Kinh tế

Thách thức từ các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới

T.Hằng 26/11/2024 10:29

Khi hàng loạt sàn bán lẻ trực tuyến từ các doanh nghiệp (DN) nước ngoài nở rộ, DN nội địa phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có, đẩy các DN đến ngã rẽ: thích nghi để tồn tại hay tụt hậu ngay trên sân nhà.

ảnh trên
Thương mại điện tử ngày càng phát triển. Ảnh: M.H.

Khó khăn trong việc nắm dữ liệu khách hàng

Ông Trương Gia Bảo - Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam dẫn chứng, người dùng đang dành nhiều giờ online hơn, vì vậy tiền chi cho quảng cáo cũng theo xu hướng này. Chi tiêu quảng cáo tại thị trường quảng cáo Việt Nam dự kiến đạt 2.763 triệu USD vào năm 2024. Với xu hướng kỹ thuật số đang phát triển hiện nay, dự kiến đến năm 2029 có đến 60% tổng chi tiêu quảng cáo sẽ đến từ các nguồn kỹ thuật số.

Tuy nhiên, hiện ngân sách quảng cáo chủ yếu đến từ DN ngoại, với số tiền “khủng”, cách tiếp cận chủ động và áp đảo thị trường trực tuyến trong nước, đồng thời có hiện tượng chuyển doanh thu qua biên giới. Trong khi đó, DN Việt định hướng chiến lược marketing chưa chuyên sâu. DN cũng chưa chủ động được công nghệ đa phần thông qua các bên trung gian nên chi phí bị đội lên và khó khăn trong việc nắm bắt dữ liệu khách hàng.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao phân tích trong 5 sàn thương mại điện tử (TMĐT) hàng đầu ở Việt Nam bây giờ có đến 4 sàn đều nằm trong sự ảnh hưởng hay chủ quản của người Trung Quốc và có mức tăng trưởng rất đáng kể.

Nếu quan sát tình hình hiện tại trên thị trường TMĐT ở Việt Nam sẽ thấy hàng Trung Quốc đang chiếm phần lớn doanh số và hàng Việt đang đối mặt cạnh tranh gay gắt trên sân nhà. Cho nên các DN Việt ngoài việc tìm ra các giải pháp để tăng sức cạnh tranh khi bán hàng trước mối lo hàng Trung Quốc giá rẻ thì cũng cần lưu tâm nhiều hơn đến những yếu tố “ngầm” đằng sau hành vi chuyển kênh mua sắm.

Hỗ trợ doanh nghiệp

Tại một hội thảo mới đây khi chia sẻ về hành trình xây dựng thương hiệu Việt trong bối cảnh TMĐT ngày càng phát triển, ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc Công ty Meet More, một trong những đơn vị tiên phong đưa nông sản Việt chế biến sâu ra thế giới cho biết, đây là hình thức mới. Trong hành trình đưa nông sản Việt chế biến sâu ra thế giới, ông Luận từng học livestream và làm nội dung cùng các bạn trẻ Gen Z để tìm ra công thức riêng phù hợp với DN của mình.

DN cũng tự tổ chức các phiên livestream giới thiệu sản phẩm OCOP từ Cần Giờ đến chợ Bến Thành và thông qua các chương trình giúp doanh nghiệp Việt thử nghiệm và thích nghi với xu hướng TMĐT.

Theo ông Luận, việc sử dụng thương hiệu OCOP là một bước tiến quan trọng để nâng tầm hàng Việt, tạo sức bật để cạnh tranh trên sàn TMĐT lẫn thị trường quốc tế.

Mặt khác, theo ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TPHCM, Việt Nam là đất nước xuất khẩu, việc phát triển hạ tầng logistics là rất cần thiết; vị trí địa lý lại quan trọng, đường biển có lợi thế để phát triển rất lớn. Do đó, bên cạnh những dự án lớn phải làm thì những kho chuyên biệt phải được đầu tư mạnh hơn để hỗ trợ tốt cho xuất khẩu xuyên biên giới.

“Đặc biệt, công nghệ giúp chúng ta vượt qua rào cản ngôn ngữ. Một người ngồi một chỗ có thể livestream đến 40 quốc gia, với 40 ngôn ngữ địa phương. Do đó, nếu chúng ta tận dụng tốt công nghệ sẽ dễ giành thắng lợi”- ông Hùng nói.

Ông Đỗ Hữu Hưng - CEO ACCESSTRADE, cho rằng DN Việt cần tạo ra giá trị khác biệt mà các nền tảng TMĐT Trung Quốc không thể có. Các DN cần tập trung vào những sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm tận dụng nguyên liệu địa phương để tạo ra sự khác biệt và thu hút người tiêu dùng.

Ủy viên BCH Hiệp hội TMĐT Việt Nam Nguyễn Bình Minh cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần hỗ trợ các DN về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo hành lang pháp lý quản lý chặt chẽ hoạt động TMĐT xuyên biên giới; tăng cường kiểm tra, giám sát ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế qua TMĐT, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm công bằng cho DN trong nước.

Vụ trưởng Vụ DN nhỏ, cá nhân, hộ kinh doanh Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng với quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định 52/2013/NĐ-CP thì thương nhân, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT phải cung cấp các thông tin như: Tên và địa chỉ kinh doanh/địa chỉ thường trú; đăng ký kinh doanh/ mã số thuế; số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác là yêu cầu bắt buộc trong công tác quản lý kinh doanh của sàn TMĐT, từ đó đáp ứng yêu cầu quản lý trong công tác quản lý thuế. Tuy nhiên, qua phân tích số liệu thu thập được do các sàn TMĐT cung cấp, cơ quan thuế nhận thấy dữ liệu của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT phần lớn không đầy đủ, thiếu tin cậy, thiếu thông tin về giá trị giao dịch, không có thông tin về lượt giao dịch thành công, vì vậy cần thiết phải rà soát lại trước khi sử dụng phục vụ cho công tác quản lý thuế.

T.Hằng