Mặt trận

Nước sạch nông thôn: Còn nhiều khó khăn

Lê Bảo 18/11/2024 11:01

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), cả nước hiện có 18.109 công trình cấp nước tập trung nông thôn, cấp nước sạch đạt quy chuẩn cho 9.374.264 hộ dân vùng nông thôn.

bai chinh
Công nhân bảo dưỡng, vệ sinh hệ thống trạm bơm cấp nước công trình cung cấp nước liên 12 xã (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Ảnh: V.Phúc.

Tuy nhiên, có khoảng 41,8% công trình cấp nước hoạt động kém bền vững và không hoạt động, ảnh hưởng đến khoảng 200.000 hộ. Các công trình này chủ yếu là công trình cấp nước tập trung nông thôn có quy mô rất nhỏ với công suất dưới 50 m3/ngày, đêm…

Gần 42% công trình nước sạch hoạt động kém hiệu quả

Đánh giá về thực trạng triển khai nước sách hiện nay, Phó Cục trưởng Thủy lợi Lương Văn Anh cho biết, cả nước hiện có 18.109 công trình cấp nước tập trung nông thôn, cấp nước sạch đạt quy chuẩn cho 9.374.264 hộ dân vùng nông thôn. Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng có số hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn cao nhất với tỷ lệ 91,9%. Tại một số địa phương, quản lý hệ thống cấp nước đã ứng dụng tích hợp các công nghệ bản đồ số GIS, công nghệ di động, điện toán đám mây, tích hợp thành hệ thống toàn diện quản lý cho các đơn vị cấp nước.

Nhiều địa phương tiếp tục áp dụng những ứng dụng công nghệ mới để giám sát chất lượng nước tự động; sử dụng phần mềm quản lý tài sản, thiết bị giám sát chất lượng và áp lực nước, điều khiển van phân vùng cấp nước…

Tuy nhiên, hiện cả nước có 18.109 công trình cấp nước tập trung nông thôn, cấp nước sạch đạt quy chuẩn cho hơn 9 triệu hộ gia đình nông thôn, trong đó có 32,0% công trình hoạt động bền vững, 26,3% công trình hoạt động tương đối bền vững, 27,0% công trình hoạt động kém bền vững và 14,8% công trình không hoạt động... Đáng chú ý, vùng miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên có tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp nhất trên toàn quốc và đây cũng là những vùng có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung thấp nhất so với các vùng khác và so với tỷ lệ trung bình toàn quốc.

“Mặc dù có 74,2% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, nhưng tại một số tỉnh vẫn còn tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung rất thấp trên cả nước như: Hà Giang (7,7%), Gia Lai (7,7%), Yên Bái (11,4%), Cao Bằng (12,6%), Lâm Đồng 12,8%, Điện Biên (13,5%)” - ông Lương Văn Anh cho biết.

Cần xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư

Phản ánh từ các địa phương có tỷ lệ sử dụng nước sạch thấp cho thấy, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, công tác cấp nước sạch nông thôn còn nhiều khó khăn, thách thức, đó là: Hệ thống chính sách về cấp nước chưa được hoàn chỉnh, chưa có Luật về cấp nước, các quy định hiện có chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thống nhất, tính hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn chưa cao. Một lý do khiến tỷ lệ phủ sóng nước sạch thấp do nhiều nhà đầu tư dự án nước sạch e ngại, là khi bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình nhưng ở một số địa phương, người dân vẫn từ chối sử dụng nước sạch, dẫn đến hiệu quả đầu tư không đạt kỳ vọng.

Đề cập vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, nhu cầu nguồn lực đầu tư cho nước sạch nông thôn để đáp ứng mục tiêu đến năm 2030 là 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch rất lớn trong khi nguồn lực đầu tư cho cấp nước nông thôn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước lại hạn chế, nguồn lực xã hội chỉ huy động được ở khu vực đồng bằng, tập trung đông dân cư, thiếu giải pháp thỏa đáng để thúc đẩy nguồn lực này cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa…

Trên thực tế do chưa có định mức kinh tế, kỹ thuật về quản lý khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn nên phần lớn các địa phương phê duyệt giá nước chưa được tính đúng, tính đủ. Cơ chế đặt hàng và kinh phí phân bổ đối với dịch vụ cấp nước vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc chưa được thực hiện, dẫn đến các đơn vị cấp nước nông thôn gặp nhiều khó khăn trong quản lý, vận hành công trình.

Các mô hình do UBND xã, cộng động quản lý vận hành tồn tại rất nhiều vấn đề. Nguyên nhân do công trình có quy mô nhỏ với công nghệ đơn giản, chi phí quản lý vận hành không lớn. Cơ chế tài chính không rõ ràng, khó được kiểm tra và xác định tính minh bạch về tài chính; giá nước thấp, nguồn thu không đủ chi phí cho các hoạt động; chất lượng nước, số lượng nước không thể kiểm soát.

Xu hướng xã hội hóa đang nở rộ ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển nhưng còn thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp, tư nhân thực hiện dịch vụ cấp nước cũng như công cụ pháp lý quản lý nhà nước chưa đủ mạnh để bảo đảm cấp nước an toàn và bảo đảm an sinh xã hội dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát, mất an ninh cấp nước.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, 100% các tổ chức quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đáp ứng yêu cầu về năng lực quản lý khai thác; 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng, quy chuẩn, theo ông Lương Văn Anh, cần rà soát, đánh giá năng lực, hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước, chuyển giao quản lý khai thác công trình cấp nước cho những đơn vị có đủ năng lực. Xây dựng và thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá nước sạch nông thôn; thực hiện bù chéo chi phí trong quản lý vận hành công trình cấp nước tiến tới quy định giá nước cho từng công trình…

Cùng với nguồn hỗ trợ, nguồn lồng ghép nguồn vốn từ từ các chương trình, dự án có cùng mục tiêu về nước sạch nông thôn cần huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa. Bên cạnh đó, Chính phủ sớm ban hành Nghị định quản lý nước sạch nông thôn.

Lê Bảo