Tín hiệu mới từ sân khấu truyền thống
Rạp Hồng Hà có 3 đêm sáng đèn với 1.000 chỗ ngồi được lấp kín khi biểu diễn vở tuồng “Đối diện với vô cùng”; Nhà hát Múa rối Việt Nam vượt mốc hơn 1.000 suất diễn mỗi năm... Những tín hiệu đáng mừng cho thấy khán giả đang được tiếp cận với sân khấu truyền thống theo cách thức sáng tạo, hấp dẫn hơn.
1,2 triệu đồng vẫn “cháy vé”
Nền tảng văn hóa Lên Ngàn hợp tác với Nhà hát Tuồng Việt Nam cùng biên đạo múa Tú Hoàng vừa xây dựng và tổ chức biểu diễn vở “Đối diện với vô cùng”, với sự phối hợp của các nghệ nhân, nghệ sĩ tuồng và nghệ sĩ múa đương đại người Việt đã thành danh ở châu Âu.
Một điều vô cùng bất ngờ, khoảng 1.000 chỗ ngồi đã được lấp kín trong 3 đêm sáng đèn tại rạp Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trong đó, hạng ghế VIP có giá khá cao; 1,2 triệu đồng/vé nhưng đã hết rất sớm. Đáng mừng hơn, khán giả có mặt trong các đêm diễn không chỉ là những người trung niên, cao niên mà có sự xuất hiện của rất nhiều bạn trẻ. Một sự khởi sắc không thể vui hơn cho sân khấu Tuồng truyền thống; cho rạp Hồng Hà vốn thường ngày vẫn lặng lẽ trên con phố đông người, sầm uất...
Ông Nguyễn Quốc Hoàng Anh - Giám đốc dự án “Đối diện với vô cùng” chia sẻ: “Trước đây mà nói đi xem tuồng hay xem múa đương đại có bán vé với giá lên tới 1,2 triệu đồng thì quả thật là rất xa vời. Thế nhưng, thật may mắn là với chiến lược xây dựng sản phẩm, nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng, hơn 1.200 vé đã được bán hết trong 3 đêm”.
Còn tại Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024 vừa diễn ra, vở diễn “Thiếu phụ Nam Xương” của NSND Doãn Hoàng Giang viết dựa theo truyện “Người con gái Nam Xương” trong tập truyện “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả bởi sự kết hợp khéo léo giữa truyền thống và hiện đại trong cách dàn dựng của đạo diễn.
Thời gian gần đây, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng thực hiện nhiều giải pháp để đưa nghệ thuật tuồng đến với khán giả trẻ qua việc tổ chức các sự kiện, hội thảo, các dự án, liveshow, chương trình biểu diễn, để người trẻ hiểu và thấy gần gũi hơn với nghệ thuật tuồng.
Cùng với tuồng, chèo, cải lương, múa rối… cũng đang được các đơn vị nghệ thuật đầu tư về kịch bản, dàn dựng công phu với nhiều sáng tạo độc đáo, có chất lượng nghệ thuật cao để thu hút khán giả, nuôi dưỡng sức sống của sân khấu truyền thống. NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, trong bối cảnh phải cạnh tranh gay gắt với nhiều loại hình giải trí hiện đại khác, việc đổi mới về mọi mặt của sân khấu biểu diễn nghệ thuật truyền thống là vô cùng cần thiết, trong đó áp dụng công nghệ hiện đại cũng là một cách thức làm tăng tính hấp dẫn cho tác phẩm.
Vở diễn “Cánh cửa hé mở”, khai thác chủ đề về công nghệ biến đổi gen và trí tuệ nhân tạo (AI) mà Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa ra mắt khán giả chính là minh chứng cho sự đổi mới đó. Một tác phẩm đậm màu sắc viễn tưởng, lạ lẫm nhưng rất thuyết phục. “Với nghệ sĩ, đây là một phép thử, tạo nguồn cảm hứng mãnh liệt. Nghệ thuật không có giới hạn, song song với bảo tồn cải lương truyền thống, chúng tôi tìm mọi cách để phát triển nó trong thời gian tới” - NSND Triệu Trung Kiên nói.
Sân khấu cải lương TPHCM cũng đang có những tín hiệu tích cực từ những người trẻ. Mới đây, Dương Khôn - sinh viên lớp đạo diễn sân khấu khóa 6 (2018 - 2022), Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM được nhiều người biết đến khi mạnh dạn đầu tư gần 500 triệu đồng để dàn dựng vở cải lương “Truyền tích Cổ Loa xưa”. Cái hay là vở diễn vừa giữ được vẹn nguyên những giá trị đặc sắc của sân khấu cải lương truyền thống, lại vừa có nét tươi mới, hấp dẫn, cuốn hút được người trẻ.
Sự trở mình ngoạn mục
Một số khán giả trẻ nhận xét, “Đối diện với vô cùng” không đơn thuần là một vở tuồng truyền thống mà còn là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại một cách rất tự nhiên, không gượng ép. Ánh sáng và màu sắc sân khấu đã lột tả được hết tâm lý của nhân vật, chạm được vào cảm xúc của người xem. Có thể đánh giá đó là một sự kết hợp hoàn hảo giữa vũ đạo, âm nhạc đương đại với các chất liệu nghệ thuật tuồng, mang đến một món ăn tinh thần mới lạ, hấp dẫn cho khán giả.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, thời gian qua các đơn vị nghệ thuật liên tục làm mới mình để hút khán giả, đây là một xu hướng rất tốt và tích cực. Đặc biệt là đối với các nghệ sĩ trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Họ đã có những sự đổi mới, tư duy làm việc chuyên nghiệp hơn. Qua đó tạo được những hiệu ứng rất tốt trong đời sống xã hội, kéo người trẻ đến gần hơn với nghệ thuật truyền thống.
Sự trở mình ngoạn mục của nghệ thuật truyền thống ngoài nỗ lực của các đơn vị nghệ thuật còn là tình yêu, sự năng động, sáng tạo của người trẻ trên nền tinh hoa nghệ thuật của cha ông. Tuy nhiên, bà Phương cho rằng, để thu hút khán giả, mỗi chương trình, vở diễn cần phải sáng tạo phù hợp với nhu cầu thị hiếu về hưởng thụ văn hóa của giới trẻ. Cùng với đó là hiệu ứng về công nghệ; địa điểm biểu diễn cũng là một yếu tố rất quan trọng. Và những người trẻ đang làm rất tốt điều đó. Sự sáng tạo và cách làm mới của họ đã từng bước rút ngắn khoảng cách giữa công chúng với nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Theo chia sẻ của lãnh đạo các nhà hát tại buổi làm việc rà soát lại “Kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2024” vừa qua tại Hà Nội đã cho thấy những tín hiệu khởi sắc đáng ghi nhận của các đơn vị, nhà hát trực thuộc Bộ khi một số nhà hát đã vượt kế hoạch dự kiến, đạt được những thành tích đáng mừng. Nhiều vở diễn được dàn dựng mang phong cách nghệ thuật hiện đại nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ khán giả.
Sau 4 MV “Xẩm Hà Nội”, “Xẩm Xuân xanh”, “Xẩm Xuân chúc phúc”, “Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội”, ca sĩ Hà Myo đã nhận được khá nhiều lời mời hát xẩm theo phong cách mới trên các sân khấu lớn. Sự thành công của Hà Myo là chính bởi tư duy dám làm, dám thử nghiệm, sáng tạo trên nền nghệ thuật truyền thống. Còn nghệ sĩ Phó An My, từ thành công ngoài mong đợi khi lần đầu tiên kết hợp piano với hầu đồng, cứ 2 năm 1 lần cô lại có một buổi trình diễn thu hút rất nhiều khán giả tìm đến thưởng thức.