giải pháp đồng thời cho rằng: Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu hàng đầu là nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, xây dựng Đảng thực sự tiêu biểu cho trí tuệ danh dự và lương tâm của dân tộc. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi cách mạng Việt Nam là chân lý đã được đúc kết của cách mạng Việt Nam.

Ông Lê Hải Bình - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu vấn đề, chúng ta cần phải đổi mới chính mình để thích ứng với yêu cầu mới. Theo đó Việt Nam đã hội nhập, cùng với thế giới giải quyết các vấn đề toàn cầu do đó phải có trách nhiệm trong vấn đề toàn cầu.

Từ đó, theo ông Bình, cần nhận thức về sự đổi mới, vươn mình, nhưng làm sao phải lan toả tinh thần đổi mới, nhận thức chung về kỷ nguyên vươn mình, về yêu cầu của mỗi người trong kỷ nguyên vươn mới. Nâng cao năng lực lãnh đạo cầm quyền của Đảng. Qua mỗi kỷ nguyên, các giai đoạn, Đảng đều chứng minh được bản lĩnh trí tuệ, sức chiến đấu trong mỗi giai đoạn đột phá. Bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả là cái cần đổi mới, làm gọn lại. “Tổng Bí thư Tô Lâm có nêu bộ máy cồng kềnh nhiều tầng nấc, chiếm toàn bộ ngân sách nhà nước 70%, còn đâu cho đầu tư phát triển do đó phải hướng tới tinh gọn. Để làm được như vậy đòi hỏi sự đồng thuận, đồng tâm, nhất trí, cống hiến và cả sự hy sinh của cán bộ đảng viên, trong đó có những người bị động chạm tới lợi ích của mình. Sự tham gia của chủ thể của toàn xã hội tham gia trong công cuộc này để đất nước, dân tộc vươn mình. “Chúng ta có một nền quản trị hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu thiết thân trong bối cảnh hiện nay. Để có được điều đó, phải giải quyết điểm nghẽn của điểm nghẽn, đó là vấn đề thể chế, và hướng tới tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực hiệu quả”- ông Bình nói.

Quyết tâm tinh gọn bộ máy

PGS.TS Lê Minh Thông - nguyên trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, có thể xem là một lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân bước vào một công cuộc mới.

Theo ông Thông, chúng ta bước vào một kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng, đòi hỏi phải tổ chức lại lực lượng, phải làm lại mô hình tổ chức để tạo ra những động lực mới, nguồn lực mới. Từ đó tạo ra những bước đột phá, đưa dân tộc ta tiến tới đất nước phát triển, có thu nhập cao.

Cũng theo ông Thông, trong 7 định hướng vươn mình của dân tộc Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra thì 4 định hướng liên quan vấn đề thể chế. Có thể nói thể chế là điểm nghẽn căn bản, thách thức phải vượt qua.

Ông Thông phân tích để đổi mới được hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả thì Đảng phải tiên phong trong đổi mới chính mình về tổ chức, hoạt động. Nếu Đảng không tự đổi mới để dẫn dắt toàn bộ quá trình đổi mới thì khó tạo ra lực mới để toàn xã hội đổi mới theo. “Cần chú trọng đổi mới về tổ chức cán bộ, vì đó là khâu rất căn bản để có thể tạo ra những động lực mới trong đổi mới toàn bộ hệ thống vận động xã hội. Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy từ quyền sang phục vụ. Theo đó, Nhà nước chỉ làm những việc mà xã hội, nền kinh tế, doanh nghiệp không làm được, chứ không thể ôm đồm” - ông Thông chỉ rõ và nêu quan điểm, Nhà nước phải tinh gọn chính mình và phải quyết liệt xây dựng bộ máy dựa trên nguyên tắc phổ quát là đa ngành, đa lĩnh vực để thu gọn bộ máy. Cùng với đó, từng bộ phận trong bộ máy Nhà nước cũng phải tinh gọn.

“Điểm chốt của đổi mới bộ máy liên quan đến con người. Nếu bộ máy tinh gọn nhưng nhân lực không chuẩn thì tinh gọn bộ máy không mang lại hiệu quả. Nên cốt lõi của tinh gọn bộ máy phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức” – ông Thông nói.

Theo PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới với yêu cầu rất cao, bởi chúng ta có thời cơ nhiều, vận hội lớn nhưng khó khăn, thách thức cũng rất gay gắt. Do đó, hơn bao giờ hết, công tác cán bộ phải được quan tâm, đặc biệt chú trọng. Chỉ khi làm tốt công tác cán bộ thì mục tiêu bước vào kỷ nguyên mới mới được hiện thực hóa.

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhấn mạnh, sau 40 năm đổi mới, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những kết quả đạt được sau 40 năm đổi mới là nền tảng và điều kiện quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Phát biểu tại hội thảo, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương Lại Xuân Môn nhấn mạnh, Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài phát biểu quan trọng gần đây đã đề cập đến vấn đề kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Theo ông Môn, gần 40 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã quyết tâm, quyết liệt tiến hành công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Mục tiêu và những nội dung lớn của kỷ nguyên thống nhất, đổi mới về cơ bản đã hoàn thành, cho phép đất nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên thứ ba: kỷ nguyên phồn vinh, hạnh phúc.

“Nhân loại đang bước vào một thời kỳ phát triển mới, nhanh chóng, với nhiều biến đổi rất lớn và căn bản, vừa có nhiều thách thức mới vừa tạo ra những vận hội, thời cơ phát triển mới. Đây chính là khởi điểm lịch sử trong tiến trình phát triển, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Như vậy, Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển bứt phá, khởi đầu từ Đại hội XIV là phù hợp với quy luật khách quan của cách mạng Việt Nam và xu thế của thời đại” - ông Môn nói tin tưởng rằng, ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo sẽ cung cấp luận cứ khoa học vững chắc, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng nội dung Văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

H.Vũ