Trường đại học cân nhắc tổ hợp tuyển sinh
Năm 2025 là năm đầu tiên các em học sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2018 dự thi tốt nghiệp. Đây không chỉ là nỗi băn khoăn, lo lắng của các em học sinh, thầy cô bậc THPT, mà còn là điều quan tâm của các trường đại học.
Phương án nào, tổ hợp môn nào cần điều chỉnh để đảm bảo bám sát định hướng của Bộ GDĐT. Đặc biệt, bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018 để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh tuyển sinh đã và đang được các trường đại học cân nhắc, chọn lọc.
Khó khăn trong công tác hướng nghiệp
Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có 4 môn. Trong đó, 2 môn Toán và Ngữ văn bắt buộc; 2 môn học sinh lựa chọn trong các môn còn lại, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Thời điểm này, nhiều trường THPT đã tổ chức khảo sát học sinh lớp 12 lựa chọn 2 môn thi còn lại. Khảo sát cho thấy, học sinh không chọn hoặc rất ít lựa chọn các môn Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Lãnh đạo một số trường THPT chia sẻ, hiện nay các nhà trường đang gặp phải khó khăn trong công tác hướng nghiệp cho học sinh; đề xuất có sự tăng cường liên kết giữa các trường đại học với các trường trung học về công tác tư vấn chuyên sâu để giúp học sinh có lựa chọn phù hợp.
Tại Trường THPT Nguyễn Huệ (Thái Bình), hai môn Công nghệ và Tin học, học sinh không lựa chọn. Trường THPT Hùng Vương (Đắk Lắk) cũng hầu như không có học sinh lựa chọn môn Tin học, Công nghệ. Tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), đa phần học sinh chỉ lựa chọn các môn học theo khối truyền thống như trước kia để ôn tập, không chọn nhiều các môn mới.
Theo bà Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, việc lựa chọn như vậy là dễ hiểu bởi các em cần những dữ liệu đã có từ những kỳ thi trước để định hướng cho bản thân. Có thể đến những năm học sau, khi các trường đã có phương án tuyển sinh, học sinh mới quyết định lựa chọn những môn thi mới.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TPHCM: Năm 2025 là năm đầu tiên các em học chương trình giáo dục phố thông 2018 dự thi tốt nghiệp. Đây không chỉ là nỗi băn khoăn, lo lắng của các học sinh, của thầy cô bậc THPT, mà còn là điểm quan tâm của các trường đại học.
Việc xây dựng tổ hợp môn trong xét tuyển phải vừa đảm bảo kiến thức nền của học sinh khi vào học đại học ở từng ngành cụ thể, vừa tương thích và phù hợp với sự lựa chọn đa dạng của học sinh. Nhà trường cũng đang tiến hành xây dựng và có một số điều chỉnh trong đề án tuyển sinh năm 2025, sớm công bố để thí sinh nắm rõ. Nhà trường khẳng định cam kết của nhà trường trong việc hỗ trợ công tác hướng nghiệp, tuyển sinh và cùng đồng hành với các trường THPT, các em thí sinh và các bậc phụ huynh trong việc chọn nghề nghiệp phù hợp.
Vừa qua, gần 800 em học sinh đã có một ngày trải nghiệm tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, tham dự “HUS Open Day” và “HUS Orientation Day”. Tham gia trải nghiệm lần này có 580 học sinh Trường THPT Bắc Duyên Hà (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) và 350 học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.
TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội cho biết: "HUS Open Day" và "HUS Orientation Day" là các hoạt động quan trọng giúp các học sinh biết ngành nghề đào tạo và lựa chọn những ngành học mình sẽ theo. Các hoạt động này giúp các em hiểu, yêu thích lĩnh vực khoa học tự nhiên và có những định hướng đúng đắn khi lựa chọn nghề nghiệp, ngành học... Thông qua những hoạt động này, nhà trường, giáo viên nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các em từ đó có những tham góp với các Bộ, ngành xây dựng chính sách phù hợp về nhiều vấn đề ngành nghề, đào tạo, tuyển dụng nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Dự kiến thay đổi tuyển sinh
Về Dự thảo “Phương án tuyển sinh năm 2025 của Trường Đại học Công Thương TPHCM”, TS Nguyễn Văn Khả, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông nhà trường chia sẻ: Trường xét tuyển theo 5 phương thức: Phương thức 1, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025; Phương thức 2, kết quả học tập THPT (5 học kỳ); Phương thức 3, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM; Phương thức 4, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo Đề án; Phương thức 5, kết quả điểm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Đại học Sư phạm TPHCM kết hợp kết quả học tập THPT.
Nhấn mạnh trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế tri thức, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng trở nên cấp thiết, TS Nguyễn Văn Khả cho hay, nhà trường luôn nỗ lực đồng hành cùng các học sinh và phụ huynh trong hành trình chọn lựa nghề nghiệp phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động hiện đại. Trường dự kiến dành 50%-60% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đáng chú ý, trường giảm chỉ tiêu xét kết quả học tập THPT theo 5 học kỳ xuống còn 15%-20% và tăng chỉ tiêu xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM, điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TPHCM.
Tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, một trong những thay đổi quan trọng trong dự kiến đề án tuyển sinh năm 2025 của trường là điều chỉnh tổ hợp xét tuyển để phù hợp theo các môn thi tốt nghiệp THPT, đồng thời duy trì các tổ hợp xét tuyển của năm 2024. Trường sẽ điều chỉnh các tổ hợp không còn phù hợp như loại bỏ các tổ hợp có bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội… thêm mới các tổ hợp có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Theo ThS Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng nhà trường, những thay đổi trong tuyển sinh năm học tới của nhà trường nhằm đáp ứng đối với học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trường dự kiến không sử dụng kết quả học tập THPT (học bạ) để xét tuyển, chỉ giữ lại những điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để đáp ứng các yêu cầu theo quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT; trường định hướng phương thức sử dụng kỳ thi Đánh giá năng lực chuyên biệt trở thành phương thức chủ đạo (chiếm 40%-50% chỉ tiêu)...
Trường Đại học Việt Đức cũng dự kiến cho phép thí sinh tự do lựa chọn các môn học trong các nhóm ngành để đăng ký xét tuyển. Thí sinh không bị giới hạn trong việc chọn lựa các môn học, mà có thể linh hoạt tùy theo định hướng và sở thích của bản thân. Ví dụ, phương thức xét điểm học tập THPT, trường xét tuyển dựa trên điểm trung bình của 6 môn theo kết quả 3 năm THPT. Trong đó, các ngành kỹ thuật và công nghệ xét 4 môn bắt buộc (Toán, Lý, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn (Hóa, Sinh, Tin học, Công nghệ, Lịch sử và Địa lý). Các ngành kinh tế và quản lý xét điểm trung bình 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 3 môn tự chọn trong số các môn còn lại.