Nhà văn/ nhà thơ Nguyễn Quang Hưng: Ngăn chặn vi phạm bản quyền trên mạng
Nhân dịp “Tuần lễ sách và chuyển đổi số” do Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM tổ chức, hai cuốn sách “Thời đàm văn hoá văn nghệ” và “Những người cầm tinh hoa” (Sbooks và NXB Văn Học) của nhà văn/ nhà thơ Nguyễn Quang Hưng được giới thiệu và ra mắt tại Đường sách Nguyễn Văn Bình. Bên cạnh phương thức xuất bản theo truyền thống (sách giấy), anh cũng ký hợp đồng để sách của mình chuyển sang một cách thức mới: sách nói, sách điện tử.
“Tôi đã ký hợp đồng để đơn vị có thể sử dụng, mở rộng thêm hình thức truyền tải và cách thức tiếp cận bạn đọc. Mong rằng cách làm mới này có thể đáp ứng nhu cầu nghe của công chúng trong điều kiện không thuận lợi cho việc đọc bằng mắt hoặc muốn trải nghiệm cách tiếp nhận khác với cách đọc sách giấy truyền thống, như khi đang làm việc nhà, khi đi dạo, khi đang nghỉ ngơi, thư giãn, khi ở quán cafe, hoặc đối với trẻ em trong giờ giải lao ở nhà hay trước khi đi ngủ…”, Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng chia sẻ.
Cuối tháng 10 vừa qua, TP HCM khai mạc Tuần lễ sách và chuyển đổi số, nhằm hưởng ứng ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2024. Sự phát triển phong phú của công nghệ, trong đó có không gian mạng đã kéo sự chú ý của con người vào các loại hình giải trí thông qua chiếc điện thoại thông minh, vì vậy, để đáp ứng được thị hiếu, nhiều hình thức đọc mới ra đời như: sách nói (audio book), sách tương tác, sách thực tế ảo và đặc biệt là sách điện tử (e-book). Theo ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành - Bộ Thông tin và Truyền thông: “Hoạt động xuất bản điện tử vẫn đang là xu thế phát triển chính tại hầu hết các nước trên thế giới với tốc độ tăng trưởng đáng kể trong những năm qua. Theo báo cáo của nền tảng dữ liệu và kinh doanh thông minh toàn cầu (Statista), doanh thu từ thị trường sách điện tử dự kiến sẽ đạt 14,16 tỷ USD vào năm 2023. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, số độc giả sử dụng sách điện tử thường xuyên sẽ vượt mốc 1,1 tỷ người dùng và sẽ dự kiến đạt 15,33 tỷ USD vào năm 2027”. Tuy nhiên ở Việt Nam, bên cạnh những việc thuận lợi khi văn hoá đọc được phát triển trong thời đại công nghệ số, còn rất nhiều những vấn đề cần giải quyết, trong đó, vấn đề vi phạm bản quyền tác giả vẫn đang nan giải…
Sự phát triển phong phú của công nghệ, trong đó có không gian mạng đã kéo sự chú ý của con người vào các loại hình giải trí thông qua chiếc điện thoại thông minh, theo nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, thực tế này cần có khảo sát của các nhà xã hội học, truyền thông, tâm lý học… Còn với quan sát bình thường, chúng ta dễ dàng nhận thấy việc sử dụng, sự gắn bó, thậm chí lệ thuộc của đông đảo mọi người với điện thoại thông minh: “Điều này từ lâu đã dấy lên những lo lắng về việc hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến con người từ các khía cạnh thời gian, sức khỏe, quan hệ xã hội, đạo đức, tâm lý… Ở một chiều hướng khác, việc nghiên cứu phát triển những tiện ích qua điện thoại thông minh, những nội dung hữu ích có thể mở ra từ cánh cửa này lại là điều được khuyến khích nhằm tăng chất lượng cuộc sống cũng như có tác động tốt vào đời sống tinh thần của người sử dụng. Tôi nghĩ rằng, làm sao để giảm bớt được những yếu tố nhìn để mọi người đỡ phải cắm cúi vào chiếc điện thoại đến mức không nhìn gì đến xung quanh, mà tăng lên các yếu tố nghe, để nó có thể như một chiếc đài bỏ túi, một phương tiện giải trí đáp ứng các yếu tố nghe, thì như thế sẽ cân bằng, hài hòa hơn cho việc sử dụng, tương tác giữa người dùng và điện thoại. Như thế, tăng các sản phẩm nghe như âm nhạc, sách truyện, thông tin báo nói, các nội dung thông tin khoa học, tư vấn tâm lý, bình luận xã hội… một cách phù hợp, thuận tiện là hướng đi đáng để khai thác. Điều cần thiết là nghiên cứu được nhiều cách làm hay, truyền tải được nội dung đa dạng, cuốn hút. Tôi nghĩ, cũng chính nhằm đáp ứng thị hiếu công chúng trong thời đại công nghệ phát triển, ngoài ra với mục tiêu dẫn hướng, gợi mở, định hướng tiêu dùng mà thời gian qua, hình thức đọc-nghe mới như sách nói (audio book), sách tương tác, sách thực tế ảo và đặc biệt là sách điện tử (e-book) đã ra đời và đang được quan tâm”.
Tuy nhiên, khi sách được số hoá với nhiều hình thức như trên, vấn đề bản quyền đang được đặt ra và cần nỗ lực giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho tác giả cũng như nhà đầu tư, sản xuất.
“Đây cũng là vấn đề được nhắc tới với cả những băn khoăn và cảnh báo của nhà sản xuất, đại diện cơ quan quản lý ngành xuất bản trong lễ khai mạc Tuần lễ sách và chuyển đổi số tại Đường sách TP HCM vừa qua”. Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng chia sẻ. “Tất nhiên, vấn đề bản quyền, câu chuyện nhận thức, nạn sao chép, vi phạm ngay từ sách giấy cho đến thực trạng trên mạng được nhắc đến như một cửa ải cần được mở thông, như những đoạn đường gập ghềnh cần vượt qua. Nhà quản lý đã nêu vấn đề cần nghiên cứu phát triển các ứng dụng phát hiện, ngăn chặn vi phạm bản quyền trên mạng để bảo toàn cho sách ứng dụng công nghệ. Đặc biệt là cần có đội ngũ kỹ thuật giỏi, thành thạo và sáng tạo để làm chủ và phát huy hiệu quả các “vũ khí trên mạng” này. Tôi nghĩ đó cũng chính là trách nhiệm của bộ ngành chủ quản lĩnh vực truyền thông, xuất bản, của các sở truyền thông, thanh tra lĩnh vực xuất bản, truyền thông chứ không phải của riêng ai khác.
Khi việc xử lý vi phạm bản quyền với sách giấy vẫn còn dai dẳng thì với sách công nghệ, có lẽ sẽ còn nảy sinh những “cuộc chiến” mới giữa người làm sách, nhà xuất bản, nhà quản lý với những đối tượng, lực lượng rình trộm “hoa thơm quả ngọt” của nhà khác đem về khu vườn trống trải của nhà mình để thu lợi.
Với các nhà sách, nhà sản xuất, để bảo vệ “nồi cơm” - quyền lợi sát sườn của chính mình, bên cạnh các giải pháp công nghệ thì việc chủ động phát hiện, lên tiếng và đấu tranh mạnh mẽ, bền bỉ về mặt pháp lý để chống lại các hành vi vi phạm là việc cần thiết, không nên bỏ qua, thỏa hiệp hay tặc lưỡi “chịu đựng”. Tôi nghĩ ở đây, cũng cần có sức mạnh tổng hợp, tổng lực hơn của các nhóm đơn vị sản xuất, cũng như hiệp hội của ngành nghề xuất bản. Tôi nghĩ những nỗ lực như thế cũng chính là để các tác giả Việt Nam thêm yên tâm về bản quyền, mở rộng tư duy và sớm gia nhập thị trường sách đặc biệt này”.
Cũng chính vì lý do bản quyền và cũng vì thói quen, dù các hình thức đọc qua công nghệ số đang phát triển song chưa nhiều tác giả Việt Nam mặn mà với các hình thức phát hành sách mới này. Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cho rằng, chưa đến mức sách công nghệ gây ra cạnh tranh dữ dội hoặc lấn át sách giấy. Hình thức đọc truyền thống này vẫn được ưa chuộng và phổ biến. Trong tương lai, thói quen cũ thân thuộc và tình cảm vẫn sẽ tồn tại song song với xu hướng mới mẻ, hiện đại của sự lan tỏa công nghệ: “Việc hạn chế in sách giấy đối với các tác giả, tôi nghĩ có những lý do riêng đến từ địa hạt của riêng nó. Thí dụ như vấn đề giá giấy, công in đã tăng lên; như việc phát hành gặp nhiều khó khăn, nhất là với thơ, rất khó bán. Tất cả những điều này đều liên quan đến kinh phí. Ngoài ra còn những lý do riêng của cá nhân các tác giả trong việc cân nhắc, chọn lựa, nâng lên đặt xuống kỹ càng cho quyết định đưa đứa con tinh thần của mình ra đời. Tôi thấy vẫn nhiều người in sách giấy, nhưng số lượng ít”.
Bên cạnh đó, cảm xúc, tưởng tượng, tư tưởng khi đọc hay nghe sách, theo nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, đến từ nội dung tác phẩm nhiều hơn từ chất liệu. Giống như khi ta đọc những câu danh ngôn, những thông điệp hay trên bảng đồng, bia đá thì ta vẫn thấy thú vị, vẫn nhiều xúc cảm và gợi liên tưởng. Nhà thơ cho rằng, sự thân mật của người đọc với sách giấy, chủ yếu đến từ chất liệu giấy vốn lành, mềm, dịu và khô ráo, có thể hít ngửi mùi giấy mới, có thể mang theo tiện lợi cũng như có thể nhìn những trang giấy nhăn gập, ngả màu thời gian với những xúc cảm hoài niệm. Có lẽ, sự thân thuộc đó cũng có tính di truyền, truyền đời qua các thế hệ người:
“Nay xuất hiện sách nói, sách điện tử…, tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là nội dung hay để cuốn hút độc giả, thính giả. Nhưng cũng quan trọng không kém, là cách đọc, nhìn, nghe sách công nghệ qua các ứng dụng cần làm sao cho nhanh chóng, dễ khai thác để tạo sự tiện lợi cho công chúng. Nói rộng hơn một chút, thì các nhà sản xuất, phát hành cần làm sao cho sách công nghệ cũng có được sự thân mật, gieo cảm xúc như sách giấy đã có được. Ví dụ cũng ngay với việc phát hành sách giấy trên mạng như hai cuốn sách vừa ra mắt của tôi, nhiều bạn đã đặt mua qua hệ thống phát hành trên mạng, nhưng có một số độc giả cao tuổi không rành tra tìm và đặt theo cách đó nên nhắn hỏi tôi. Tôi hỏi lại Sbooks và các bạn cung cấp số điện thoại bộ phận chăm sóc khách hàng để người mua có thể gọi đặt sách qua điện thoại. Như thế, mở rộng và tiếp tục “nuôi” những cách tiếp cận khác nhau để các loại hình sách và kiểu phát hành đa dạng có thể phát huy tác dụng là điều mà người làm sách, phát hành sách rất nên chú trọng, duy trì lâu dài”.
Khi việc xử lý vi phạm bản quyền với sách giấy vẫn còn dai dẳng thì với sách công nghệ, có lẽ sẽ còn nảy sinh những “cuộc chiến” mới giữa người làm sách, nhà xuất bản, nhà quản lý với những đối tượng, lực lượng rình trộm “hoa thơm quả ngọt” của nhà khác đem về khu vườn trống trải của nhà mình để thu lợi. Với các nhà sách, nhà sản xuất, để bảo vệ “nồi cơm” - quyền lợi sát sườn của chính mình, bên cạnh các giải pháp công nghệ thì việc chủ động phát hiện, lên tiếng và đấu tranh mạnh mẽ, bền bỉ về mặt pháp lý để chống lại các hành vi vi phạm là việc cần thiết, không nên bỏ qua, thỏa hiệp hay tặc lưỡi “chịu đựng”. Tôi nghĩ ở đây, cũng cần có sức mạnh tổng hợp, tổng lực hơn của các nhóm đơn vị sản xuất, cũng như hiệp hội của ngành nghề xuất bản. Tôi nghĩ những nỗ lực như thế cũng chính là để các tác giả Việt Nam thêm yên tâm về bản quyền, mở rộng tư duy và sớm gia nhập thị trường sách đặc biệt này”.