Kinh tế

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Doanh nghiệp trong nước sẵn sàng tham gia

T.Hằng 20/11/2024 10:03

Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ tạo cú hích về kinh tế giao thông mà còn là cơ hội lớn để các doanh nghiệp trong nước tham gia.

tren.jpg
Các đại biểu dự tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt”.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8. Theo phương án được đề xuất, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có tổng chiều dài chính tuyến khoảng 1.541km. Điểm đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi). Điểm cuối tại TPHCM (ga Thủ Thiêm).

Nhà thầu nội có thể làm tốt

Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.

Trên toàn tuyến được đề xuất bố trí 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, đáp ứng công năng vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Tại tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt” diễn ra ngày 19/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cũng khẳng định, Việt Nam làm đường sắt tốc độ cao sẽ bằng nguồn ngân sách và ít chịu ràng buộc chuyển giao công nghệ nước ngoài. Nếu có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài, điều kiện tiên quyết là phải sử dụng dịch vụ hàng hóa mà trong nước sản xuất được, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) trong nước tham gia với giá trị xây dựng lên tới 34 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Duy Thắng - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, nhà thầu nội hoàn toàn có thể làm tốt từ phần ray đường sắt trở xuống là thi công móng, bệ, thân, dầm.

Với thông tin 60% là cầu, tương đương 924km cầu, chủ yếu là cầu giản đơn, trừ trường hợp vượt sông, thung lũng với khẩu độ lớn thì cần phải dùng công nghệ đúc hẫng, dây văng, tất cả những công nghệ này DN Việt Nam có thể thi công được. Quan trọng hơn hết là tính đồng bộ, hệ thống dây chuyền, thiết bị thi công.

Ông Vũ Đức Nhận - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cũng cho rằng các chuyên gia và các DN về việc các DN trong nước hoàn toàn có thể đảm nhận các hạng mục công việc liên quan đến phần hạ tầng xây lắp có kỹ thuật phức tạp, yêu cầu khắt khe.

Hạng mục đường ray các đơn vị ở Việt Nam đã từng kinh qua ở một số dự án, có thể tiếp cận làm được. Hạng mục đầu máy, toa xe cần hướng đến liên danh, liên kết nước ngoài.

Đánh giá về năng lực của các DN Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam khẳng định, với năng lực, trình độ hiện nay, các DN Việt hoàn toàn có thể đảm đương được về mặt công nghệ, thi công. Vấn đề cần quan tâm chỉ là nguồn nhân lực lao động.

Ông Hiệp cho biết, khối lượng xây lắp dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam chiếm đến hơn 33 tỷ USD, là quy mô chưa từng có đối với các dự án tại Việt Nam. Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, đây là dự án không quá khó về mặt công nghệ nhưng quy mô rất lớn.

Ông Hiệp cho rằng, nếu đánh giá hệ thống đường sắt tốc độ cao là cầu hầm, vẫn là cầu dây văng thì thời gian qua, các nhà thầu Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, có thể thực hiện được tất cả những công trình này. Tuy nhiên, với tốc độ 350km/h của dự án, độ chính xác liên quan đến tốc độ đòi hỏi mức độ khác hơn về công nghệ.

"Các nhà thầu trong nước cần ý thức đây là một trận địa công nghệ mới, phải học hỏi, tiếp thu các kiến thức tiên tiến nhất về xây dựng để ứng dụng” - ông Hiệp nói.

Doanh nghiệp trong nước đối diện nhiều thách thức

Cơ hội cho DN nội tham gia vào dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam là rất lớn. Nhưng đi cùng đó là thách thức. Ông Đào Ngọc Vinh - Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT TEDI khẳng định: Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đòi hỏi chính xác tuyệt đối. Hệ thống đường sắt khác đường bộ ở chỗ có tính phức tạp cao hơn và làm việc theo hệ thống, bao gồm nhiều bộ phận cấu thành như hạ tầng, thông tin tín hiệu, thiết bị, cấp điện…

Cả đường sắt tốc độ cao và đường bộ cao tốc đều có kết cấu hạ tầng nền đường, cầu, hầm. Chỉ riêng về tốc độ, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là 350km/h còn đường bộ là 120km/h đã là sự khác biệt lớn. "Tốc độ này là yếu tố hết sức quan trọng, liên quan tới quy định kĩ thuật kết cấu hạ tầng" - ông Vinh chia sẻ, đồng thời nêu ví dụ: Về thiết kế hình học của tuyến đường, đường sắt tốc độ cao 350km/h yêu cầu bán kính cong khoảng 6000mm trở lên còn đường bộ cao tốc 120km/h thì chỉ cần bán kính cong khoảng 3000mm. Hay như yếu tố về chuyển tiếp, siêu cao của đường cong rất phức tạp.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là sự chính xác trong thi công, không được phép sai số và ý thức con người trong kiểm soát chất lượng. Không được phép lơ là và đơn giản trong công việc phức tạp này.

T.Hằng