4 ca tử vong do cúm A/H1pdm: Chuyên gia y tế khuyến cáo gì?
Mặc dù cúm A/H1pdm có tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều (dưới 1%) so với chủng cúm A/H5N1 nhưng tỷ lệ lây lan nhanh hơn, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế nếu bùng phát dịch...
Cúm A/H1pdm có tỷ lệ tử vong thấp
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Định, địa bàn tỉnh đã ghi nhận 9 ca dương tính với cúm A/H1pdm, trong đó 4 ca tử vong. Ca bệnh mắc Cúm A/H1pdm chuyển nặng, tử vong có dấu hiệu tăng nhanh trong hai tuần gần đây.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, BS. Lê Văn Thiệu (Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, hiện nay, cúm A/H1pdm đã trở thành một trong những virus cúm mùa thông thường.
Cúm A/H1N1 là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính thuộc dạng cúm theo mùa do chủng virus cúm A/H1N1 (tên khoa học virus pdm09 (A)) gây ra. Tên gọi phân nhóm H1N1 là liên quan đến loại protein kháng nguyên trên vỏ virus: protein hemagglutinin nhóm 1 (H1) và neuraminidase nhóm 1 (N1).
Ban đầu, bệnh cúm A H1N1 còn được gọi là “cúm lợn” vì các nhà khoa học cho rằng chủng virus này có nguồn gốc từ lợn. Tuy nhiên, thực tế chủng virus này kết hợp từ các nguồn virus khác nhau: lợn, chim, người và gây ra bệnh ở người.
Mặc dù cúm A/H1pdm có tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều (dưới 1%) so với chủng cúm A/H5N1 nhưng tỷ lệ lại lây lan nhanh hơn, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế nếu bùng phát dịch.
"Đa số người mắc chủng cúm này có thể có triệu chứng nhẹ, tự dùng thuốc nên không có thống kê. Cúm mùa vẫn diễn ra hàng năm và trong đó vẫn có người bệnh nặng tiến triển thành viêm phổi phải nhập viện", BS Thiệu thông tin thêm.
Việc phân biệt cúm A/H1pdm với cúm thông thường dựa trên triệu chứng lâm sàng là rất khó vì các biểu hiện ban đầu gần như giống nhau. Triệu chứng chung là sốt, đau họng, đau mỏi người, mệt mỏi, ho, chảy mũi... Tuy nhiên vẫn rất khó phân biệt vì cùng 1 căn nguyên có thể cùng gây ra 1 triệu chứng nhưng với người bệnh khác nhau có biểu hiện nhẹ, vừa, nặng khác nhau, để chẩn đoán chính xác cần xét nghiệm PCR hoặc test nhanh cúm A.
Dấu hiệu cần nhập viện ngay
BS. Thiệu nhấn mạnh, người dân bị cúm cần chú ý nhập viện ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu sau: Khó thở, thở nhanh; Tím tái, môi hoặc đầu ngón tay tím; Lơ mơ, không tỉnh táo, hoặc hạ nhiệt độ cơ thể bất thường (dưới 36°C); Đau ngực, huyết áp tụt.
Người bệnh không thể ăn uống, nôn nhiều, mất nước (khô môi, mắt trũng).
Những triệu chứng này có thể báo hiệu biến chứng nguy hiểm như viêm phổi hoặc suy hô hấp.
Bên cạnh đó, BS Thiệu cũng cảnh báo về việc người dân bị cúm tự mua Tamiflu điều trị tại nhà.
"Tamiflu (oseltamivir) là thuốc kháng virus chỉ định cho các trường hợp nhiễm cúm A nặng hoặc có nguy cơ biến chứng. Đây là thuốc cần có đơn thuốc của bác sĩ , chỉ định trên các đối tượng người bệnh phù hợp, có triệu chứng nặng, đối với trẻ em cần điều chỉnh liều theo cân năng.
Việc tự ý dùng thuốc khi không cần thiết có thể gặp phải các tác dụng phụ không móng muốn khi dùng thuốc, loãng phí thuốc hoặc loãng phí tiền bạc", chuyên gia khuyến cáo.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh cúm mùa do chủng cúm A(H1N1) (còn gọi là chủng cúm lợn) là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan qua hắt hơi, ho khạc và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm vi rút sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi họng.
Ngoài chủng vi rút cúm A(H1N1), các chủng vi rút cúm chủ yếu khác gây bệnh cúm mùa bao gồm A(H3N2), cúm B và cúm C.
Bệnh cúm mùa lưu hành ở mọi nơi trên thế giới, theo ước tính của WHO, hàng năm có khoảng 1 tỷ trường hợp mắc bệnh, bao gồm 3-5 triệu ca bệnh nặng, có khoảng 290.000 đến 650.000 ca tử vong.
Tại Việt Nam, hàng năm vẫn ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa, số mắc ghi nhận quanh năm. Hệ thống giám sát trọng điểm viêm phổi cấp do vi rút tại Việt Nam vẫn ghi nhận các trường hợp mắc với khoảng 10% số mẫu bệnh nhân cúm dương tính với chủng cúm A(H1N1).
Bệnh cúm mùa thường diễn biến nhẹ, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, nhất là bệnh cúm mùa.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Tiêm vaccine mùa phòng bệnh.
Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.