Xã hội

Thái Nguyên: Đề xuất thí điểm phân cấp trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Thành Vân 23/11/2024 11:29

Việc lưa chọn huyện Võ Nhai thí điểm phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2024-2025 đang được HĐND xem xét và đưa ra thảo luận trong kỳ họp tiếp theo.

Trước đó vào ngày 21/11, UBND tỉnh Thái Nguyên thống nhất các nội dung cuộc họp với các cơ quan chuyên môn về việc UBND huyện Võ Nhai đề xuất thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2024 – 2025. Đề xuất được sự ủng hộ tuyệt đối của các sở, ngành chức năng, UBND tỉnh đã có tờ trình số 155 gửi HĐND tỉnh Thái Nguyên xem xét

Căn cứ nguồn vốn được giao năm 2024 và dự kiến năm 2025 UBND huyện Võ Nhai phấn đấu đến hết năm 2025 đạt các mục tiêu, nhiệm vụ trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024- 2025.

Cụ thể, trong Chương trình MTQG phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 bình quân từ 3%/năm trở lên. Giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện bình quân 2%/năm trở lên. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; đường đến trung tâm xóm, bản được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 99%. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 96% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phủ sóng đài phát thanh, truyền hình của Trung ương và địa phương.

Duy trì tỷ lệ ít nhất 8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, hoàn thiện cơ sở vật chất các trường nội trú, bán trú trên địa bàn. Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100%, học sinh đi học đúng tuổi ở cấp tiểu học trên 99%, cấp trung học cơ sở trên 98%, cấp trung học phổ thông đạt 80% trở lên; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%.

Tăng cường công tác y tế để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế. Trên 95% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%.

Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 50% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.

100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo người dân tộc thiểu số có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.

Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 99% xóm có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% xóm có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.

kiaam tra.JPG
Lãnh đạo UBND huyện Võ Nhai kiểm tra nông thôn mới tại xã Phương Giao. Ảnh: Vân Dung.

Trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, phấn đấu có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã nông thôn mới nâng cao và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: 100% cán bộ được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo. Trên 70% hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững. 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế.

Tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và tỷ lệ người lao động thuộc xã có tỷ lệ nghèo đa chiều cao, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 59,47%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 39,22%...

Thành Vân