60 năm chiến thắng Bình Giã – Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm
Chiến thắng Bình Giã là một mốc son trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lần đầu tiên, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo tổ chức sử dụng lực lượng chủ lực với phương pháp tác chiến tập trung đánh bại lực lượng chính quy cơ động mạnh của quân đội Sài Gòn.
Sáng 22/11, tại TP Vũng Tàu (Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức Hội thảo khoa học với chủ để: “60 năm Chiến thắng Bình Giã - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm”.
Tham dự có Thượng tướng Trịnh Văn Quyết – Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; bà Đinh Thị Mai – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phạm Viết Thanh – Bí thư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng các lãnh đạo Bộ Quốc phòng; tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử, cán bộ lão thành.
Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết cho biết, Chiến thắng Bình Giã có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đánh dấu sự phát triển trong tư duy chỉ đạo và điều hành chiến tranh cách mạng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam;
Khẳng định vai trò của đấu tranh quân sự, vị trí của lực lượng vũ trang. Chiến thắng Bình Giã góp phần đẩy nhanh sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.
Thành công của chiến dịch đã vận dụng sáng tạo cách “Đánh điểm diệt viện”, chọn điểm khơi ngòi chính xác, tạo thế, tạo thời cơ và tổ chức, sử dụng lực lượng thích hợp để đánh thắng những trận then chốt, để lại những kinh nghiệm quý cho các chiến dịch tiếp sau.
Chia sẻ tại hội thảo, Bí thư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Phạm Viết Thanh khẳng định, chiến dịch Bình Giã thắng lợi đã thể hiện sự hiệp đồng tác chiến giữa 3 mũi giáp công: Quân sự - Chính trị - Binh vận trên chiến trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; hoàn thành xuất sắc 3 mục tiêu: Tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị, phá ấp chiến lược; mở rộng vùng giải phóng sát ra biển, xây dựng bên tiếp nhận của Trung ương từ miền Bắc vào miền Nam; góp phần quan trọng vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
“Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng địa danh Bình Giã gắn liền với chiến dịch Bình Giã sẽ đi vào lịch sử dân tộc và mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hôm nay và mãi về sau”, ông Thanh nói.
Bí thư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn cho biết, kế thừa và phát huy truyền thống hào hùng của Chiến thắng Bình Giã, Đảng bộ, dân và quân tỉnh Bà Rịa - Vũng đã ra sức thi đua, nỗ lực khắc phục khó khăn, thử thách, chủ động, sáng tạo, phấn đấu xây dựng và phát triển, khẳng định vai trò là một cực tăng trưởng quan trọng của cả nước.
Chia sẻ về ý chí của Quân và dân Bình Giã nói riêng, huyện Châu Đức nói chung, ông Hoàng Nguyên Dinh – Bí thư Huyện uỷ Châu Đức bồi hồi, ngược dòng lịch sử về 6 thập niên trước, cuối năm 1964, Bình Giã là địa bàn quan trọng đối với địch về quân sự, chính trị và kinh tế.
Vì thế, địch nhận định: Bình Giã là ấp chiến lược kiểu mẫu, là pháo đài chống cộng bất khả xâm phạm. Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, đầu tháng 11 năm 1964, Bộ Chỉ huy Miền mở chiến dịch tiến công địch trên địa bàn 4 tỉnh, trong đó hướng chủ yếu là Bà Rịa - Long Khánh.
Cũng trong thời gian này, dân và quân du kích ở các địa phương trưởng thành nhanh chóng. Phối hợp nhịp nhàng, có hiệu quả và phát triển được nhiều hình thức tác chiến linh hoạt với bộ đội trong các trận đánh. Chiến dịch Bình Giã là chiến dịch của lòng dân trước Đảng, trước cách mạng.
Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, nhân chứng lịch sử, cán bộ lão thành… đã có nhiều phân tích, đánh giá nhằm tôn vinh và tri ân công lao của lực lượng vũ trang giải phóng cùng các tầng lớp nhân dân đã làm nên chiến thắng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo;
Giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tiếp tục xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Đồng thời, rút ra những kinh nghiệm quý báu cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.