Giáo dục

Câu chuyện của những nhà giáo truyền cảm hứng

Hàn Minh 18/11/2024 11:03

Đại diện cho 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước, ngày 17/11, 337 nhà giáo đã tham dự lễ tuyên dương, trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức tại Hà Nội.

bai chinh
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao danh hiệu Nhà giáo Nhân dân do Chủ tịch nước phong tặng cho các nhà giáo. Ảnh: Thúy Hằng.

Cô Vũ Thị Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái)- Nhà giáo nhân dân đầu tiên của tỉnh Yên Bái được trao tặng danh hiệu đợt này chia sẻ về hành trình trở thành cô giáo của mình. Ngay từ khi còn nhỏ, cô Hạnh đã ấp ủ ước mơ được trở thành cô giáo và vượt qua những khó khăn, cô nữ sinh của huyện miền núi vùng cao xa xôi của tỉnh Yên Bái đã đỗ vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội. 34 năm đứng trên bục giảng, cô Hạnh luôn tâm niệm một điều đó là tất cả vì học sinh thân yêu. Mỗi giờ học, cô Hạnh đều đầu tư nghiên cứu để tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp với nguyên tắc: trong mỗi bài dạy, kiến thức phải được cô đọng, trọng tâm, không dàn trải. Phải phát huy tối đa tính tích cực của học sinh để các em tự khám phá tìm tòi kiến thức thì sẽ nhớ rất lâu. Bên cạnh đó học phải đi đôi với hành, gắn lý thuyết với thực tế cuộc sống, sẽ làm cho các trò thấy được ý nghĩa của mỗi môn học.

“Không chỉ truyền thụ kiến thức, tôi tâm niệm rằng giáo dục không chỉ bằng trí óc mà còn bằng cả con tim, còn phải “dạy người” cho các học sinh thân yêu. Tình yêu thương chân thành và sự quan tâm đúng mực của mỗi nhà giáo có thể dìu dắt học trò vượt qua những khó khăn, thử thách và trở thành học sinh tiêu biểu, những công dân có ích cho xã hội” – cô Hạnh nói.

Cô giáo Đỗ Thị Hồi - giáo viên tiểu học duy nhất trong 21 người được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2024 gây ấn tượng bởi sự điềm đạm, nhẹ nhàng. Cô kể về những ngày đầu tiên bước vào nghề dạy học với khó khăn chồng chất khó khăn, được phân công về dạy tại Trường Tiểu học Lạc Hòa 1 (huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng). Khi đó, đây là xã đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc Khmer và Hoa. Hơn 30 năm bám trường, bám lớp, chứng kiến sự đổi thay của ngôi trường, dìu dắt bao lớp thế hệ học sinh trưởng thành, cô Hồi chính là người mẹ thứ hai của các em ở trường không quản khó khăn, vất vả kèm cặp, quan tâm đến từng học sinh, đặc biệt là những học sinh yếu hơn. Niềm vui đối với cô Hồi đó là được chứng kiến học sinh của mình tiến bộ mỗi ngày. Nhiều học sinh sau khi ra trường vẫn thường xuyên trở về thăm cô Hồi – đó là niềm hạnh phúc không thể đong đếm mà nghề giáo đã đem lại cho những người giáo viên tận tâm, tận tụy, hết lòng với sự nghiệp trồng người.

Tràn đầy năng lượng không chỉ trong công tác chuyên môn mà cả các hoạt động đoàn thể, cộng đồng là cô giáo Nguyễn Thị Lệ Thanh, Trường THPT Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước). Là giáo viên môn Vật lý, cô Thanh đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu và áp dụng hiệu quả khoa học và công nghệ giáo dục hiện đại trong thiết kế bài giảng, giảng dạy, đánh giá học sinh, giúp học sinh phát huy tối đa tiềm năng và hoàn thành tốt nhất nội dung môn học. Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp, cô Thanh luôn chủ động quan tâm đến hoàn cảnh, tâm tư tình cảm của từng học sinh để đồng hành cùng các em trên con đường học tập và trưởng thành. Cô cũng tích cực tham gia xây dựng tủ sách lớp học, phát động phong trào văn hoá đọc trong nhà trường, giúp đỡ những học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập, ủng hộ bếp ăn yêu thương trong nhà trường, tham gia CLB “Hạt gạo nhân ái” trong huyện… Đặc biệt, cô Thanh là giáo viên trực tiếp huấn luyện đội tuyển bơi lội của Trường THPT Lộc Ninh, giúp các em đạt kết quả cao khi thi đấu giải cũng như dạy bơi miễn phí cho đồng nghiệp, bạn bè, học sinh lớp chủ nhiệm, con cán bộ giáo viên trong trường nhằm rèn luyện thể lực và phòng chống đuối nước.

Mỗi nhà giáo ưu tú được vinh danh trong lễ tuyên dương, trao tặng danh hiệu thực sự là một câu chuyện truyền cảm hứng về sự tận tụy với nghề trong hành trình giảng dạy của mình. Dù ở bậc học nào, các thầy cô giáo hôm nay đều đang phải đối mặt với nhiều thách cần phải vượt qua và thực hiện thành công các nhiệm vụ lớn mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó. Nhắn gửi tới các thầy cô giáo đã là những nhà giáo ưu tú, được vinh danh bằng các danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn mong các nhà giáo tiếp tục tự học, tự đổi mới mình, vượt qua các giới hạn của bản thân để phát huy tốt nhất sự ưu tú mình.

“Các thầy giáo, cô giáo là những người ưu tú cần làm hạt nhân cho việc giải quyết những vấn đề mới, vấn đề khó. Ưu tú không đợi phải phân công, không đợi phải yêu cầu, mà sự ưu tú ấy cần được thể hiện qua tinh thần dấn thân, gánh vác, chủ động, tích cực với những việc đã làm, đang làm và cần làm cho giáo dục của đất nước” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Hàn Minh