Tuyển sinh đại học năm 2025: Siết quy định xét học bạ và xét tuyển sớm
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học (ĐH), tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Theo đó, về xét tuyển học bạ phải dùng cả kết quả lớp 12; chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành.
Thay đổi nhằm đảm bảo quyền lợi của thí sinh
Theo Dự thảo Thông tư, cơ sở đào tạo quyết định một hoặc một số phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho cả cơ sở đào tạo hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, nhóm ngành và hình thức đào tạo. Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh.
Mỗi phương thức tuyển sinh phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.
Điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.
Đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT, các chứng chỉ ngoại ngữ và các kết quả đánh giá khác), Bộ GDĐT quy định, tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm.
Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn để xét tuyển, khi đó số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm. Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh.
Cách thức quy đổi điểm xét đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo phải bảo đảm mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa, đồng thời không thí sinh nào có điểm xét vượt quá mức điểm tối đa (tính cả các điểm ưu tiên, điểm thưởng, điểm khuyến khích).
Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và việc quy đổi tương đương điểm xét, điểm trúng tuyển; trong đó phải dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hàng năm.
Hài hòa lợi ích giữa các bên
Nhìn lại mùa tuyển sinh 2024, phương thức xét tuyển kết quả học tập bậc THPT (học bạ THPT) và nhiều năm trước đó đã được nhiều trường áp dụng. Năm 2024, có hơnn 200 trường ĐH sử dụng phương án xét tuyển sớm. Năm 2023, số cơ sở đào tạo xét tuyển sớm là 214/322. Số thí sinh trúng tuyển sớm 375.517. Số nguyện vọng trúng tuyển sớm 1.268.232. Số thí sinh có trúng tuyển sớm sau lọc ảo 301.849.
Mặc dù các phương thức xét tuyển sớm thực chất là mở rộng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, thêm lựa chọn ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT song vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn về phương thức này. PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng, hiện nay nhiều trường ĐH xét tuyển sớm khi học sinh vẫn chưa hoàn thành chương trình học cấp THPT. Sau đó, một số cán bộ tư vấn thí sinh đặt nguyện vọng đỗ sớm lên đầu khi đăng ký xét tuyển chung dẫn đến thiếu công bằng, làm mất cơ hội của thí sinh. Bên cạnh đó, ông Phúc cũng nhìn nhận việc các trường đưa ra nhiều phương thức xét tuyển rồi chia tỷ lệ phần trăm khác nhau cho từng phương thức là không có cơ sở, gây mất công bằng cho thí sinh xét tuyển ở các phương thức khác nhau.
Việc siết chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia. Điều này thể hiện sự điều tiết tuyển sinh của Bộ GDĐT nhằm tránh sự chênh lệch trong việc xét tuyển giữa các trường, đảm bảo quyền lợi của mọi thí sinh nhất là từ năm 2025, thí sinh tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều đổi mới. Điều này cũng là thể hiện trách nhiệm của các trường ĐH với giáo dục phổ thông, tạo sự công bằng cho thí sinh trong cơ hội học tập.
Tuy nhiên, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam lưu ý Luật Giáo dục ĐH đã trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH. Vì vậy, cần xem xét các khía cạnh để đảm bảo sự hài hòa giữa quyền tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH với vai trò quản lý nhà nước của Bộ GDĐT.
Về phía các trường, nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo cho biết ở mỗi mùa tuyển sinh có thể có sự phân bổ lại hoặc điều chỉnh thêm, bớt một số phương thức xét tuyển hoặc phân bố lại chỉ tiêu cho mỗi phương thức so với năm trước để phù hợp hơn với tình hình thực tế của trường. Bộ GDĐT ủng hộ những điều chỉnh này bởi tùy vào sự phân tích, đối sánh dữ liệu về phương thức xét tuyển đầu vào cũng như kết quả học tập của sinh viên qua các năm, các trường cần thiết phải có những thay đổi. Riêng đối với các phương án xét tuyển sớm, các trường nên có kênh thông tin hướng dẫn, hỗ trợ khi thí sinh cần tìm kiếm thông tin và hướng dẫn chi tiết khi các em đến đăng ký tại trường trong các đợt xét tuyển sớm.