Khai thác đất dự án bỏ trống cho giao thông tĩnh
Hà Nội hiện đang thiếu các bãi đỗ xe, điểm gửi xe vì giao thông tĩnh phát triển chậm chạp. Song hiện các địa phương có hàng trăm vị trí đất dự án chậm triển khai, đất trống nhưng lại chưa thể cấp phép trông giữ xe tạm, gây lãng phí.
Tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tĩnh trên diện tích đất xây dựng đô thị của TP mới đạt dưới 1%, trong khi theo quy hoạch phải đạt từ 3 - 4%.
Hiện nay, TP Hà Nội mới đưa được 72 dự án bãi đỗ xe vào khai thác, hiện đang đầu tư 61 dự án, còn lại 1.557 dự án chưa thực hiện được. Năng lực của hạ tầng giao thông tĩnh Thủ đô vì vậy mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu thực tế.
Trong khi đó, Hà Nội có hàng trăm dự án chậm triển khai, đất quây rào để không, hoặc đất công do địa phương quản lý, đã có quy hoạch nhưng chưa được đầu tư. Thực tế đó dẫn đến nghịch lý đất để trống, để thừa trong khi người dân thì thiếu nơi gửi xe.
Mặt khác, hiện đại đa số phương tiện cá nhân của TP đang gửi tại các bãi xe không phép, trái phép, lợi nhuận chạy vào túi một số cá nhân, còn chi phí duy tu, sửa chữa hạ tầng ngân sách TP phải gánh. Bên cạnh đó, tình trạng mất an ninh trật tự, ATGT do trông giữ xe không phép cũng gây nhức nhối kéo dài cho Thủ đô nhiều năm qua.
Trưởng phòng PC06, Công an TP Hà Nội, Trung tá Nguyễn Thành Lâm cho biết, qua rà soát tại thời điểm gần nhất, trên địa bàn TP có 340 điểm trông giữ phương tiện ổn định mà không có giấy phép. TP rà soát lại các khu vực đất trống, đất dự án chưa triển khai, giao nhiệm vụ cho UBND các cấp thẩm định và cấp phép trông xe, đảm bảo về diện tích, PCCC và an ninh trật tự. Thời hạn cấp phép ít nhất phải 6 tháng hoặc 1 năm. Nhiều điểm đủ điều kiện nhưng không hiểu vì sao vẫn không được cấp phép.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, TP đã có chủ trương giao UBND các quận, huyện nghiên cứu cấp phép trông giữ xe tạm trên các ô đất trống có quy hoạch làm giao thông tĩnh, Sở cũng đã có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản gửi địa phương.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế, chính sách thông thoáng hơn nữa trong việc cho phép trông giữ xe tạm trên các khu đất trống. Bởi không chỉ hơn 1.300 ô đất được quy hoạch làm giao thông tĩnh chưa có nhà đầu tư có thể cấp phép trông giữ xe tạm; mà hàng nghìn ô đất làm dự án khác đang treo, hoặc chưa triển khai cũng cần được xem xét cho sử dụng tạm thời làm điểm gửi xe.
Phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện
Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành cho rằng, để tránh lãng phí nguồn lực đất đai, xã hội trong lĩnh vực giao thông nói chung và trông giữ xe nói riêng, cần có các chính sách đặc thù gắn với Luật Thủ đô sửa đổi, đồng thời chính quyền địa phương phải nâng cao trách nhiệm, tinh thần dám nghĩ, dám làm.
Chia sẻ về việc lãng phí khi để các khu đất trống nhiều năm không sử dụng, Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành cho hay: "Đầu tiên là lãng phí nguồn lực từ tài nguyên đất, một trong những nguồn lực chính để phát triển kinh tế xã hội. Nhà nước giao đất cho chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng đất để hoang hóa kéo dài nhiều năm không triển khai là lãng phí nguồn lực.
Việc chậm hoặc không triển khai dự án theo quy hoạch đã là cản trở phát triển kinh tế xã hội; lại dẫn đến đất bỏ không trong khi người dân thiếu hạ tầng giao thông tĩnh càng vô cùng lãng phí. Trong khi chờ đợi các dự án thực hiện, nếu cấp phép tạm cho trông giữ xe tại đó sẽ thu được tiền về cho ngân sách, tạo ra việc làm, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp.
Nhưng do vướng mắc trong cơ chế, chính sách, không cấp phép được mà bỏ không, đó là lãng phí về hiệu quả kinh tế. Mặt khác, không cấp phép cho các đơn vị trông giữ xe chính tắc, để đất trống biến thành bãi xe "lậu", tiền chảy vào túi cá nhân, hệ lụy thì TP và người dân gánh chịu, đó là lãng phí, thất thoát tài sản xã hội".
Tương tự, Thạc sĩ Quản lý đô thị Trần Tuấn Anh cho rằng, một trong những điều kiện để tổ chức các điểm trông giữ xe tạm trên đất dự án chậm triển khai, đất trống là phân loại đất. Từ đó có thể xác định được vị trí nào có thể tạm thời sử dụng để trông giữ xe, vị trí nào cần thu hồi đất hoặc thời gian chờ không đủ để cấp phép.
"Việc cấp phép tạm trông giữ xe trên đất dự án chậm triển khai, kể cả dự án không thuộc lĩnh vực giao thông tĩnh, hoặc đất trống chưa có dự án đầu tư là rất cần thiết, nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách về chỗ đỗ xe cho người dân. Đồng thời sẽ giúp các quận, huyện tận dụng được nguồn lợi từ đất đai, chống lãng phí. Tuy nhiên, việc cần làm trước tiên là phân loại cụ thể với từng ô đất", Thạc sĩ Quản lý đô thị Trần Tuấn Anh cho hay.
Theo Thạc sĩ Trần Tuấn Anh, đối với những dự án đã chậm triển khai quá lâu cần thu hồi ngay lập tức để giao cho nhà đầu tư khác, thực hiện dự án đúng mục đích sử dụng, nhằm hoàn thiện hạ tầng đô thị. Còn với những dự án đang trong quá trình làm thủ tục, chưa đến mức phải thu hồi đất thì ưu tiên cấp phép tạm trông giữ xe với thời hạn từ 1 năm trở lên.
Chia sẻ về cách quản lý khi cấp phép tạm để trông xe, Thạc sĩ Trần Tuấn Anh cho hay: " Hà Nội cần đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương tự làm, tự chịu trách nhiệm trong việc cấp phép trông giữ xe tạm trên các ô đất trống, đất dự án chậm triển khai. Chỉ cần việc trông giữ xe tạm đáp ứng đủ các điều kiện như: thu phí không dùng tiền mặt, kết nối để minh bạch doanh thu với cơ quan quản lý thuế; đảm bảo phòng chống cháy nổ; có phương án tổ chức giao thông phù hợp khi xe ra vào… thì có thể cấp phép để quản lý".