Văn hóa

Chuyển thể từ tác phẩm văn học sang điện ảnh: Thành công không đơn giản

Phạm Sỹ 20/11/2024 09:17

Không chỉ sân khấu, điện ảnh những năm qua cũng rơi vào thực trạng khan hiếm những kịch bản hay, chất lượng. Trước thực trạng đó, nhiều đạo diễn đã lựa chọn kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học. Đây là nguồn tài nguyên hết sức dồi dào cho điện ảnh nước nhà. Song để thành công cũng không ít chông gai.

bai trên 8
Tác phẩm “Mắt biếc” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể thành phim điện ảnh ăn khách.

Những cuộc thử sức sôi động

Trên thế giới có rất nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng được chuyển thể từ những tiểu thuyết thành công. Thống kê cho thấy, khoảng 20% tác phẩm điện ảnh thành công được chuyển thể từ tác phẩm văn học. Đó là một con số không hề nhỏ.

Còn ở Việt Nam, nhiều bộ phim đã thành công khi chuyển thể từ văn học, trở thành những tác phẩm điện ảnh kinh điển như: “Chị Dậu” (chuyển thể từ tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố), “Vợ chồng A Phủ” (dựa trên tác phẩm cùng tên của Tô Hoài); “Mẹ vắng nhà” (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Thi), “Làng Vũ Đại ngày ấy” (chuyển thể từ một số truyện ngắn của Nam Cao), “Mê Thảo - thời vang bóng” (chuyển thể từ tác phẩm “Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân)... Gần đây là các phim được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư…

Có thể nhận thấy, một số phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học có sức hút và đi kèm đó là doanh thu “khủng” càng thêm khẳng định văn học là nguồn chất liệu quý giá đối với điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên để khai thác hiệu quả nguồn chất liệu này lại luôn là thách thức với nhà sản xuất phim, biên kịch và đạo diễn.

Thực tế, cũng có không ít tác phẩm đã thất bại ngay từ lúc vừa ra rạp. Có thể kể đến bộ phim “Cậu Vàng” bị khán giả phản ứng từ việc đạo diễn lựa chọn chú chó Shiba Inu (giống chó quý của Nhật) làm “bạn” của Lão Hạc, đến kịch bản rối rắm, cách kể chuyện hời hợt kém duyên, thiếu nhất quán và kém sinh động.

Hay như năm 2023, ngay khi công chiếu “Đất rừng phương Nam” (phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi) cũng vấp phải nhiều chỉ trích về trang phục, diễn biến phim xa rời nguyên tác, bóp méo lịch sử. Dù thu về 140 tỷ đồng và có lãi nhưng phim lại gây rất nhiều tranh cãi.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, thời gian gần đây phim Việt chuyển thể từ tác phẩm văn học cũng có nhiều thành công. Tuy nhiên, phải thẳng thắn là điện ảnh Việt vẫn còn rất nhiều thách thức khi làm phim chuyển thể. Rào cản đầu tiên có lẽ lại đến từ chính người làm phim. Để có tác phẩm hay thì nhà làm phim phải có sự sáng tạo, tạo dựng đời sống cho nhân vật, trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và không đi ngược với bản gốc, đồng thời tin vào con đường sáng tạo của mình.

Còn theo nhà văn Phụng Thiên, tác phẩm văn học là mảnh đất màu mỡ của điện ảnh. Nhiều bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học đã đạt các giải thưởng lớn, doanh thu khủng. Cũng từ chính mạch nguồn tác phẩm văn học, đã không ít đạo diễn, diễn viên được công chúng biết đến. Và rõ ràng giữa điện ảnh và văn học có mối tương quan. Không chỉ điện ảnh được lợi từ văn học mà ngược lại khi những bộ phim chuyển thể từ văn học gây được tiếng vang thì tác phẩm văn học đó sẽ tiếp tục được tái bản và ngày càng có nhiều bạn đọc biết đến hơn.

Hiện tại, cuộc thử sức với văn học của một số nhà làm phim vẫn đang hết sức sôi động. Tuy nhiên những nhà làm phim khi lựa chọn chuyển thể từ văn học cũng gặp nhiều áp lực.

Các đạo diễn nói gì?

Bàn về vấn đề này, đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải cho rằng, do sự khác biệt về phương pháp biểu đạt giữa văn học và điện ảnh nên tuy dựa trên tác phẩm văn học nhưng nhà làm phim gần như sẽ tạo ra một tác phẩm khác, có thể coi là độc lập với tác phẩm văn học. Họ sẽ phải chắt lọc, biến đổi chất liệu gốc là tác phẩm văn học theo ý đồ nghệ thuật của mình. Nếu nhà làm phim có độ thẩm định văn học tốt, có ngôn ngữ điện ảnh sáng tạo, với sự độc đáo, riêng biệt của phong cách điện ảnh… họ có thể tạo nên những tác phẩm điện ảnh lớn.

Tuy nhiên, sự thành công của tác phẩm văn học không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với thành công của tác phẩm điện ảnh. “Thất bại có thể do rất nhiều nguyên nhân. Trước hết là sự khác biệt về phương pháp biểu đạt giữa điện ảnh và văn học. Điện ảnh dựa nhiều vào hành động cụ thể, trong khi đó văn học lại tương đối tự do. Điện ảnh thường dựa vào kiểu cấu trúc dựa trên phát triển mâu thuẫn, kịch tính còn văn học thì có thể đi nhiều vào tự sự, nội tâm, cảm giác...” - NSƯT Bùi Trung Hải nói.

Vì vậy, theo NSƯT Bùi Trung Hải, việc chọn một tác phẩm văn học có nhiều yếu tố điện ảnh sẽ đem lại khả năng thành công lớn hơn nhiều cho bộ phim. Dĩ nhiên trong nghệ thuật điện ảnh cũng luôn có những ngoại lệ, tuy nhiên đó là một điều cần hết sức lưu ý.

Hơn nữa các nhà làm phim khi chuyển thể một tác phẩm văn học cần chú ý nghiên cứu nghiêm túc, sâu sắc về toàn bộ hoàn cảnh lịch sử trong tác phẩm văn học gốc. Do nhà làm phim chuyển thể không phải là người trực tiếp tạo ra câu chuyện gốc nên việc nghiên cứu hoàn cảnh lịch sử cùng với nó là phục trang, đạo cụ, bối cảnh, tác phong, sinh hoạt… trong đời sống, hành động của các nhân vật để sử dụng trong tái tạo tác phẩm là yếu tố rất quan trọng. Đó cũng là một yếu tố để tạo nên sự thành công của tác phẩm điện ảnh chuyển thể.

Phạm Sỹ