Giáo dục

Ngày 20/11: Gặp gỡ nữ giảng viên Gen Z trường Đại học Tài nguyên và Môi trường

Hoàng Chiến 19/11/2024 20:44

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ThS. Nguyễn Thị Huyền Trang về hành trình học tập và nghiên cứu khoa học đầy cảm hứng để trở thành một trong những giảng viên trẻ tuổi nhất Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường.

Từ thủ khoa đầu ra đến giảng viên Gen Z

ThS. Nguyễn Thị Huyền Trang (sinh năm 2000, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) hiện đang là nghiên cứu sinh và giảng viên tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội.

Là một trong những giảng viên trẻ nhất tại Đại học TN&MT, ThS. Nguyễn Thị Huyền Trang đã trải qua quá trình học tập và nghiên cứu đầy đam mê, nỗ lực và nhiệt huyết.

ThS.Nguyễn Thị Huyền Trang phát biểu tại hội thảo.
ThS.Nguyễn Thị Huyền Trang phát biểu tại một hội thảo.

Với tinh thần ham học và phấn đấu, Huyền Trang đã xuất sắc giành danh hiệu Thủ khoa đầu ra Thạc sĩ Quản lý Kinh tế tại Trường Đại học Thương mại. Sau đó, cô tiếp tục theo đuổi con đường học vấn bằng việc trở thành nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Thương mại, đạt kết quả loại Giỏi ngay từ đầu vào.

“Lĩnh vực quản lý kinh tế, thương mại điện tử, kinh tế số và phát triển bền vững là vấn đề tôi đang tập trung nghiên cứu. Tôi luôn tin rằng nghiên cứu khoa học không chỉ là đam mê cá nhân, mà còn là cách để đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tôi mong rằng mỗi đề tài mình thực hiện đều có thể tạo ra giá trị thực tiễn, góp phần thay đổi cuộc sống…”, Ths. Huyền Trang chia sẻ.

Trong vai trò giảng viên khoa Kinh tế tại Trường Đại học TN&MT Hà Nội, nữ giảng viên được các đồng nghiệp và giới chuyên gia đánh giá cao thông qua việc tổ chức và nhiều đóng góp ý kiến chất lượng tại các hội thảo uy tín.

Trao đổi với PV, nữ giảng viên gen Z cho biết: “Thông qua mỗi hội nghị, tọa đàm, hội thảo là dịp để tôi được tiếp xúc với các chuyên gia, nhà khoa học để học hỏi, lĩnh hội nhiều kiến thức bổ ích, những kinh nghiệm quý để trang bị thêm hiểu biết cho bản thân mình. Qua đó thực tế hóa trong mỗi giờ giảng để sinh viên có thể dễ dàng tiếp thu và học tập”.

Theo đánh giá của các sinh viên tại Trường Đại học TN&MT Hà Nội, những giờ giảng dạy trên lớp của nữ giảng viên Gen Z này không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức, mà còn khơi dậy đam mê học tập và nghiên cứu ở sinh viên…

c0cea41175c6ce9897d7.jpg
ThS Nguyễn Thị Huyền Trang là một trong những giảng viên trẻ nhất tại Đại học TN&MT.

Chân trời khoa học là vô tận với sinh viên

Không ngừng khám phá và tìm tòi những chân trời mới trong nghiên cứu khoa học, đó là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu của nữ Thạc sĩ gen Z này. Đây cũng là điều cô luôn trăn trở để truyền cảm hứng đến sinh viên của mình.

Bên cạnh đó, theo ThS. Huyền Trang, truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho sinh viên cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các giảng viên luôn đề cao, lồng ghép vào mỗi bài giảng.

Để làm được này, đòi hỏi mỗi giảng viên phải có đam mê, nhiệt huyết và tình yêu khoa học. Không những vậy, việc này cũng yêu cầu giảng viên phải khéo léo, có trải nghiệm thực tế, có câu chuyện thuyết phục.

Tuy nhiên, để trở thành một nhà nghiên cứu khoa học giỏi, sinh viên cũng cần tự trau dồi rất nhiều phẩm chất.

Nữ giảng viên nhấn mạnh, chân trời khoa học là vô tận nhưng nghiên cứu khoa học là một hành trình dài đòi hỏi mỗi sinh viên phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về năng lực chuyên môn lẫn các kỹ năng mềm bắt buộc. Việc rèn luyện và phát triển đồng đều các tố chất mới có thể giúp sinh viên tiến xa hơn trên con đường khoa học.

"Không chỉ cần kiến thức chuyên môn vững chắc, những kỹ năng cần thiết, còn phải bền bỉ, kiên nhẫn thông qua quá trình rèn luyện lâu dài, đặc biệt là giữ đạo đức nghề nghiệp trong nghiên cứu.

Việc tham gia vào các hoạt động nghiên cứu từ sớm sẽ giúp sinh viên rèn luyện và có những trải nghiệm quý báu. Khoa học là phải nghiêm túc, bất cẩn trong nghiên cứu khoa học là điều không thể chấp nhận được”, cô chia sẻ .

“Với tôi, tuổi trẻ là tài sản quý giá nhất. Tôi không ngừng khuyến khích sinh viên cùng thế hệ Gen Z như mình phải khai phá tiềm năng, tận dụng cơ hội và đóng góp cho cộng đồng thông qua các hoạt động, chương trình thiện nguyện.

Thế hệ chúng tôi có lợi thế bởi tinh thần sáng tạo và khả năng tiếp cận tri thức toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển vươn mình của dân tộc trong thời đại mới. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là khát khao học hỏi, sự bền bỉ và rèn luyện cả tình yêu thương. Chỉ khi chúng ta đủ kiên trì, tri thức và tấm lòng nhân ái mới có thể trở thành người có giá trị thực sự”, ThS. Huyền Trang chia sẻ.

Hoàng Chiến