Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Hết chỗ cho những lộng ngôn trên mạng xã hội?

Bắc Phong 21/11/2024 08:57

Thời đại mạng xã hội bùng nổ, nhiều người hoạt ngôn bỗng tưởng mình là diễn giả, chuyện gì cũng nói, việc gì cũng bàn luận, phân tích, phán xét, không khác gì “xả rác” lên môi trường mạng mà không cần biết đang tác động xấu đến xã hội. Đã có những người cũng chỉ vì lộng ngôn mà vi phạm pháp luật, bị xử lý.

Đại ngôn, xảo ngôn, ngoa ngôn, loạn ngôn, lộng ngôn... đều là những người không tự biết mình.

Mạng xã hội là môi trường mở, tính tương tác cao, ai cũng có thể phát biểu ý kiến của mình. Nhưng không thể vì thế mà phát ngôn bừa bãi với những lời quá đáng, nói càn nói quấy. Không chỉ một số người có chút ít tiếng tăm trong làng giải trí, thời gian qua thiên hạ còn chứng kiến cả những người được gọi là nhà giáo, trí thức, doanh nhân, luật sư cũng... lộng ngôn.

Điều gì họ cũng “bàn góp”, chia sẻ, bình luận, “hướng dẫn”, “phán xử”, nhất là khi có một việc, một hiện tượng nào đó được xã hội quan tâm thì lập tức “nhảy vào” với những phân tích bình luận như kiểu chỉ có mình là chân lý. Ảo tưởng bản thân về quyền lực mạng xã hội để rồi từ đó rơi vào trạng thái lộng ngôn thì sớm muộn cũng gặp vạ miệng.

Dẫn dắt dư luận kiểu lộng ngôn thường gây ra tác động tiêu cực. Cũng vì thế mà việc làm sạch môi trường mạng xã hội đã và đang được đặt ra một cách bức thiết.

Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2024 là yêu cầu phải xác thực tài khoản của người sử dụng mạng xã hội qua số điện thoại hoặc bằng số định danh. Quy định mới này khiến người dùng mạng xã hội không còn ẩn danh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những công bố trên mạng. Từ đó hy vọng sẽ bớt đi những hiện tượng lộng ngôn.

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trước đây không gian mạng cơ bản là vô danh. Nhiều người cho rằng vô danh thì có thể vô trách nhiệm. Ông Hùng cho rằng Nghị định 147 khiến người dùng mạng xã hội khi phát ngôn buộc phải định danh thông qua số điện thoại hoặc thông qua căn cước công dân, trách nhiệm của mọi người trên không gian mạng sẽ tốt hơn rất nhiều.

Còn theo ông Trương Đức Lượng - Chủ tịch Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam VSEC thì khi tài khoản được gắn với thông tin xác thực, người dùng sẽ cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ và bình luận, vì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cộng đồng về những gì họ công bố trên mạng, từ đó cũng giúp hạn chế các tài khoản ẩn danh hoặc giả mạo. Đây thường là nguồn gốc của thông tin sai lệch, tin giả và các nội dung xấu độc.

Như vậy, Nghị định 147 có thể xem như một công cụ điều chỉnh hành vi, còn quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của người dùng mạng xã hội và thái độ xử lý của cơ quan chức năng.

Có thể lấy ví dụ về việc các quy định ngăn chặn sim rác, không phải là quy định không nghiêm nhưng sim rác vẫn tồn tại, người ta vẫn phải chịu đựng những cuộc gọi phiền nhiễu, dụ dỗ, kể cả lừa đảo. Chế tài xử phạt nhẹ không đủ sức răn đe, ngăn chặn, làm theo kiểu “phong trào”, lúc đầu thì “trống giong cờ mở” nhưng dần dần đâu lại yên đấy.

Trở lại câu chuyện lộng ngôn, mạng xã hội tuy là môi trường ảo nhưng cũng có những quy định pháp lý cụ thể và mỗi công dân có nghĩa vụ tuân thủ. Nhiều người hiện nay dùng mạng xã hội nhưng quên cân nhắc tính tương tác, nhất là hậu quả của nó đối với người khác, đối với xã hội và thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, có quy định mới, nhưng liệu có chặn được sự lộng ngôn trên mạng xã hội hay không thì vẫn cần chứng thực của thời gian khi mà việc này đang có biểu hiện đi quá đà. Với người tham gia mạng xã hội cần phải biết tiết chế, phân biệt đúng sai, lợi hại. Còn về phía cơ quan chức năng cần nhanh chóng phát hiện, xử lý kịp thời.

Công việc đó phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, không “đánh trổng bỏ dùi”. Chỉ có như vậy môi trường mạng xã hội mới sạch và an toàn.

Bắc Phong