Tinh hoa Việt

Biết, thích và say mê

TRẦN HỮU THĂNG 18/11/2024 06:37

Một triết gia cổ đại Đông phương đã có câu danh ngôn để đời cho con người, đó là: “Biết mà học không bằng thích mà học. Thích mà học không bằng say mê mà học”.

12d.jpg

Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Biết là: 1/Có ý niệm về người, vật hoặc điều gì đó để có thể nhận ra được hoặc có thể khẳng định được sự tồn tại của người, vật hoặc điều ấy. Thí dụ: Biết mặt nhưng không biết tên. Báo cho biết. “Gió đâu sịch bức mành mành/ Tỉnh ra mới biết là mình chiêm bao” (Nguyễn Du). 2/Có khả năng làm được việc gì đó có thể vận dụng được do học tập, luyện tập hoặc có khi do bản năng. Thí dụ: Trẻ sinh ra đã biết bú. Biết bơi. 3/Nhận rõ được thực chất hoặc giá trị để có được sự đối xử thích đáng. Thí dụ: Biết người, biết của. Thức lâu mới biết đêm dài. “Biết người, biết mặt, biết lòng làm sao” (Nguyễn Du)”. “Thích là có cảm giác bằng lòng, dễ chịu mỗi khi tiếp xúc với cái gì hoặc làm việc gì, khiến muốn tiếp xúc với cái đó mỗi khi có dịp. Thí dụ: Thích cái mới lạ. Thích nhạc cổ điển. Thích sống tự lập. Rất thích được khen. Nhìn thích mắt”. “Say mê là ham thích đặc biệt và bị cuốn hút liên tục vào công việc nào đó, đến mức như không còn thiết gì khác nữa. Thí dụ: Say mê với công việc. Ngồi đọc say mê suốt cả ngày”.

Nhờ sự gợi ý của câu danh ngôn cổ và sự trợ giúp của “Từ điển tiếng Việt” vừa nêu trên, ta có thể mở rộng các mức độ cảm xúc, các giai đoạn tư duy, các bước hình thành và phát triển của một nhận thức hay một thói quen trong đời sống hàng ngày. Để thêm phần sáng tỏ và cho dễ hiểu hơn về câu danh ngôn đáng quý này, ta có thể viết thành công thức ngắn gọn sau đây: Biết (A)‚ thích (B)‚ say mê (C)

Có thể thấy rõ ngay rằng: Mọi việc bắt dầu từ A. Có A rồi mới tiến đến B. Có B rồi mới tiến đến C. Những thí dụ minh họa trong cuộc sống đời thường sẽ nêu ra sau đây thực chất cũng là những sự học, sự tu dưỡng, sự rèn luyện mà mỗi con người phải theo đuổi suốt đời.

Phải biết đến và học làm từ thiện từ lúc còn ở tuổi thanh thiếu niên: Nội dung của công việc từ thiện rất phong phú, rất rộng, không thể có một định nghĩa nào cho đầy đủ hết. Vì thế tùy theo từng lứa tuổi, từng nghề nghiệp, từng hoàn cảnh mà thực hiện công việc từ thiện. Đại văn hào Jean Jacques Rousseau ((1712 – 1778) đã viết: “Không nên chỉ biết đóng góp tiền của mà còn phải biết tỏ lòng từ thiện, có những hành vi khoan dung làm giảm những nỗi đau đớn, có khi còn lớn hơn tiền bạc”. Điều này rất đúng, vì thế ta phải học tập từ nhỏ lòng thương người, biết giúp đỡ người khác gặp khó khăn mà tâm tình, mà chia sẻ mới thật đáng quý.

Đông phương cổ học Tinh hoa đã viết: “Nhất nhật bất niệm thiện, chủ ác giai tự khởi” (tạm dịch: Một ngày không nghĩ điều thiện, mọi điều ác tự nó sẽ đến). Nói theo “cách nói ở thế kỷ XXI” là: “Cái vaccine từ thiện” phải được tiêm thường xuyên, nhắc đi nhắc lại cho đến suốt đời, vì nó không tạo được miễn dịch hoàn toàn. Hơn thế nữa, việc “biết” đến từ thiện để rồi “thích” làm từ thiện, rồi “say mê” với việc làm từ thiện quả thực là một bài học rất lớn và rất khó. Nhưng nếu ai cố gắng đạt được điều này sẽ suốt đời hạnh phúc vì mình đã góp phần nhỏ bé tạo ra niềm vui, hạnh phúc cho người khác và luôn giữ được cho tâm hồn mình một trạng thái bình an và lương thiện, không một chút hối tiếc hoặc phải lo lắng về bổn phận làm một con người lương thiện, chân chính.

Học vận động, học rèn luyện thân thể hàng ngày: Ngạn ngữ cổ của Hy Lạp đã có câu: “Một dòng sông không chảy là một dòng sông chết, nước sẽ thối”. Câu ngạn ngữ này đã nhắc chúng ta về cuộc sống bình thường của một con người là phải luôn hoạt động, luôn vận động, luôn được kích hoạt, luôn được đổi mới. Từ lúc chào đời, qua quá trình học lật người, học lẫy, học bò, học đi những bước đầu tiên, em bé bắt buộc phải tự vận động, tự nỗ lực, tự cố gắng mới có được những bước đi mới. Đến khi đi nhà trẻ, các cô giáo đã phải dạy các bài thể dục, tập cho trẻ tự xúc cơm ăn, tự đi vệ sinh, tự mặc quần sau khi ngồi bô. Tất cả đều phải vận động cơ thể và tự mình phải làm bằng được các động tác. Lớn lên đi học phổ thông, rồi đại học hay học nghề đều phải giữ bằng được thói quen vận động cơ thể hàng ngày, tham gia sinh hoạt thể dục thể thao ở mọi nơi khi có điều kiện. Cứ thế, từ chỗ “biết” đến “thích”, đến “say mê” luyện tập thể dục thể thao, con người trưởng thành và có một tuổi trung niên, một tuổi già luôn say mê với bài học vận động cơ thể. Cái sức khỏe do vận động cơ thể mang lại đem đến hạnh phúc cho con người ở mọi lứa tuổi của cuộc đời.

Học tránh xa những thói hư tật xấu: Trong cuộc sống thực tế hàng ngày không bao giờ chúng ta may mắn gặp toàn thuận lợi, dễ dàng, mà còn hay gặp những cạm bẫy, chông gai, thói hư tật xấu luôn rình rập để cám dỗ, lôi kéo ta đi vào con đường bế tắc, thất bại. Vì thế việc nhận biết đâu là đúng, đâu là sai cũng là một sự học rất cần thiết trong đời sống nhân sinh. Việt Nam ta có câu tục ngữ đáng giá ngàn vàng là: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Câu này quá đơn giản, quá dễ hiểu nhưng lại quá khó để thực hiện.

Trong cuộc sống hàng ngày, bên cạnh những tấm gương hy sinh, phấn đấu, phục vụ con người rất cao đẹp thì cũng có không ít những cá nhân tham ô, tham nhũng, lãng phí gây tổn hại cho đất nước. Ta phải biết mà tránh, biết để không bắt chước, không làm theo. Đây cũng là một bài học rất cơ bản, rất quan trọng đối với mọi con người trưởng thành dù làm bất cứ nghề nghiệp nào.

Đến đây có thể tạm sơ kết: Quá trình của việc học ở đời gồm có 3 giai đoạn hoặc 3 mức độ: Đầu tiên phải “biết” đến bài học đó, sau sẽ “thích” bài học đó, rồi “say mê” bài học đó cho đến suốt đời. Nếu ai đạt được cả 3 mức độ từ thấp đến cao này thì thật là trọn vẹn, hoàn hảo. Nhưng trên thực tế, phần thưởng “say mê học” sẽ chỉ đến với những ai thực sự chăm chỉ, cần cù, chịu khó không bao giờ bỏ cuộc. Bài học ở đời thì có rất nhiều, nhưng trong bài viết ngắn này chỉ nêu ra 3 bài học dễ thực hiện nhất, bổ ích nhất và thiết thực nhất là: Học cách làm từ thiện, rèn luyện bản thân sống lương thiện; học vận động, rèn luyện thân thể hàng ngày và học cách tránh xa các thói hư tật xấu.

Có một số tác giả Việt Nam ở thế kỷ trước đã đề xuất việc học ở đời gồm các nội dung: Học ăn, học nói, học gói, học mở. Nội dung ngắn gọn về 4 vấn đề học đó như sau:

Học ăn: Rất quan trọng, phải ăn theo khoa học, nghĩa là: ăn chín, uống sôi, ăn đủ chất, điều độ, đúng giờ.

Học nói: Trước khi nói phải suy nghĩ thật kỹ, tránh mang họa vào mình, tránh làm tổn thương người khác.

Học gói: Đề cao việc thu nhỏ, làm gọn các vấn đề. Ai biết cách giải quyết linh hoạt, khôn ngoan phải là: việc to làm thành nhỏ, việc nhỏ coi như không có gì thì mới là người giải quyết giỏi, khép lại vấn đề một cách khôn ngoan.

Học mở: Cách đặt vấn đề, cách triển khai công việc phải hết sức khéo léo, gọn gàng, dễ hiểu và triển khai khoa học, hợp lý thì sẽ thành công.

Chỉ cần biết thu gọn sự học, vốn là mênh mông, không giới hạn thành 4 nội dung học với 3 bước tiến hành là “biết, thích và say mê”, chắc chắn sẽ giúp chúng ta dễ hiểu, dễ thực hành trong cuộc sống hàng ngày.

TRẦN HỮU THĂNG