Cấp bách tiêm vaccine để ngăn dịch sởi
Hiện nhiều địa phương đang gia tăng nhanh chóng số ca mắc sởi. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, cần cấp bách tiêm vaccine ngừa sởi để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong điều kiện thời tiết giao mùa.
Trẻ mắc sởi tăng cao
Kết quả giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay, số ca mắc sởi đang tăng nhanh trong 2 tuần gần đây. Nếu như trong 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố chỉ ghi nhận 2 ca bệnh sởi, thì đến tháng 11/2024 số ca mắc đã tăng lên từ 16 - 25 ca/tuần. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, số ca mắc sởi của Hà Nội là 87 trường hợp tại 23 quận, huyện; trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh. Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh đều chưa được tiêm phòng vaccine sởi. Đáng chú ý, trong đó có một số trường hợp mắc bệnh do lây nhiễm trong bệnh viện.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay nay đã tiếp nhận, điều trị cho gần 100 bệnh nhi mắc sởi, trong đó có nhiều trẻ 6-7 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng sởi. BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) lo ngại, sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng. Do đó, trẻ bị sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng…
Theo báo cáo của Bộ Y tế, bệnh sởi bùng phát ở TPHCM từ đầu năm 2024 đến nay với 1.858 ca mắc, 3 ca tử vong; số ca mắc sởi từ tỉnh khác đến là 3.052 trường hợp, 1 người tử vong. TPHCM đã công bố dịch sởi vào tháng 8 năm nay và mở chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ em trên toàn địa bàn. Bộ Y tế cũng đồng ý phê duyệt cho TPHCM tiêm vaccine sởi cho trẻ em chưa đến tuổi tiêm chủng mở rộng (từ 9 tháng trở xuống). Tuy nhiên, đến nay, TPHCM vẫn ghi nhận hơn 200 ca mắc sởi trong 1 tuần vừa qua. Sở Y tế TPHCM cho hay, đến nay đã có 98,5% trường học hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine sởi. Tuy nhiên, qua rà soát vẫn còn tình trạng bỏ sót trẻ cần tiêm trong chiến dịch tại trường học. Điều này cho thấy, dù đã đạt tỷ lệ tiêm phòng theo kế hoạch đề ra, nhưng ca mắc sởi ở độ tuổi tiêm chủng trong chiến dịch vẫn tiếp tục xuất hiện.
Lý giải về nguyên nhân trẻ nhỏ mắc sởi dễ trở nặng, các chuyên gia y tế cho rằng, trẻ em có hệ miễn dịch kém nên virus sởi dễ dàng nhân lên và tấn công các cơ quan. Bên cạnh đó, virus sởi cũng gây suy giảm 20-70% lượng kháng thể chống lại mầm bệnh khác. Do đó, trẻ mắc sởi dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn khác như: Lao, bạch hầu, ho gà, phế cầu, tụ cầu… gây biến chứng nặng nề hơn. Trong các biến chứng thì viêm phổi nặng là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất khi mắc sởi. Ngoài ra, trẻ mắc sởi còn có thể gặp biến chứng xảy ra muộn là viêm não bán cấp gây rối loạn hành vi, tâm thần…
Người lớn cũng có thể mắc sởi
Đáng lưu ý, ngoài sự bùng phát mạnh mẽ trên trẻ em tại nhiều địa phương cả nước thì không ít người trưởng thành cũng đã phải nhập viện do dịch bệnh này. Một ca bệnh cụ thể, bệnh nhân nam N.V.T (56 tuổi, ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhập khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) trong tình trạng khó thở, sốt cao, phát ban ở vùng đầu, mặt và cổ sau chuyển biến suy hô hấp cấp. Trước đó, bệnh nhân đến khám ở cơ sở y tế tuyến dưới và được chuyển đến Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương).
Khi nhập viện, bệnh nhân vẫn sốt cao, phát ban, tiêu chảy nhiều, bội nhiễm nhiễm trùng. Sau 1 ngày nhập viện, tình trạng bệnh nhân tiếp tục chuyển biến nặng hơn với tình trạng suy hô hấp cấp. Bệnh nhân ngay lập tức được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực can thiệp hỗ trợ thở ô xy lưu lượng cao và được chẩn đoán mắc sởi biến chứng suy hô hấp tiến triển nhanh ở người lớn. Các triệu chứng bệnh sởi được xác định rõ ràng, xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh sởi.
BS Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) cho biết, bệnh sởi ở người lớn ít khi xảy ra. Tuy nhiên, bệnh sởi có thể gặp ở người lớn có yếu tố nguy cơ như: Người chưa được tiêm vaccine phòng sởi; người suy giảm miễn dịch sởi theo thời gian; người có bệnh nền… Tương tự như trẻ em, bệnh sởi ở người lớn chủ yếu là điều trị triệu chứng, kết hợp với các vấn đề vệ sinh và chế độ dinh dưỡng.
Các chuyên gia y tế cũng chỉ ra có 3 nhóm nguy cơ cao nhiễm sởi gồm: Người lớn chưa có miễn dịch; Trẻ từ 6-17 tuổi, trong độ tuổi này trẻ thường tham gia các hoạt động tập thể như học tại trường, tham gia các lớp học hoặc các sự kiện đông người như dã ngoại, câu lạc bộ. Nếu chưa tiêm vaccine đầy đủ hoặc chưa tiêm vaccine phòng sởi, trẻ dễ mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây; Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, do các em có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, dễ gặp biến chứng nặng khi mắc bệnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới, biến chứng nghiêm trọng nhất thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và người lớn trên 30 tuổi.
Bệnh sởi đã có vaccine phòng ngừa và mấy năm qua chỉ rải rác người mắc. Nhưng năm 2024, bệnh sởi bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, chuyển hướng mắc nhiều ở nhóm trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng và người lớn. Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, vừa qua Thủ tướng đã ký ban hành Công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi. Trong đó yêu cầu các địa phương khẩn trương tổ chức tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các địa bàn có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh sởi thấp; không bỏ sót các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ vaccine sởi.