Tôn vinh và phát huy các giá trị nghệ thuật
Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 đợt 2 do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp với Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Dương; các cơ quan, đơn vị tổ chức đã thu hút sự tham gia của gần 1.500 nghệ sĩ đến từ 24 đơn vị trong cả nước.
Chú trọng văn hóa truyền thống
Phát biểu tại buổi khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà đã gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới các đoàn nghệ thuật, đồng thời ông bày tỏ niềm tự hào về truyền thống văn hóa, cách mạng và lịch sử hào hùng của vùng đất địa phương.
Theo ông Hà, trải qua hơn 25 năm phát triển, Bình Dương đã chuyển mình mạnh mẽ từ một tỉnh thuần nông nghiệp trở thành trung tâm công nghiệp năng động của vùng Đông Nam Bộ. Bên cạnh sự phát triển kinh tế, tỉnh luôn chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật Đờn ca tài tử và Ca múa nhạc.
Liên hoan năm nay không chỉ là nơi quy tụ những tiết mục biểu diễn dân gian, dân tộc truyền thống đặc sắc mà còn tạo cơ hội để các nghệ sĩ, diễn viên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và phát hiện những tài năng mới.
Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để tỉnh Bình Dương quảng bá hình ảnh, con người, và những nét văn hóa đặc trưng đến với các tỉnh, thành trong cả nước. Liên hoan là hoạt động nghệ thuật ý nghĩa, mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa của địa phương và khu vực.
Liên hoan, bao gồm các đơn vị nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp trong và ngoài công lập; các đơn vị nghệ thuật ca múa nhạc thuộc lực lượng vũ trang; các đơn vị nghệ thuật giao hưởng, nhạc, vũ kịch trong và ngoài công lập trên toàn quốc.
Quy định đối với đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ tham gia Liên hoan: Mỗi đơn vị được tham gia 1 chương trình, vở diễn với thời lượng từ 60 phút đến 110 phút.
Các loại hình tham gia Liên hoan: Ca múa nhạc tổng hợp, các loại hình nghệ thuật phương Tây như: Giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch, thanh xướng kịch, broadway, opera…
Riêng âm nhạc của múa biểu diễn trực tiếp hoặc được thu thanh trước. Các loại hình nghệ thuật phương Tây được sử dụng tác phẩm nước ngoài. Các chương trình, tiết mục, vở diễn, vai diễn… phải được cơ quan chức năng phê duyệt công diễn trước 15 ngày khai mạc Liên hoan.
Theo thể lệ Liên hoan, quy định đối với chương trình nghệ thuật, về chủ đề nội dung: Các chương trình, tiết mục, vở diễn tham gia Liên hoan cần có chủ đề và nội dung rõ ràng; ca ngợi đất nước, con người Việt Nam; không trái với chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; khuyến khích xây dựng chương trình, tác phẩm mang bản sắc văn hóa các dân tộc, vùng, miền, thể hiện sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật.
Đầu tư cho lực lượng kế cận
Bộ VH-TT&DL tặng thưởng huy chương vàng, huy chương bạc cho chương trình, vở diễn gắn với các thành phần sáng tạo chương trình, vở diễn (chỉ đạo nghệ thuật, tổng đạo diễn chương trình ca múa nhạc, đạo diễn, chỉ huy dàn nhạc, chỉ huy hợp xướng, chỉ huy dàn nhạc vũ kịch; nhạc sĩ, biên đạo, họa sĩ, thiết kế phục trang, đạo cụ …)...
Ngoài ra, xét theo đề nghị của Hội đồng nghệ thuật, Ban tổ chức sẽ trao giải thưởng xuất sắc cho chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn chương trình, vở diễn, chỉ huy dàn nhạc, nhạc sĩ, biên đạo, họa sĩ, thiết kế phục trang, diễn viên hát chính, diễn viên múa chính, nhạc công chính... Mỗi thành phần sáng tạo chỉ trao 1 giải.
Sau 2 tuần tranh tài sôi nổi, tối 15/10, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương, Liên hoan ca, múa, nhạc toàn quốc năm 2024 (đợt 2) đã chính thức bế mạc.
Liên hoan đã khép lại thành công, Ban Tổ chức đã trao Huy chương Vàng cho 3 đơn vị: Nhà hát Ca múa nhạc Công an nhân dân với chương trình "Mệnh lệnh từ trái tim"; Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang với chương trình "Miền đá gọi"; Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương với chương trình "Tiếng gọi mạch nguồn".
Huy chương Bạc được trao cho 6 đơn vị: Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng với chương trình "Dòng sông kể chuyện"; Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển tỉnh Phú Yên với chương trình "Gió cực Đông"; Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Ninh Thuận với chương trình "Khát vọng bừng sáng"; Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh Quảng Trị với chương trình "Đi lên cùng nắng gió"; Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng tỉnh Khánh Hòa với chương trình: "Khát vọng xứ trầm"; Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng với chương trình "Sóc Trăng âm vang ngày hội".
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 5 giải Xuất sắc cho các cá nhân trong lĩnh vực sáng tạo: Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc thuộc về Trần Thành Sơn (đơn vị Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương); Đạo diễn xuất sắc thuộc về NSƯT Trần Thị Uyên Lan (đơn vị Nhà hát Ca múa nhạc Công an nhân dân); Biên đạo múa xuất sắc thuộc về NSND Hữu Từ (đơn vị Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển tỉnh Phú Yên); Nhạc sĩ xuất sắc thuộc về Cao Xuân Dũng (đơn vị Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Nghệ An); Họa sĩ thiết kế trang trí sân khấu xuất sắc thuộc về Khánh Toàn (đơn vị Nhà hát tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Phát biểu tại Lễ bế mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh Liên hoan là cơ hội để tôn vinh và phát huy các giá trị nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam và thế giới, đồng thời giúp các nghệ sĩ giao lưu, học hỏi, nâng cao chuyên môn. Thông qua Liên hoan, cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương có cơ sở đánh giá đúng thực trạng hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đánh giá, nhìn nhận được sức sống của loại hình ca, múa, nhạc trong nhân dân.
Thứ trưởng đề nghị, trong Liên hoan sắp tới, các cơ quan, đơn vị chức năng phụ trách, đơn vị nghệ thuật cần tiếp tục quan tâm, đầu tư kỹ lưỡng cả về con người và vật chất cho các phần thi; có chính sách đãi ngộ đặc thù để thu hút, bồi dưỡng, đào tạo các lớp nghệ sĩ, diễn viên trẻ, tài năng làm lực lượng kế cận sau này.