Cán bộ Công đoàn đi đầu trong thi đua
Cán bộ Công đoàn không chỉ nói được, mà còn phải làm được, làm tốt. Đó là lý do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội đã triển khai sâu rộng các phong trào thi đua nói chung, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” nói riêng. Các hoạt động thi đua được thiết thực, gắn với nhiệm vụ công tác là bảo vệ, chăm lo quyền lợi người lao động (NLĐ).
Đó là chia sẻ của ông Lê Đình Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP Hà Nội.
PV: Đối với cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ các cấp Công đoàn thành phố, công tác thi đua năm 2024 có những điểm mới gì để đạt hiệu quả cao nhất, thưa ông?
Ông Lê Đình Hùng: Năm 2024 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của Thủ đô và đất nước. Những sự kiện này đã tạo “chất liệu” phong phú, tạo mục tiêu, động lực thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước. Căn cứ chủ đề công tác năm của Tổng LĐLĐ Việt Nam là “Tập trung đưa nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp vào cuộc sống; thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày Thành lập Công đoàn Việt Nam” và chủ đề năm của TP Hà Nội là: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, Công đoàn TP Hà Nội đã tổ chức phát động các phong trào thi đua tập trung vào các nội dung: Thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt... Các mục tiêu, nội dung thi đua cụ thể, thiết thực, gắn với nhiệm vụ của từng ban, đơn vị và gắn với việc nêu cao trách nhiệm của từng cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, phong trào “Người tốt, việc tốt” được đông đảo cán bộ, công chức viên chức và NLĐ nhiệt tình hưởng ứng, từ đó nâng cao chất lượng phong trào thi đua nói chung.
Ông có thể cho biết, từ phong trào thi đua đó, hiệu quả công tác của cán bộ Công đoàn có những chuyển biến thế nào?
- Cán bộ công nhân viên chức (CNVC) và người lao động (NLĐ) các cấp Công đoàn Thủ đô đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do LĐLĐ thành phố phát động và đăng ký phấn đấu đạt các danh hiệu: Lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua; Người tốt, việc tốt; Giỏi việc nước, đảm việc nhà... Thông qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu cho tinh thần tự chủ, phát huy sức mạnh nội lực, ý chí quyết tâm và sức sáng tạo. Kết quả của phong trào thi đua được thể hiện rõ nét trong kết quả công tác của từng khối các ban, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Năm 2024, Công đoàn các cấp TP Hà Nội có hơn 100 cá nhân được công nhận “Người tốt, việc tốt” tại cơ sở; 26 cá nhân đã được các ban, đơn vị bình chọn đề nghị Hội đồng Thi đua khen thưởng LĐLĐ thành phố công nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2024.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào thi đua, LĐLĐ TP Hà Nội sẽ triển khai những giải pháp gì trong năm 2025 sắp tới, thưa ông?
- Năm 2025 là năm diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. LĐLĐ TP Hà Nội sẽ xây dựng, triển khai phong trào thi đua có trọng tâm, trọng điểm. Trước hết là làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa của các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào “Người tốt, việc tốt” để chào mừng những ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, Thủ đô và Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội XIV của Đảng; chú trọng các hoạt động thi đua thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, năng suất lao động, hiệu quả công tác.
Để làm tốt nhiệm vụ trên, LĐLĐ TP Hà Nội sẽ kêu gọi, động viên cán bộ CCVC, NLĐ tích cực phát huy sáng kiến, sáng tạo, có nhiều đề xuất hay nhằm tiếp tục đổi mới công tác quản lý điều hành, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Người tốt, việc tốt”; động viên cán bộ CCVC, NLĐ trong các cấp Công đoàn luôn rèn luyện, tu dưỡng, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đồng thời kêu gọi, động viên mỗi cán bộ CCVC, NLĐ có những việc làm thiết thực cụ thể thực hiện có hiệu quả chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và cải thiện đời sống cán bộ CCVC, NLĐ trên địa bàn Thủ đô.
Bên cạnh đó, LĐLĐ thành phố cũng sẽ tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm nhằm thúc đẩy các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”; tổ chức tốt công tác sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” trong mỗi cơ quan, đơn vị Công đoàn.
Trân trọng cảm ơn ông!