Quốc hội thảo luận Luật Nhà giáo: Nóng với lương giáo viên
Ngày 20/11, Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhà giáo. Trước khi thảo luận, Quốc hội đã bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo lão thành, các vị đại biểu Quốc hội đã và đang làm việc trong ngành giáo dục cùng gần 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền của Tổ quốc.
Nhiều đại biểu đã bày tỏ quan điểm, quan tâm về chính sách tiền lương và các chế độ phụ cấp, chế độ ưu đãi đối với nhà giáo. ĐBQH Trần Văn Thức (Đoàn Thanh Hoá), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá cho rằng, mức lương, mức phụ cấp ưu đãi của nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và phổ thông hiện đang thấp hơn so với mức lương của cán bộ, công chức các ngành khác, nhất là khối đoàn thể trên cùng địa bàn.
Cần xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo
Là một nhà giáo, ông Thức băn khoăn khi lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để đảm bảo mức sống, nhất là những giáo viên trẻ mới vào nghề và sống ở khu vực đồng bằng, thành phố, áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm. “Thực tế cho thấy lương với nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong Nghị quyết số 29 chưa đi vào thực tế cuộc sống” - ông Thức nói.
ĐBQH Hoàng Ngọc Định (Đoàn Hà Giang) đánh giá, một trong những đề xuất quan trọng trong dự thảo Luật quy định cho nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được tuyển dụng xếp lương lần đầu được tăng một bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Các quy định này là phù hợp để thu hút và giữ chân các giáo viên giỏi, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục bền vững.
Nhắc lại cách đây 27 năm trong Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, và Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đã khẳng định lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp phù hợp với tính chất công việc và theo vùng theo quy định của Chính phủ, ĐBQH Châu Quỳnh Dao (Đoàn Kiên Giang) nói rằng, những quan điểm, chủ trương của Đảng thể hiện nhất quán, rõ ràng mối quan hệ biện chứng giữa chế độ đãi ngộ về tiền lương đối với trọng trách, sứ mệnh của nhà giáo trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là phải song hành với nhau. Tuy nhiên, thực tế Luật Giáo dục năm 2019 chỉ quy định nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.
“Như vậy việc triển khai chính sách này qua luật, qua thực tế cuộc sống và giữa chủ trương của Đảng chưa đồng nhất với nhau” - bà Dao nói và chỉ rõ căn cứ vào thực tế hiện nay nhà giáo vẫn hưởng mức lương theo Nghị định số 204, cách đây 20 năm là chưa phù hợp.
“Thực tế hiện nay các chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương và các phụ cấp đối với nhà giáo còn thấp, tiền lương của nhà giáo chưa thật sự là nguồn thu nhập chính để đảm bảo đời sống cho nhà giáo, dẫn đến đời sống của nhà giáo còn gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến tình trạng nhà giáo không an tâm công tác, một bộ phận không nhỏ nhà giáo bỏ việc, nhất là nhà giáo trẻ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, nhiều địa phương thiếu nguồn giáo viên. Chính vì vậy, dự án Luật lần này quy định về chính sách ưu tiên, chế độ tiền lương và phụ cấp cho các đối tượng nhà giáo là cần thiết và phù hợp nhằm thể chế hóa Kết luận số 91 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI” - ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh (Đoàn Bạc Liêu) cho hay.
Nhà giáo cần phải được bảo vệ
Theo ĐBQH Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum), dự thảo Luật đã trao quyền tuyển dụng nhà giáo cho cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng.
Ông Tám tán thành với quy định này và cho rằng, việc trao quyền như vậy là tạo cơ sở cho cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tuyển dụng nhà giáo đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục cũng như chủ động trong điều phối biên chế, điều phối nhà giáo của ngành giáo dục.
Song ông Tám cho rằng, cần làm rõ các trường hợp đặc cách, ưu tiên là người có trình độ cao, người có tài năng thì cần giải thích rõ thế nào là người có trình độ cao, người có tài năng để dễ thực hiện khi tuyển dụng và như thế cũng đảm bảo tính khả thi của quy định này.
ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) cho biết, thực tiễn cho thấy, đời sống của một bộ phận nhà giáo còn khó khăn, nhà giáo chưa thể sống bằng nghề, tiền lương chưa thật sự là nguồn thu nhập chính đảm bảo đời sống cho nhà giáo, nhất là nhà giáo trẻ và giáo viên mầm non. Nhà giáo chưa thật sự được quan tâm bảo vệ xứng đáng từ xã hội nên còn xảy ra những sự việc đáng buồn về cách ứng xử từ xã hội, từ phụ huynh, người học đối với nhà giáo.
Cho rằng những điều này dẫn đến tình trạng nhà giáo không quan tâm công tác, một bộ phận không nhỏ nhà giáo đã bỏ việc, chuyển việc, đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được những người giỏi vào ngành sư phạm, bà Sương đề nghị, nghiên cứu quy định về các quyền của nhà giáo liên quan tới việc làm, môi trường làm việc, được bảo vệ an toàn, được tôn trọng, trừ khi vi phạm theo quy định, nhà giáo được bảo vệ trước bất kỳ sự xâm phạm nào kể cả từ phía học sinh, phụ huynh học sinh, những người khác bao gồm những hành vi phạm tội, hành vi phát tán thông tin trái pháp luật.
“Đối với nhà giáo chịu ảnh hưởng từ các hành vi xâm hại, bạo lực từ nhiều phía cần có chế độ bảo vệ, hỗ trợ phục hồi để nhà giáo sớm có thể quay trở lại công tác giảng dạy. Đối với những nhà giáo làm việc ở những khu vực còn nhiều khó khăn, cần thường xuyên nắm bắt, rà soát điều kiện môi trường làm việc để sớm có những giải pháp cải thiện và hỗ trợ để nhà giáo yên tâm công tác” - bà Sương bày tỏ.
Cùng quan điểm, theo ĐBQH Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh), trong bối cảnh hiện nay, khi mà quyền của phụ huynh và học sinh đang được đề cao thì dường như quyền của nhà giáo đang bị xem nhẹ, đặc biệt là quyền để bảo vệ nhân phẩm và danh dự của mình, cụ thể hơn là quyền bảo vệ nhân phẩm, danh dự trên không gian mạng. Vì vậy, quy định tổ chức, cá nhân không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo. Nội dung quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh các mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh mẽ như hiện nay và nhà giáo nếu có sai phạm thì đã có các chế tài xử lý theo quy định, nhưng đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nhất là khi nhà giáo trực tiếp đứng lớp, có ảnh hưởng lớn đối với tâm lý của người học. Vì vậy, nếu không có phương án bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là các nhà giáo mà sẽ là hàng triệu tương lai của đất nước.
ĐBQH Thái Văn Thành (Đoàn Nghệ An), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đánh giá, chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo sẽ tạo hành lang pháp lý và điều kiện nhằm thu hút những người giỏi được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm làm nhà giáo.
“Với chính sách bảo vệ nhà giáo sẽ tạo môi trường làm việc thuận lợi, dân chủ để các nhà giáo yên tâm công tác, tận tâm với nghề, sáng tạo trong một không gian văn hóa được tôn vinh, ghi nhận và được phối hợp hỗ trợ của toàn xã hội”- ông Thành nói, đồng thời cho rằng trong chế độ chính sách của nhà giáo chế độ tiền lương và phụ cấp có ảnh hưởng rất lớn đến nhà giáo. Do đó khi Luật được ban hành và có hiệu lực sẽ nhanh chóng giải quyết được những khó khăn về đời sống của nhà giáo, nhất là đối với nhà giáo cấp học mầm non, chuyên biệt hay nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội):
Đội ngũ nhà giáo đang chiếm 70% đội ngũ viên chức trong toàn bộ lực lượng của xã hội, trong khi chúng ta lại áp bảng lương của hệ thống viên chức cho đội ngũ nhà giáo. Kể cả việc chúng ta nói rằng xếp ở mức cao nhất, điều đấy cũng là không phù hợp. Do vậy chúng ta cần phải xây dựng một bảng lương riêng cho 70% đội ngũ viên chức này là nhà giáo để phù hợp với đặc điểm và vị trí công việc của mỗi người thầy và chế độ tiền lương cần phải bù đắp thỏa đáng hao phí lao động để nhà giáo yên tâm, say sưa, tâm huyết với nghề, không phải lo làm thêm để kiếm sống.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn:
Thu nhập của một phần rất lớn trong số 1,6 triệu giáo viên vẫn còn ở mức chưa đủ sống, chưa đủ sống thì không thể toàn tâm toàn ý cho dạy học được. Khi xét một đột phá chiến lược là một quốc sách hàng đầu dứt khoát phải có một vài sự ưu tiên. Cụ thể lương như thế nào để có thể đảm bảo được đời sống của giáo viên ở mức tối thiểu... Đối với việc dạy thêm của nhà giáo, chúng tôi đang chủ trương không cấm việc dạy thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn.
Ngày làm việc thứ 21, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Ngày 20/11, Quốc hội bước vào ngày làm việc đầu tiên của đợt 2, cũng là ngày làm việc thứ 21, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Hà Nội.
Buổi sáng: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự án Luật Nhà giáo.
Buổi chiều: * Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe các nội dung sau: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Trưởng Ban soạn thảo trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
* Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các nội dung sau: Chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội.