'Chảy máu' chất xám trong EU
Nhiều người lao động trẻ ở Bồ Đào Nha đang cân nhắc việc đến những nước châu Âu khác làm việc để tìm kiếm thu nhập tốt hơn với những chính sách ưu đãi hơn.
Nhiều người tìm cách di cư
Cho đến gần đây, kỹ sư hàng không vũ trụ Pedro Monteiro vẫn nghĩ rằng anh cùng nhiều đồng nghiệp của mình sẽ rời Bồ Đào Nha chuyển đến các nước láng giềng châu Âu giàu có hơn để tìm kiếm một công việc được trả lương cao hơn sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Thủ đô Lisbon. Nhưng các khoản thuế mới do Chính phủ Bồ Đào Nha đề xuất cho những người lao động trẻ cùng với sự hỗ trợ về nhà ở khiến Monteiro phải suy nghĩ lại.
"Trước đây, chính phủ không chú ý đến những người trẻ tuổi. Đất nước cần chúng tôi, chúng tôi muốn ở lại nhưng cần thấy các tín hiệu tích cực từ chính phủ, cho thấy họ đang thực hiện các chính sách hữu ích cho người lao động" - anh Monteiro cho biết.
Bồ Đào Nha là quốc gia mới nhất ở châu Âu đang tìm cách giải quyết tình trạng chảy máu chất xám đang kìm hãm nền kinh tế của đất nước. Các khoản giảm thuế trong ngân sách cho lao động trẻ hiện đang được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực vào năm tới và có thể mang lại lợi ích cho 400.000 người trẻ với chi phí hàng năm là 525 triệu euro.
Vấn đề chảy máu chất xám sang các quốc gia giàu có hơn ở phía Bắc là vấn đề mà Bồ Đào Nha cũng như một số quốc gia khác ở phía Nam và Trung Âu cùng vướng phải, vì người lao động tận dụng các quy tắc tự do di chuyển trong khối thương mại. Italy cũng đã thử các kế hoạch khác để chống lại tình trạng này, nhưng kết quả không đồng đều. Tình trạng này làm trầm trọng thêm thực tế thiếu lao động trong khu vực và mất đi nguồn thu thuế của các quốc gia nghèo hơn, đây cũng là một rào cản đối với EU khi họ cố gắng cải thiện tăng trưởng kinh tế đang chậm lại trong khi giải quyết tình trạng suy giảm dân số và năng suất lao động.
Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng làm tăng rủi ro, với nguy cơ Mỹ áp thuế thương mại toàn diện đối với hàng xuất khẩu của châu Âu ít nhất là 10% - một động thái mà các nhà kinh tế cho rằng có thể biến sự tăng trưởng yếu ớt của châu Âu thành suy thoái hoàn toàn.
Theo Đài quan sát di cư của Bồ Đào Nha, hiện có khoảng 2,3 triệu người sinh ra ở Bồ Đào Nha đang sống ở nước ngoài. Trong đó có 850.000 công dân Bồ Đào Nha trong độ tuổi từ 15 đến 39.
Đáng lo ngại hơn nữa, theo một nghiên cứu dựa trên số liệu thống kê chính thức của Business Roundtable Portugal và Deloitte, khoảng 40% trong số 50.000 người tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng kỹ thuật di cư mỗi năm, khiến Bồ Đào Nha thiệt hại hàng tỷ euro do mất thuế thu nhập và đóng góp an sinh xã hội.
Cần chuyển động để giữ chân người tài
“Đây không phải là đất nước dành cho người trẻ. Bồ Đào Nha đang thực sự trải qua thời kỳ khó khăn về nhân khẩu học vì đất nước này không thể tạo điều kiện để giữ chân và thu hút nhân tài trẻ” – ông Pedro Ginjeira do Nascimento, Giám đốc điều hành của Business Roundtable Portugal, đại diện cho 43 công ty lớn nhất tại Bồ Đào Nha, cho biết.
Di cư trong nội bộ EU một phần là do sự chênh lệch về tiền lương giữa các quốc gia thành viên. Một số người di cư cho biết, họ đang tìm kiếm các nguồn phúc lợi tốt hơn như lương hưu và chăm sóc sức khỏe cũng như các cấu trúc phân cấp ít cứng nhắc hơn, trao nhiều trách nhiệm hơn cho những người ở vị trí cấp dưới.
Điều này làm gia tăng mối lo ngại về khả năng tồn tại lâu dài của mô hình kinh tế châu Âu với dân số già hóa nhanh chóng và không giành được thị phần trong các thị trường tăng trưởng cao trong tương lai. Theo cựu Giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi, khu vực này sẽ phải đối mặt với “nỗi đau chậm chạp” của sự suy thoái nếu không cạnh tranh hiệu quả hơn.
Chị Eszter Czovek (45 tuổi) và chồng đang chuyển từ Hungary sang Áo - nơi các công nhân kiếm được trung bình 40,9 euro (29,95 USD)/giờ so với 12,8 euro/giờ ở Hungary, đây là khoảng cách tiền lương lớn nhất giữa các nước láng giềng trong EU. Số lượng người Hungary sống ở Áo đã tăng lên 107.264 vào đầu năm 2024 từ chỉ 14.151 khi Hungary gia nhập EU.
Kể từ Brexit, Hà Lan đã thay thế Anh trở thành điểm đến ưa thích của những người tài Bồ Đào Nha. Bên cạnh đó, Đức và các nước Scandinavia cũng rất được ưa chuộng. Trong khi đó, nhiều người châu Âu vẫn đến Mỹ để tìm kiếm công việc tốt hơn.
Theo Viện Chính sách Di cư có trụ sở tại Washington, khoảng 4,7 triệu người đang sống ở Mỹ vào năm 2022. Năm 2023, có 4.892 người Bồ Đào Nha đã di cư đến Hà Lan - nơi đã tiếp nhận 24.500 người Bồ Đào Nha vào năm 2019.
Các chuyên gia bất động sản của Confidencial Imobiliario cho biết, ở trong nước, người lao động phải đối mặt với gánh nặng thuế cao thứ 8 trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngay cả khi giá nhà tăng 186% và tiền thuê nhà tăng 94% kể từ năm 2015. Theo Eurostat, một người độc thân ở Bồ Đào Nha không có con kiếm được trung bình 16.943 euro sau thuế vào năm 2023 so với 45.429 euro ở Hà Lan.
Theo Bộ trưởng Nội các Bồ Đào Nha Antonio Leitao Amaro, Chính phủ Bồ Đào Nha sẽ cung cấp cho những người dưới 35 tuổi một nguồn lợi tới 28.000 euro/năm với mức miễn thuế 100% trong năm đầu tiên làm việc, dần dần giảm lợi ích xuống mức khấu trừ 25% giữa năm thứ 8 và năm thứ 10. Những người trẻ tuổi cũng sẽ được miễn thuế giao dịch và thuế tem khi mua nhà lần đầu tiên cũng như được tiếp cận các khoản vay do nhà nước bảo lãnh và trợ cấp tiền thuê nhà. "Chúng tôi đang thiết kế một gói hỗ trợ vững chắc nhằm giải quyết những lý do chính khiến những người trẻ tuổi rời đi" - ông Leitao Amaro nói.
Bộ trưởng Nội các Bồ Đào Nha Leitao Amaro cho biết, ông không chắc chắn liệu các khoản giảm thuế có hiệu quả hay không nhưng chính phủ của ông phải thử một điều gì đó mới. “Nếu chúng ta không hành động một cách tham vọng, mọi thứ sẽ không thay đổi và Bồ Đào Nha sẽ tiếp tục đi theo lối mòn cũ” - ông Amaro nói.