Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Đã thu trên 22 nghìn tỷ đồng trong các vụ án kinh tế, tham nhũng

Quang Vinh, Việt Thắng 26/11/2024 11:01

Ngày 26/11, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh báo cáo về công tác thi hành án năm 2024.

Báo cáo về kết quả thi hành án dân sự năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, tổng số việc phải thi hành là 1.023.131 việc, có điều kiện thi hành là 741.240 việc. Đã thi hành xong 621.568 việc (tăng 45.901 việc so với năm 2023), đạt tỷ lệ 83,86%. Tổng số tiền phải thi hành là trên 500 nghìn tỷ đồng, có điều kiện thi hành trên 228 nghìn tỷ đồng. Đã thi hành xong trên 117 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 27 nghìn tỷ đồng so với năm 2023), đạt tỷ lệ 51,46%; Đã thi hành xong 6.252 việc, thu được hơn 30 nghìn tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, ông Ninh cho hay, đã thi hành xong 9.211 việc, thu được trên 22 nghìn tỷ đồng đối với các khoản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng. Bên cạnh đó, đã tiếp 7.359 lượt công dân; tiếp nhận 12.486 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, đã giải quyết xong 2.398 việc thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 96,65%.

Ngoài ra, ông Ninh nhìn nhận, việc xử lý vật chứng, tài sản để thi hành án trong một số vụ việc còn chậm. “Một số vụ việc thi hành án tham nhũng, kinh tế có số lượng đương sự lớn, tài sản phải xử lý nhiều, ở nhiều địa phương khác nhau, tính chất pháp lý phức tạp làm phát sinh khối lượng công việc rất lớn, trong khi đó nguồn nhân lực để thực hiện không đủ, dẫn đến quá tải. Số đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về thi hành án dân sự vẫn còn nhiều”-ông Ninh thừa nhận.

z6069586866962_1cdcd2c70a8957f6222a82611484fa2f.jpg
Ông Nguyễn Hải Ninh báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh)

Nguyên nhân, theo ông Ninh là do số việc và tiền thụ lý mới tăng cao so với các năm trước; một số quy định pháp luật còn chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục kê biên, xử lý tài sản bảo đảm để thi hành án.

Về kết quả thi hành án hành chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho hay, các cơ hành chính nhà nước đã thi hành xong 896 bản án, quyết định (tăng 314 so với năm 2023). Các cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện theo dõi 1.978 bản án, quyết định, trong đó, ban hành 1.361 văn bản tự nguyện thi hành án; làm việc với người phải thi hành án trong 1.305 bản án; đăng tải công khai 657 quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án; ban hành 175 văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đói với người phải thi hành án.

Ông Ninh cũng đánh giá mặc dù kết quả đã tăng cao so với cùng kỳ năm 2023 nhưng việc thi hành án hành chính trong một số trường hợp vẫn còn chậm; số bản án, quyết định hành chính chưa thi hành xong vẫn còn nhiều, hầu hết đều liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhiều vụ việc xảy ra đã lâu, quá trình tổ chức thi hành phải thực hiện lại trình tự, thủ tục liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong khi nhiều quy định, chính sách pháp luật về lĩnh vực này đã thay đổi; một số người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước chưa có sự quan tâm, sâu sát trong thực hiện các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính và thi hành án hành chính.

Liên quan đến công tác thi hành án phạt tù, ông Ninh thông tin tính đến ngày 30/9/2024 còn 206.090 người có án phạt tù. Các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ đã tiếp nhận, phân loại và quản lý đối với 88.680 phạm nhân đến chấp hành án; đã khám, cấp phát thuốc cho trên 5 triệu lượt phạm nhân; điều trị tại bệnh xá tạm giam cho hơn 23 nghìn lượt phạm nhân; chuyển khám, điều trị tại các bệnh viện cho 3.613 lượt phạm nhân.

Bên cạnh đó, đã lập hồ sơ đề nghị Toà án nhân dân cấp tỉnh ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho 116 phạm nhân; lập hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho 86.152 phạm nhân; lập hồ sơ, đề nghị và được Toà án nhân dân có thẩm quyền quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện cho 2.055 phạm nhân. “Tổng số người chấp hành án hình sự tại cộng đồng là 72.964 người, hiện còn 43 người đang chấp hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh”-ông Ninh cho biết.

Quang Vinh, Việt Thắng