Khơi dậy tình đoàn kết từ mỗi khu dân cư
Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTƯ về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” và quyết định lấy ngày 18/11 hàng năm là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Mỗi năm, vào dịp này các khu dân cư lại tưng bừng không khí đoàn kết.
Khu dân cư là nơi gần nhất có thể sẻ chia
Những ngày này, Ngày hội Đại đoàn kết đã được tổ chức trên khắp mọi miền của cả nước trong niềm vui hân hoan và tình yêu thương sẻ chia của các tầng lớp nhân dân. Thông lệ đã nhiều năm nay, năm nào vào dịp này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận cũng cùng chung vui với người dân tại các địa phương trong Ngày hội lớn.
Cách đây vài ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con khu dân cư Đình Cao của huyện Phù Cừ (tỉnh Hưng Yên).
Ở đây, một lần nữa, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định trong tất cả các thiết chế (tỉnh, huyện, xã, thôn) thì khu dân cư (có nơi gọi là thôn, làng, bản, phum, sóc...) là quan trọng nhất. Khu dân cư là nơi gần nhất có thể sẻ chia, “tối lửa tắt đèn có nhau”, “vắng anh em xa, có láng giềng gần”, “người già của làng tiếp người sang của nước” ...
Cho đến ngày nay, làng quê Việt Nam có nhiều biến đổi nhưng đọng lại vẫn là “tình làng nghĩa xóm”, là văn hóa tốt đẹp, hồn cốt của văn hóa Việt Nam, quê hương, bản quán rất thiêng liêng với mỗi con người. Đó cũng là lý do Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X vừa qua đã thống nhất bổ sung một chương trình hành động là “Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no hạnh phúc.”
Cũng ở khu dân cư Đình Cao, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đã nói một cách cảm kích: “Được hòa mình trong không khí ấm áp của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc của bà con Khu dân cư, tôi rất vui, cảm kích tình cảm của các cụ, các ông bà, anh chị và bà con. Đây cũng là dịp để mỗi chúng tôi học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn để phục vụ cho bản thân làm việc tốt hơn. Niềm vui lớn nhất là lòng dân an yên, khi lòng dân an yên thì chắc chắn mọi việc sẽ hưng thịnh”.
Càng ngày, Ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư càng trở lên ý nghĩa. Được khởi xướng từ đầu những năm 2000, đến 2003 thì thành Ngày hội chính thức trong toàn quốc. Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thời kỳ đó chính là người đề xuất ý kiến đề nghị hàng năm lãnh đạo các bộ, ngành cho đến các cấp chính quyền từ tỉnh, thành phố xuống đến quận, huyện, phường, xã, về với dân, sinh hoạt cùng khu dân cư, hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, hiểu được ý nghĩa tổng kết năm của địa phương nơi cán bộ sinh sống.
Theo ông Duyệt, nhờ có Ngày hội mà làm cho toàn dân hiểu hơn về Mặt trận, hiểu về Mặt trận Dân tộc thống nhất và ngày truyền thống đại đoàn kết toàn dân. Từ hồi đó đến nay, Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư năm nào cũng có sự tham gia của các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, bà con ở khắp các khu dân cư trong cả nước cùng tham gia vào một hoạt động chung, gắn bó, đoàn kết, nhiều nơi còn sáng kiến có cả bữa cơm đoàn kết, thực sự đúng nghĩa là ngày hội.
Thông qua Ngày hội, tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái trong cộng đồng, trong nhân dân được tăng cường; chất lượng hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nhất là phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng các gia đình điển hình tiêu biểu được nâng lên... Ngày hội còn là cầu nối chặt chẽ giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân ở khu dân cư; phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở, tạo ra môi trường gắn bó, thân thiết, gần gũi giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Giúp Đảng và Nhà nước lắng nghe, tiếp nhận và kịp thời hoàn thiện hơn phương thức lãnh đạo, xây dựng và hoàn thiện chính sách đáp ứng những nguyện vọng chính đáng, những phản ánh của nhân dân trong cuộc sống.
Ấm lòng bữa cơm đại đoàn kết
Theo chia sẻ của MTTQ tỉnh Bắc Giang, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh đã góp phần rất quan trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý thức cộng đồng. Ngày 18/11 hằng năm đã thực sự trở thành ngày hội của toàn dân, nhận được sự mong đợi của số đông người dân khu dân cư cũng như những người con xa quê khi muốn trở về tụ họp với gia đình, quê hương. Việc tổ chức ngày Hội những năm qua trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có sự chuyển biến về chất và đạt được chất lượng, hiệu quả rõ rệt.
Kinh nghiệm ở Bắc Giang là ngay từ đầu năm, Ban công tác Mặt trận ở mỗi khu dân cư trên địa bàn tỉnh đều chủ động xây dựng kế hoạch, đồng thời tham mưu cho cấp ủy xác định nhiệm vụ tổ chức ngày Hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đã thành nền nếp, hằng năm các lãnh đạo tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã và cấp cơ sở đều ưu tiên bố trí thời gian đi dự ngày hội và thăm hỏi, động viên, tặng quà trực tiếp ở các khu dân cư góp phần quan trọng cho thành công của ngày Hội. Ở mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, ngày Hội đều có những điểm nhấn, với những sắc thái riêng đa dạng và phong phú. Qua đó đảm bảo giá trị cốt lõi đó là tính gắn kết cộng đồng; xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, đoàn kết.
Ở Lạng Sơn, từ đầu tháng 11, các khu dân cư trong tỉnh đã sôi nổi tổ chức ngày hội đại đoàn kết với nhiều hoạt động phong phú, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tăng cường tình đoàn kết trong nhân dân. Điển hình như tại huyện Chi Lăng, từ ngày 2/11 đến ngày 8/11/2024, có 16 khu dân cư ở 16 xã, thị trấn trên địa bàn đã tổ chức điểm ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Những người dân hồ hởi chung vui cùng nhau trong nhiều hoạt động như giao lưu văn nghệ, múa sạp và đặc biệt là bữa cơm đại đoàn kết. Đây là dịp để người dân trong thôn, con em xa quê về gặp gỡ, hàn huyên tâm sự, cùng ôn lại những kỷ niệm, những câu chuyện về cuộc sống, gia đình và cùng bàn bạc đóng góp cho sự phát triển của quê hương, thêm thắt chặt tình đoàn kết xóm làng.
Ở khu dân cư phường Hồng Hà (TP Yên Bái) – nơi cách đây vài tháng là rốn lũ sau trận bão Yagi, người dân vẫn hướng về Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với tinh thần phấn khởi, tươi vui bằng những hoạt động thiết thực, ấm áp nghĩa tình. Khác với mọi năm, năm nay vì vừa gượng dậy sau lũ lụt nên các hoạt động vui chơi cắt giảm để tập trung cho việc chỉnh trang thôn xóm trong dịp ngày hội đại đoàn kết. Nhưng càng trong gian khó, sức mạnh của tinh thần đoàn kết là cùng nhau vượt qua để ổn định cuộc sống. Mọi người vẫn cùng nhau ăn bữa cơm đại đoàn kết, để cùng nhớ về những ngày chạy bão lũ, chia sẻ khó khăn và niềm vui trong ngày hội mới. Bữa cơm năm nay được tổ chức tiết kiệm hơn nhưng vẫn đảm bảo trang trọng, chu đáo bởi người dân vừa trải qua cơn "đại hồng thuỷ" lịch sử…
Phát huy sức mạnh đoàn kết từ cơ sở
Còn nhiều lắm những câu chuyện về Ngày hội đại đoàn kết, và bữa ăn đại đoàn kết mỗi năm vào dịp tháng 11 này. Sau hơn 20 năm tổ chức, Ngày hội đại đoàn kết mang nhiều ý nghĩa thiết thực và sâu sắc, là cầu nối vững chắc giữa Đảng, chính quyền và nhân dân ở khu dân cư. Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để mọi người có cơ hội tìm hiểu và khám phá về truyền thống, phong tục, ngôn ngữ và nghệ thuật của các dân tộc.
Các hoạt động văn hóa truyền thống như múa hát, diễn tấu nhạc cụ, trang phục truyền thống và nghệ thuật điêu khắc được trình diễn, tôn vinh và bảo tồn các giá trị văn hóa của các dân tộc. Bên cạnh đó, những hoạt động như phát quà, trao học bổng, xây dựng nhà tình thương... đã được tổ chức để chia sẻ yêu thương và sẻ chia với những người có hoàn cảnh khó khăn.
Trong những năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã khơi dậy mọi nguồn lực từ mỗi con người, gia đình, mỗi cộng đồng khu dân cư, phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết từ cơ sở để tạo nên sức mạnh chung của cả cộng đồng.