Lãng phí từ những chuyến bay bị 'delay'
Một hành khách cho biết, ngày 13/11, đã mua vé chuyến bay 247 HN-TPHCM, lịch bay lúc 10h để 16h chủ trì một cuộc họp. Thế nhưng liên tiếp bị lùi giờ bay sang 13h30, rồi lại sang 14h, sang 14h25 rồi 14h45 “mới lờ đờ vào đường lăn”. Như vậy, chuyến bay chậm mất 4 giờ 45 phút.
Thật không công bằng khi một hành khách phản ánh: Từ Hải Phòng vào TPHCM, mua vé 22h30 bay, sau đó nhận được email đổi lại là 23h30, rồi 00h15 ngày hôm sau. Tiếp theo là báo trên loa tại sân bay delay tới 1h50, và đến tận 2h20 mới được lên máy bay; 5h sáng mới ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất. Nhà thì ở Thái Bình, phải đi trước lên Hải Phòng để làm thủ tục, sau đó là phải đợi mấy tiếng đồng hồ ở sân bay.
Tuy nhiên, những phản ánh như vậy có được tiếp thu và khắc phục không? Đó mới là điều quan trọng.
Thực tế thời gian qua, rất nhiều người bức xúc trước tình trạng máy bay thường bị chậm (delay), khiến họ lỡ dở công việc và nhiều thiệt hại khác khó mà đong đếm. Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, cộng dồn 10 tháng năm nay có tới gần 55.000 chuyến bay bị chậm giờ cất cánh, chiếm 25,8% trong tổng số gần 212.000 chuyến bay của các hãng Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Vasco, Pacific Airlines); Vietjet Air; Bamboo Airways và Vietravel Airlines.
Chưa hết, trong 10 tháng qua có hơn 840 chuyến bay bị hủy.
Trước đó, trong tháng 6, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện 22.459 chuyến bay thì có 6.892 chuyến bị chậm giờ, chiếm tỷ lệ 30,7%. Tiếp tục, trong 8 tháng, Cục Hàng không cho biết có gần 46.000 chuyến của các hãng bay Việt Nam bị “delay”, chiếm tỉ lệ 26% trong tổng số các chuyến bay.
Như vậy có thể thấy, liên tục nhiều tháng qua rất nhiều chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam bị chậm chuyến. Lý do từ phía nhà quản lý đưa ra nhiều nhưng không thuyết phục, cũng như giải pháp được đưa ra không hiệu quả vì tình trạng chậm chuyến bay vẫn tiếp diễn, kkhông chỉ ở một hãng mà có ở tất cả các hãng, với mức độ khác nhau.
Hành khách bỏ số tiền lớn ra mua vé máy bay là để được hưởng những tiện nghi hoàn hảo, đặc biệt là về độ an toàn và tối ưu về thời gian. Người bận công việc lẫn người không bị áp lực thời gian thì cũng đều đã lên lịch trước, tính sát giờ. Nhưng rồi, do nạn chậm chuyến phổ biến, người ta đành phải tự tính bù giờ, ít nhất là 2 tiếng. Như vậy, dịch vụ bay đã không đáp ứng được yêu cầu về thời gian của khách hàng. Theo quy định, khi khách bị trễ chuyến do nguyên nhân từ phía hãng bay, sẽ được bồi thường. Nhưng phải nói ngay rằng không ai muốn nhận sự bồi thường ấy vì cái họ cần nhất là được bay đi và đến đúng giờ.
Dù được bồi thường hay không thì khách bay luôn ở thế yếu và chịu thiệt thòi. Nếu đến trễ giờ làm thủ tục thì khách mất luôn vé vài triệu đồng, hoặc phải trả thêm tiền đổi chuyến; còn các hãng trễ chuyến thì chỉ cần nhắn tin xin lỗi. Nếu chậm hoặc hủy chuyến thì mức bồi thường cao nhất cũng không là bao nhiêu (400.000 đồng/vé).
Đáng tiếc là tình trạng chậm chuyến bay đã và đang trở thành “trạng thái bình thường mới”, khiến hành khách bị ám ảnh. Cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây là Cục Hàng không Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải phải đứng ra chịu trách nhiệm, chứ không chỉ riêng các hãng bay chịu, còn thiệt hại dồn hết lên hành khách. Không thể để mãi việc lãng phí rất lớn từ những chuyến bay bị “delay”; lãng phí tiền bạc, lãng phí thời gian và cả lãng phí niềm tin.
Không chỉ ảnh hưởng tới khách nội địa, khách quốc tế khi đến Việt Nam cũng bị ảnh hưởng và rất khó chịu, khó hiểu khi bị chậm/hủy chuyến bay. Điều đó khiến uy tín của hàng không Việt Nam không khỏi sứt mẻ, một cách rất đáng tiếc.