Du lịch

Tìm cách thu hút khách du lịch cao cấp

Phạm Sỹ 18/11/2024 08:01

10 tháng năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 14,1 triệu lượt, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù lượng khách tăng và mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024 là khả thi, nhưng điều đáng nói là khách du lịch có mức chi tiêu cao vẫn còn khá khiêm tốn. Vì sao vậy, trong khi chúng ta có rất nhiều tiềm năng?

anh1 baitren
Ngày 29/8, gần 1.400 du khách trong đoàn 4.500 khách của tỷ phú Ấn Độ đến tham quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Chưa khai thác hết tiềm năng

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính chất liên ngành, liên vùng, liên kết rất sâu sắc, xã hội hóa cao. Làm du lịch là trách nhiệm của xã hội, các chủ thể làm du lịch. Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, và trong 10 tháng chúng ta đã đón được hơn 14 triệu lượt khách.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây chủ yếu là lượng khách có mức chi tiêu thấp và trung bình, khách ở phân khúc cao cấp còn khiêm tốn. Trong khi Việt Nam có nhiều tiềm năng thu hút nhóm khách hàng siêu giàu, bởi sự đa dạng, phong phú trong cảnh sắc thiên nhiên, thậm chí, nhiều điểm đến độc đáo vẫn đang trên hành trình được khám phá. Việt Nam cũng là đất nước giàu có về văn hóa, lịch sử; giúp du khách có được những trải nghiệm sâu sắc với văn hóa bản địa.

Vì sao vậy? Theo bà Nguyễn Thị Kiều Oanh - Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Hà Nội, dù Việt Nam đã phát triển nhiều khu nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp, nhưng hạ tầng giao thông và dịch vụ hỗ trợ (bệnh viện, tiện ích) chưa hoàn thiện đồng bộ. Điều này có thể khiến trải nghiệm của du khách bị hạn chế so với các điểm đến cao cấp khác trong khu vực. Cùng với đó, một số dịch vụ du lịch như nhà hàng, tour du lịch, và hướng dẫn viên chưa đạt chuẩn quốc tế hoặc không nhất quán về chất lượng, từ đó ảnh hưởng đến trải nghiệm tổng thể của du khách cao cấp.

“Ngoài ra, dù có nhiều điểm đến hấp dẫn, nhưng số lượng các sản phẩm du lịch sang trọng, độc đáo như du thuyền, nghỉ dưỡng kết hợp trải nghiệm văn hóa, chăm sóc sức khỏe cao cấp, hay tour theo yêu cầu riêng còn khá hạn chế so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, hay Bali” - bà Oanh thông tin.

Từ phía góc nhìn doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, ông Lê Công Năng - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Wonder tour cho rằng, nguyên nhân khiến Việt Nam chưa khai thác hiệu quả phân khúc khách hàng giàu tiềm năng này là do sản phẩm du lịch Việt Nam còn thiếu sự độc đáo, khác biệt và chưa thực sự hướng đến nhu cầu trải nghiệm cá nhân hóa của du khách hạng sang.

“Chúng ta thiếu những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế như Amanoi Ninh Thuận, những tour du lịch khám phá văn hóa, lịch sử kết hợp ẩm thực tinh tế, hay những hành trình du thuyền sang trọng như Paradise Cruises trên vịnh Hạ Long... Cùng với đó, dịch vụ cũng chưa tương xứng với kỳ vọng. Từ cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ lưu trú, ẩm thực đến chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhiều khâu vẫn chưa đáp ứng hoàn toàn kỳ vọng của du khách hạng sang” - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh cho hay.

anh2 baitren
Du khách thích thú với sự đa dạng của đồ lưu niệm tại Việt Nam. Ảnh: P.Sỹ.

Cần những sản phẩm hấp dẫn, đủ tầm

Theo các chuyên gia du lịch, muốn đón được dòng khách du lịch cao cấp, việc đầu tiên ngành du lịch cần làm là phải nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Không thể dùng các sản phẩm du lịch thông thường để đón tiếp khách du lịch hạng sang. Đôi khi nhiều thứ đối với mình là sang trọng, hào nhoáng nhưng đối với dòng khách cao cấp không phải vậy. Từ ẩm thực, phục vụ cho đến các dịch vụ tiện ích đều phải thỏa mãn được mong muốn, sở thích của họ.

Theo nghiên cứu của Công ty tư vấn kinh tế thế giới Oxford Economics, khách cao cấp quan tâm đến chất lượng dịch vụ độc đáo, mang tính cạnh tranh cao. Đại dịch Covid-19 thay đổi đáng kể nhu cầu của khách du lịch theo hướng du khách cần nhiều giá trị hơn cho mỗi chuyến đi. Đây là lý do ngày càng nhiều người lựa chọn du lịch cao cấp với mong muốn được hưởng thụ những trải nghiệm mới mẻ, độc đáo và đẳng cấp.

Thời gian gần đây nhiều ngôi sao, tỷ phú, doanh nhân tầm cỡ quốc tế đã lựa chọn các trải nghiệm du lịch riêng tư tại Việt Nam. Như trong tháng 3/2024, tỷ phú Bill Gates và bạn gái có chuyến du lịch bằng chuyên cơ riêng đến Đà Nẵng. 3 đoàn khách siêu giàu đã đến khu nghỉ dưỡng P’apiu resort (Hà Giang). Mới đây nhất, những ngày giữa tháng 10/2024, 5 chuyên cơ đã đưa 50 khách hàng là các tỷ phú từ khắp nơi trên thế giới đến Đà Nẵng dự hội nghị của thương hiệu máy bay hạng sang Gulfstream và tham quan các điểm du lịch…

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh nhận định, Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành điểm đến chất lượng, đón những đoàn khách cấp cao. Tuy nhiên, để thu hút được khách du lịch cao cấp, cần phải phát huy vai trò của doanh nghiệp và địa phương trong liên kết sản phẩm, hoàn thiện các quy trình, tiêu chuẩn mang tính phục vụ cao, hình thành hệ sinh thái cung cấp dịch vụ sản phẩm cao cấp cho khách du lịch. Cùng với đó giá cả phải ở mức độ phù hợp để tạo thế cạnh tranh.

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc phát triển du lịch chất lượng cao tại Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, nắm bắt nhu cầu khách du lịch cao cấp; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch cao cấp, chú trọng yếu tố độc đáo, nguyên bản, cá biệt/cá nhân hóa, tinh tế gắn với văn hóa, hài hòa với thiên nhiên, môi trường trong các sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm; nâng cấp chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, mang lại những trải nghiệm trọn vẹn cho khách du lịch cao cấp; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực phục vụ khách du lịch cao cấp; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá có chiều sâu, tập trung vào phân khúc thị trường, sản phẩm, dịch vụ, điểm đến và thương hiệu du lịch cao cấp, tận dụng những người nổi tiếng để quảng bá Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh cũng cho rằng, để thu hút nhóm khách quốc tế chi tiêu cao hơn, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo và đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu. Trong đó, khuyến khích phát triển các khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, resort ven biển, khu nghỉ dưỡng sinh thái và dịch vụ du lịch cao cấp như du thuyền, golf, spa, chăm sóc sức khỏe…

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các hoạt động du lịch kết hợp trải nghiệm văn hóa, ẩm thực cao cấp, tour tham quan các di sản, thắng cảnh đẹp dành riêng cho nhóm khách VIP. Tập trung phát triển các sự kiện quốc tế lớn, hội nghị, hội thảo cao cấp để thu hút du khách quốc tế, đặc biệt là giới doanh nhân. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh:

ANHBOX THAY

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đã đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch cao cấp như: Du lịch tàu biển cần đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng, cảng tàu, nhà chờ, tour tuyến đa dạng kéo dài thời gian lưu trú của du khách; du lịch golf cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những người chơi golf là khách du lịch quốc tế (từ 20% xuống 10% hoặc 5%); du lịch MICE cần đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế với nhiều ưu đãi; du lịch mua sắm, giải trí cần thu hút các nhà đầu tư lớn xây dựng các trung tâm vui chơi giải trí, mua sắm cao cấp; du lịch sự kiện cần tăng cường khai thác các sự kiện ngoại giao, thương mại, kinh tế đầu tư, hội chợ... mang tầm quốc tế.

Bên cạnh đó, ngoài các chính sách vĩ mô của Chính phủ, các doanh nghiệp cần chủ động liên kết chặt chẽ với nhau, với chính quyền địa phương để phát huy thế mạnh từ xây dựng cơ chế chính sách, phát triển sản phẩm dịch vụ, quảng bá, xúc tiến, đến phục vụ khách du lịch cao cấp, trong đó đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao, có sự chọn lọc các điểm đến, sản phẩm trải nghiệm. Qua đó, hình thành hệ sinh thái cung cấp sản phẩm dịch vụ cao cấp cho khách du lịch hạng sang.

Phạm Sỹ