Pháp luật

Nữ giám đốc hứa hẹn đưa người đi nước ngoài để chiếm đoạt tiền tỷ

Văn Thanh 19/11/2024 21:43

Lấy danh nghĩa Công ty Halasuco, Phong giới thiệu có khả năng đưa người sang lao động tại Nhật Bản nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại.

Nữ giám đốc hứa hẹn đưa người đi nước ngoài để chiếm đoạt tiền tỷ ddk
Bị cáo Nguyễn Thị Phong tại tòa.

Ngày 19/11, TAND TP Hà Nội xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Phong (SN 1983, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) 15 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS.

Theo hồ sơ vụ án, Công ty cổ phần cung ứng lao động và thương mại Hải Phòng (Halasuco) có trụ sở chính ở Hải Phòng, do ông Lại Duy D. làm Tổng Giám đốc. Năm 2005, công ty được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động.

Tháng 4/2018, ông D. ký quyết định thành lập Trung tâm đào tạo xuất khẩu lao động (Trung tâm Halasuco) ở quận Hà Đông, Hà Nội. Công ty bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Phong làm Giám đốc, thời hạn bổ nhiệm 2 năm kể từ ngày 20/4/2018- 20/4/2020.

Trung tâm Halasuco không có tư cách pháp nhân, không có con dấu riêng, không được phép thu tiền dịch vụ xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ, cần tiền chi tiêu, bị cáo Phong đã lấy danh nghĩa Công ty Halusuco để giới thiệu khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Bị cáo tự khắc con dấu vuông lấy tên chi nhánh Hà Nội của Công ty Halasuco để đóng trên các phiếu thu tiền.

Thông qua các cộng tác viên, Phong đưa ra nhiều thông tin thể hiện việc công ty tuyển lao động sang Nhật Bản làm các công việc như sơn vỏ tàu, đúc nhựa, đóng gói thực phẩm, chế biến thực phẩm… với mức lương từ 25-32 triệu đồng/tháng.

Tùy vào công việc, Phong đưa ra chi phí từ 120-160 triệu đồng/lao động (bao gồm chi phí học tiếng, ăn ở, chống vi phạm, cọc hồ sơ, đảm bảo visa) và cam kết khoảng 6-8 tháng người lao động sẽ được sang Nhật Bản làm việc.

Khi thu tiền, Phong yêu cầu người lao động nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản đến tài khoản của các cộng tác viên. Phong còn đứng ra đại diện công ty viết bản cam kết với người lao động.

Kết quả điều tra cho thấy, sau khi thu tiền của người lao động, Phong không chuyển tiền về công ty mà sử dụng chi tiêu cá nhân. Bị cáo cũng không thực hiện các thủ tục xuất khẩu lao động như cam kết.

Với thủ đoạn trên, trong thời gian từ tháng 2-7/2020, Phong chiếm đoạt hơn 2,6 tỷ đồng của 29 người bị hại. Đến nay, bị cáo mới khắc phục được số tiền 40 triệu đồng.

Cũng theo hồ sơ vụ án, thông qua đầu mối là Thái Thị H. (ở Nghệ An), Phong đã chiếm đoạt hơn 1,2 tỷ đồng của 16 lao động. Cụ thể, Phong và chị H. nhiều lần hợp tác, giới thiệu lao động cho nhau. Khi đó, chị H. đang làm tuyển dụng cho công ty ở Nghệ An. Phong thỏa thuận với chị H. sẽ trả 500 USD/người nếu giới thiệu lao động xuất cảnh thành công.

Dù cam kết khoảng 6 tháng sau các lao động sẽ được xuất cảnh, nhưng đến hạn, Phong không thực hiện cam kết, cũng không trả lại tiền cho người lao động.

Nhận thấy Phong không lo được cho các lao động xuất khẩu nên chị H. đã phải bỏ tiền túi để trả lại họ. Các bị hại ủy quyền cho chị H. làm đơn tố giác Phong đến cơ quan công an. Nhiều người bị hại khác cũng bị Phong lừa đảo chiếm đoạt tài sản với chiêu trò tương tự.

Tại tòa, các bị hại yêu cầu bị cáo Phong trả lại tiền đã chiếm đoạt, nếu không được ngay thì cần ấn định ngày trả tiền. Đổi lại, họ hứa sẽ xin HĐXX giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan cũng như diễn biến tại phiên tòa, HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Phong mức án 15 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Văn Thanh