Chính trị

Tháo 'điểm nghẽn' để bước vào kỷ nguyên mới

THÀNH LUÂN 28/11/2024 07:50

Dù đã có Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, thế nhưng đô thị “đầu tàu” kinh tế cả nước vẫn đang phải chật vật để giữ vững tăng trưởng, nhất là từ giai đoạn “hậu” Covid-19 cho đến nay. Để thoát khỏi tình trạng này, nhiều chuyên gia hiến kế TPHCM mạnh dạn tháo gỡ mạnh mẽ các “điểm nghẽn” vướng mắc, hạn chế để bứt phá.

bai tren
TS Trương Minh Huy Vũ cho rằng, TPHCM cần sớm phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ để liên kết vùng, vươn mình đột phá.

Đây là nội dung được nhiều đại biểu tham luận, góp ý giải pháp tại tọa đàm, với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh làm gì để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, diễn ra ngày 27/11, tại TPHCM.

Tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn”

Về những hạn chế, tồn tại của TPHCM hiện nay, ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM chỉ ra 3 “điểm nghẽn” cơ bản, gồm: hạ tầng giao thông, với tình trạng “kẹt xe, ngập nước”; bất cập trong xử lý rác thải và yếu kém trong giải quyết nhà ở cho người dân, nhất là người thu nhập thấp. Về “điểm nghẽn” hạ tầng giao thông, chuyên gia chỉ ra: “Một đô thị đặc biệt, có hơn 13 triệu dân thì không thể để mạng lưới giao thông đô thị như hiện nay. Thay vào đó, cần tiến tới giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân… Nếu còn nghẽn ở đây thì còn vướng víu và chậm chạp”.

Về giải quyết nhà ở cho người dân, ông Trực cho rằng, đây là vấn đề cần phải quan tâm đặc biệt. Giá cả nhà đất, kể cả chung cư tăng cao, khiến người nghèo, công nhân, người lao động khó tiếp cận nhà ở. Làm sao để chính sách an sinh phải hướng đến các đối tượng này, không thể để người thu nhập thấp sống lay lắt khó khăn, không có nhà ở.

TS Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu TPHCM góp ý, đã đến lúc chính quyền thành phố cần rà soát, xác định rõ chỉ số phát triển nào là quan trọng, cần ưu tiên nhất trong thời gian tới, để tập trung nguồn lực phát triển. Chuyên gia này dẫn chứng về chỉ số hạ tầng giao thông. Trong đó, trước năm 2022 giao thông TPHCM thiếu nhiều các trục đường vành đai. Ngay cả Vành đai 2 cũng còn thiếu hơn chục cây số. Và dự kiến hết nhiệm kỳ này, thành phố mới có thêm Vành đai 3, hiện tại thành phố chuẩn bị trình Vành đai 4.

Ông Vũ đặt kỳ vọng, trong 5 năm tới, TPHCM có hệ thống đường Vành đai tương đối hoàn chỉnh và có thể vận hành các tuyến đường huyết mạch, có ý nghĩa liên kết vùng này trong 10 năm tiếp theo. Cùng với các đường Vành đai, sắp tới TPHCM cũng bắt đầu thực hiện các tuyến Metro, trước mắt là Metro số 1, lộ trình Bến Thành - Suối Tiên. Thành phố cũng quyết tâm vận hành Metro 2 từ nay đến năm 2030, thực hiện song song với kế hoạch xóa 46.000 hộ trên kênh rạch trong vòng 5 năm, 10 năm tới. Điều đó, cho thấy quyết tâm vươn mình vào kỷ nguyên mới của thành phố.

Ở góc độ vĩ mô, TS Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội cho rằng, TPHCM ở hiện tại đã được mở ra nhiều không gian về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển. Thế nhưng, trong giai đoạn tiếp theo, thành phố vẫn cần một cuộc cách mạng để cải cách thể chế bộ máy nhà nước, xây dựng mô hình đúng nghĩa về chính quyền đô thị. Cụ thể, thành phố cần nhanh chóng định hình được mô hình chính quyền đô thị và xa hơn là phải xây dựng được Luật đô thị đặc biệt. Do đó, thành phố cần phải nhanh chóng định vị được chức năng của Nhà nước trong quan hệ với thị trường và quan hệ với công dân. Từ đó, mới có cơ sở bộ chức bộ máy tinh gọn mà hiệu lực, hiệu quả. Từ mô hình này, đề xuất Quốc hội xây dựng Luật Đô thị đặc biệt mang tính đặc thù của thành phố.

Cần bứt phá mạnh mẽ

Nhấn mạnh vai trò “đầu tàu” kinh tế đặc biệt quan trọng của TPHCM trong giai đoạn “chuyển mình” mạnh mẽ sắp tới, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM cho rằng: TPHCM là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn của cả nước về kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, sự phát triển của thành phố luôn đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước. Nhiều mô hình, phương thức lãnh đạo, quản lý của Đảng bộ, chính quyền thành phố và mô hình tổ chức phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức phát triển đô thị đã được nhân rộng trong phạm vi cả nước.

Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, trong mỗi giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt (thời kỳ đầu đổi mới đất nước, đô thị thông minh, chuyển đổi số…) hay tình huống khó khăn (suy thoái kinh tế, đại dịch Covid-19…), thành phố đều có những mô hình, cách làm mới mang tính đột phá, sáng tạo, trở thành nguồn cảm hứng đổi mới sáng tạo cho các địa phương khác.

Trong giai đoạn hiện nay, có thể kể đến những mô hình, giải pháp mà TPHCM đang thực hiện trước cả nước và vì cả nước như: mô hình chính quyền đô thị; thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, các khu công nghệ cao… Để giữ vững vai trò “đầu tàu” của mình, thành phố cần phải phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, để minh chứng cho khát vọng vươn lên mạnh mẽ và sự chủ động, năng động, sáng tạo không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Trong đó, chính quyền TPHCM cần tiếp tục tận dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 để nhanh chóng tháo gỡ “điểm nghẽn”, từ đó bứt phá bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

PGS.TS Nguyễn Tất Viễn - nguyên Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương cũng đồng tình việc chính quyền TPHCM phải nhanh chóng tháo gỡ các “điểm nghẽn”, nhất là bất cập về con người (quy hoạch nguồn lực, nội lực). Chuyên gia này cũng ủng hộ về đề xuất Quốc hội xây dựng Luật Đô thị đặc biệt và cho rằng Luật này đáng ra phải được xây dựng từ lâu. Bởi vì, Luật Đô thị đặc biệt sẽ giải quyết cơ bản “điểm nghẽn” về thể chế, giúp TPHCM thay “tấm áo đã chật” và mở ra không gian rộng lớn để vươn mình.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học cũng hiến kế, góp ý đối với 9 nhiệm vụ TPHCM cần làm để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Các ý kiến cũng thống nhất cao về nhận thức kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, trong đó cơ hội, thời cơ để TPHCM thực hiện khát vọng phát triển bứt phá, phát huy đúng tầm vóc, hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị đáp ứng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; trọng tâm tháo gỡ khó khăn về hạ tầng giao thông, nhà ở và phát huy hiệu quả lợi thế nguồn nhân lực chất lượng cao.

THÀNH LUÂN