Xã hội

Việc làm cho lao động khuyết tật: Cần sự quan tâm của toàn xã hội

Lan Hương 22/11/2024 09:52

Tại Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật (NKT) ngày 21/11 tại Hà Nội, có tới hơn 1.200 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh dành cho lao động là NKT. Tuy nhiên, để tìm kiếm được việc làm phù hợp với họ lại không hề đơn giản.

anhbaitren(2).jpg
Người khuyết tật tìm kiếm việc làm tại phiên giao dịch việc làm. Ảnh: L.H.

Áp lực lớn

Có mặt tại phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội từ rất sớm, anh Vương Văn Thứ (35 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) kỳ vọng sẽ tìm được việc làm như mong muốn, nhưng sau khi đi một lượt các gian hàng tuyển dụng, anh Thứ cho biết việc tìm kiếm công việc với mình không hề đơn giản.

“Tôi bị khuyết tật vận động do tai nạn từ năm 2001 nên sau khi học hết cấp 3 tôi đăng ký học tin học văn phòng. Tuy nhiên, do bị liệt tay phải nên việc đi làm với tôi rất khó khăn. Sau nhiều lần tìm kiếm công việc, tôi chỉ xin được làm cộng tác viên online với mức lương dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Nay tìm đến phiên giao dịch việc làm với mong muốn tìm công việc tốt hơn nhưng lại rất khó. Không có việc làm ổn định, tôi cảm thấy mình luôn là gánh nặng cho gia đình, xã hội” – anh Thứ giãi bày.

Tương tự, anh Nguyễn Hoàng Nam (Thanh Trì, Hà Nội) bị khuyết tật chân, chỉ mong muốn có được công việc ổn định. “Thế nhưng với những lao động như chúng tôi, quá trình đi tìm việc như hành trình tìm kiếm sự may rủi” - anh Nam chia sẻ sau rất nhiều lần tìm được việc làm, nhưng mỗi công việc cũng chỉ kéo dài 6 tháng đến 1 năm.

Thực tế, đề cập về những rào cản trong việc tiếp cận việc làm với lao động là NKT, đại diện Liên hiệp Hội về NKT Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chính là do suy nghĩ, quan điểm của người sử dụng lao động và học vấn của NKT còn thấp. Do đó, cần có sự thay đổi, nhất là chính sách hỗ trợ thúc đẩy nguồn lực lao động là NKT, đồng thời thay đổi về nhận thức, tư duy của doanh nghiệp và có chính sách bảo đảm tỷ lệ NKT có việc làm nhiều hơn trong thời gian tới.

Tăng cường kết nối

Để tạo cầu nối giúp lao động là NKT tìm được việc làm, thời gian qua, Sở LĐTBXH TP Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội định kỳ tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là NKT nhằm hỗ trợ, động viên NKT tích cực học tập, tham gia vào thị trường lao động.

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, tại phiên giao dịch ngày 21/11, với sự tham gia của 37 doanh nghiệp và đơn vị tuyển dụng, tuyển sinh đã cung cấp 1.286 vị trí việc làm và ngành nghề đa dạng với mức lương hấp dẫn. Đây cũng là dịp để NKT thay đổi tư duy, tự tin và chủ động trong tìm kiếm việc làm hoặc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, từ đó tạo thu nhập ổn định cho bản thân. Đặc biệt, khi tham gia phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là NKT, các bên tham gia, bao gồm người lao động, doanh nghiệp, đơn vị và cơ sở đào tạo, sẽ không phải đóng góp bất kỳ khoản phí nào.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Linh Chi - nhân viên nhân sự Tiệm giặt là Sẻ chia (Hà Nội) cho rằng, việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm dành cho lao động là NKT rất có ý nghĩa, không chỉ tạo cầu nối cho NKT mà còn là kênh giúp doanh nghiệp tuyển được nguồn nhân lực. “Bản thân tôi cũng là NKT nên rất thấu hiểu sự vất vả trong tìm kiếm việc làm. Bởi vậy rất cần những phiên giao dịch việc làm như thế này nhằm kết nối người lao động và doanh nghiệp. Hiện tại công ty có hơn 20 người thì có tới 12 người là NKT, họ có thể làm việc đạt hiệu suất cao nếu được trao cơ hội” - bà Chi cho biết.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Trưởng - Giám đốc Công ty TNHH và thương mại Scoll (Hà Nội) cho biết, đây là lần thứ 3 công ty tham dự phiên giao dịch việc làm dành cho NKT. Hiện nay công ty đang có nhu cầu tuyển 5 - 7 người là lao động NKT với mức lương khởi điểm học nghề là 4 triệu đồng.

Sau học nghề, khi đã thạo công việc, lao động sẽ được trả mức lương 7 - 10 triệu đồng/ tháng. Ngoài tiền lương, người lao động được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và hưởng các phúc lợi xã hội khác như ăn ca, thưởng tháng thứ 13…

Tạo việc làm cho NKT chính là con đường bền vững giúp NKT hòa nhập vào đời sống. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, các công ty, doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh khi có nhu cầu tuyển lao động nên tạo cho NKT một môi trường, bầu không khí thân thiện. Về cơ sở hạ tầng, cần có đường dốc và khu vệ sinh dễ tiếp cận theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, để NKT được thuận tiện khi đến làm việc. Bên cạnh đó, bản thân NKT cũng phải nỗ lực hoàn thành công việc được giao, thực hiện, chấp hành tốt những nội quy, quy định của công ty.

Lan Hương