Thúc đẩy tiềm năng du lịch tỉnh Bình Dương
Ngành du lịch tỉnh Bình Dương đang tham mưu HĐND dân tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025-2030. Đồng thời triển khai chương trình du lịch nông thôn giai đoạn 2021-2025 nhằm thúc đẩy hình thành khai thác các điểm du lịch sinh thái vườn, điểm du lịch gắn với các điểm du lịch ven sông.
Tập trung nguồn lực đa dạng hóa sản phẩm
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cho biết, những tháng đầu năm 2024, tỉnh đã đón trên 2 triệu lượt khách, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế đạt 200.000 lượt.

Doanh thu từ hoạt động du lịch của tỉnh Bình Dương ước đạt 1.200 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Bình Dương đón 151.000 lượt khách du lịch, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách quốc tế là 6.000 lượt, khách nội địa là 145.000 lượt.
Đây là tín hiệu tích cực để ngành du lịch Bình Dương tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu, quan tâm đầu tư dịch vụ chất lượng nhằm thu hút du khách, đặc biệt là trong dịp hè.
Có được kết quả như trên là do tỉnh vận dụng và triển khai hiệu quả hoạt động kích cầu du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam - Việt Nam tôi yêu” đón đầu kỳ nghỉ lễ 30/4-01/5 và mùa du lịch Hè.
Cùng với đó, ngành du lịch Bình Dương đã tập trung nguồn lực vào các hoạt động phát triển sản phẩm; truyền thông, quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch tỉnh và liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước... tạo điểm nhấn, góp phần thu hút khách và tăng doanh thu cho tỉnh.
Các đơn vị kinh doanh du lịch cũng cố gắng nỗ lực để nâng cao chất lượng phục vụ khách. Một số điểm tham quan, vui chơi giải trí mới đưa vào hoạt động, góp phần đa dạng sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn tỉnh góp phần thu hút khách như Cầu Đôi Camping, A New Day Clamping, Vườn Xưa.
Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương đã sử dụng có hiệu quả công cụ truyền tải thông tin du lịch là các phương tiện truyền thông và thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách như quảng bá du lịch của tỉnh trên website dulichbinhduong.org.vn, ứng dụng (App) Du lịch Bình Dương, trên mạng xã hội facebook, zalo…; giúp cho du khách có nhu cầu tìm hiểu thông tin về du lịch Bình Dương dễ dàng thực hiện nhanh chóng, tiện lợi, đồng thời cũng tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong tỉnh tham gia quảng bá hình ảnh đơn vị, mở rộng liên doanh, liên kết để hình thành các tour, tuyến du lịch mới đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Hai lễ hội lớn gồm Hương bưởi Bạch Đằng năm 2024 và Mùa trái chín năm 2024 cũng đã góp phần thu hút du khách, thúc đẩy ngành du lịch địa phương ngày càng phát triển.

Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh cũng phối hợp tốt trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Bình Dương thông qua các sự kiện được tổ chức trên địa bàn, các cuộc thi, các hoạt động khảo sát kết nối tour tuyến du lịch, tham dự các sự kiện du lịch tại các tỉnh, thành trong cả nước được quan tâm và mang lại hiệu quả thiết thực.
Nâng cao thương hiệu ngành
Ông Bùi Hữu Toàn - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cho hay, đến tháng 3/2024, toàn tỉnh có 254 đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch với 7.318 phòng và 535 đơn vị hộ kinh doanh với 6.827 phòng. Trong đó, chỉ có 28 khách sạn xếp hạng sao (1 khách sạn 5 sao, 3 khách sạn 4 sao, 5 khách sạn 3 sao và 19 khách sạn 1-2 sao), chiếm 3,5% tổng số cơ sở lưu trú.

Số lượng khách sạn cao cấp trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá hạn chế so với nhu cầu ngày càng tăng của du khách, đặc biệt là du khách quốc tế và những người đến Bình Dương công tác. Việc phát triển thêm các khách sạn cao cấp là cần thiết để nâng cao chất lượng dịch vụ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách trong tương lai.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương phấn đấu đến năm 2030, hỗ trợ cho khoảng 20 dự án xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp khách sạn, 10 dự án xây dựng homestay, 10 dự án xây dựng mô hình vườn cây ăn quả, cơ sở sản xuất nghề truyền thống kết hợp với kinh doanh du lịch.
Ngoài ra, hỗ trợ gần 100 người lao động trên 18 tuổi ở tỉnh được đào tạo nghề du lịch và khoảng 50 lớp bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực; tổ chức 60 chương trình xúc tiến du lịch trong nước, 30 chương trình xúc tiến du lịch nước ngoài.
Đối với dự án sửa chữa, nâng cấp, mức hỗ trợ từ 30 triệu đồng/phòng ngủ, tối đa từ 2,4-3 tỷ đồng/dự án. Còn đối với chính sách hỗ trợ xây dựng homestay, Sở đề xuất tỉnh có chính sách hỗ trợ 100 triệu đồng/công trình xây dựng mới và 50 triệu đồng/công trình nâng cấp, cải tạo.
Mục tiêu là thu hút đầu tư vào các sản phẩm du lịch đặc sắc như mô hình vườn cây ăn quả và cơ sở sản xuất nghề truyền thống...
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, công tác tuyên truyền, xúc tiến du lịch là hết sức quan trọng song chưa được thực hiện thường xuyên và chuyên nghiệp.
Để khắc phục tình trạng này, Sở đề xuất hỗ trợ 20% chi phí tham gia chương trình xúc tiến du lịch, với mức hỗ trợ tối đa từ 30-100 triệu đồng tùy theo quy mô và địa điểm chương trình. Mục tiêu là quảng bá hình ảnh du lịch Bình Dương đến với đông đảo du khách và nhà đầu tư...
Việc đẩy mạnh phát triển du lịch tại Bình Dương là một bước đi chiến lược và mang tính bền vững. Những đề xuất chính sách để kích cầu du lịch không chỉ tập trung vào việc phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo từ các mô hình vườn cây ăn quả và cơ sở sản xuất nghề truyền thống mà còn thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Qua đó, giúp Bình Dương nâng cao thương hiệu du lịch, thu hút đầu tư và khách du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống người dân địa phương, xây dựng một cộng đồng du lịch chuyên nghiệp, bền vững, góp phần vào sự phát triển toàn diện của tỉnh.