Quốc tế

Trẻ em trong một thế giới nhiều thách thức

Thế Tuấn 26/11/2024 10:22

Khi năm 2024 sắp đi qua, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã lên tiếng cảnh báo 3 yếu tố lớn đe dọa sức khỏe trẻ em toàn cầu, gồm nhân khẩu học, biến đổi khí hậu và công nghệ. Cùng đó, thừa cân, béo phì, xung đột vũ trang và nạn đói cũng đe dọa tới sự phát triển của trẻ em.

Anh bai tren 16
Người mẹ bế đứa con suy dinh dưỡng tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Kelafo (Ethiopia).

Theo UNICEF, số trẻ em ở một số khu vực nghèo nhất sẽ có thể tăng mạnh, đặc biệt là khu vực cận Sahara của châu Phi. Số trẻ em tăng là yếu tố giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ sức lao động dồi dào. Song, điều này chỉ có thể xảy ra khi thế hệ trẻ được tiếp cận với nền giáo dục, chăm sóc sức khỏe và việc làm chất lượng.

Mặt khác, nếu xu hướng phát thải khí nhà kính tiếp tục gia tăng như hiện nay, theo UNICEF, đến năm 2050, trẻ em có thể phải đối mặt với nhiều đợt nắng nóng gấp 8 lần so với năm 2000 và lũ lụt nguy hiểm gấp 3 lần.

Ngoài ra, sự phát triển không kiểm soát của các loại hình công nghệ mới khiến các em dễ trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công trên mạng, gây sang chấn tâm lý, trầm cảm, tự gây tổn thương hay hủy hoại bản thân. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, trẻ em chiếm 15% trong số các nạn nhân của tình trạng bạo lực trên mạng được báo cáo, chưa kể những nguy cơ tiềm tàng khác.

Trong khi đó, Liên đoàn bệnh béo phì thế giới (VOF) cho biết, theo tính toán số bé trai bị béo phì tại châu Âu sẽ tăng 61% và số bé gái bị béo phì sẽ tăng 73% trong thời gian từ năm 2020 đến 2035.

Theo WOF, thừa cân và béo phì gây ra hơn 1,2 triệu ca tử vong mỗi năm tại 53 quốc gia châu Âu và khu vực Trung Á. Hiện khoảng 33% trẻ em ở độ tuổi Tiểu học trong khu vực này bị béo phì hoặc thừa cân. Vẫn theo WOF, đến năm 2035, thừa cân và béo phì ở mọi lứa tuổi dự kiến sẽ tiêu tốn của khu vực nói trên không dưới 800 tỷ USD mỗi năm.

Để ngăn chặn sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh béo phì, Văn phòng phụ trách khu vực châu Âu của WHO (WHO/Europe) đã xác định 3 hành động cụ thể, bao gồm phòng ngừa với việc bắt đầu sớm các nỗ lực nhằm giảm béo phì ở trẻ em, trong thời kỳ phụ nữ mang thai và sơ sinh; điều chỉnh ngành thực phẩm và đồ uống với việc áp dụng các chính sách hiệu quả nhất để chống béo phì ở trẻ em như đánh thuế đối với đồ uống có đường, yêu cầu ghi nhãn rõ ràng trên bao bì và hạn chế tiếp thị thực phẩm không lành mạnh cho trẻ em; khuyến khích hoạt động thể chất bằng cách hướng tới việc tăng cường hoạt động thể chất trong chương trình giảng dạy ở trường học và các hoạt động ngoại khóa.

Theo WHO/Europe, trẻ em hiện nay ngày càng lớn lên trong môi trường khiến các em khó có thể ăn uống đúng cách và hoạt động phù hợp. Đây là một trong những nguyên nhân gốc rễ gây ra “đại dịch” béo phì, đồng thời nhấn mạnh cho đến nay nhiều quốc gia đã thất bại trong việc đảo ngược tỷ lệ béo phì ở trẻ em vốn đang ngày càng tăng. Cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này vẫn đang lan rộng và cần phải có biện pháp ứng phó trước khi trở nên khó giải quyết hơn khi mà thừa cân và béo phì là một trong những nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường tuýp 2 và hô hấp mãn tính.

Trong những thách thức đối với trẻ em hiện nay, UNICEF cũng cho rằng đó còn là xung đột vũ trang và biến đổi khí hậu. Ước tính của Liên hợp quốc, hiện có khoảng 400 triệu trẻ em toàn cầu, tức là cứ 5 trẻ em thì có 1 trẻ đang sống trong xung đột hoặc phải chạy trốn khỏi các khu vực xung đột. Bà Catherine Russell (UNICEF) nhấn mạnh: "Trẻ em không gây ra chiến tranh, xung đột và các em hoàn toàn không có khả năng ngăn chặn chiến tranh, xung đột, nhưng các em lại là những người gánh chịu hậu quả nặng nề, cả trực tiếp và gián tiếp”.

Ước tính hơn 1 tỷ trẻ em hiện đang sống ở những quốc gia có "nguy cơ cực kỳ cao" trước tác động của biến đổi khí hậu. Một báo cáo của UNICEF cho thấy, cứ 3 trẻ em thì có 1 trẻ (tương đương 739 triệu trẻ em trên toàn thế giới) đang sống ở những khu vực có tình trạng khan hiếm nước ở mức cao hoặc rất cao, trong đó có khoảng 436 triệu trẻ em đang sống ở những khu vực có nguy cơ bị tổn thương do thiếu nước.

Trẻ em đang sống trong một thế giới ngày càng nhiều thách thức nhưng bản thân các em không thể tự giải quyết. Năm 2024 xung đột vũ trang ở nhiều nơi trên thế giới, bão lũ tàn phá... trẻ em càng bị thiệt thòi, dễ bị tổn thương hơn.

Theo một báo cáo của UNICEF và Ngân hàng Thế giới (WB), trên thế giới có khoảng 345 triệu trẻ đang phải sống trong cảnh đói nghèo cùng cực. Khoảng 17% số trẻ em trên thế giới vẫn sống với mức chưa đầy 2,15 USD/ngày. Thực tế này là thách thức đối với mục tiêu đầy tham vọng của Liên hợp quốc là đến năm 2030 sẽ xóa bỏ hoàn toàn nghèo đói cùng cực ở trẻ em. Khu vực phía Nam sa mạc Sahara châu Phi có tới 40% số trẻ em vẫn sống nghèo đói cùng cực - tỷ lệ cao nhất toàn cầu. Theo UNICEF, “đói nghèo cùng cực” là người có mức thu nhập dưới 2,15 USD/ngày.

Thế Tuấn