Tiếng dân

Người dân khổ sở ở Dự án khu phố mới Phước An

Tấn Thành - Chí Đại 28/11/2024 09:39

Dự án phát triển bất động sản khu phố mới Phước An, thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam được triển khai từ năm 2016. Thế nhưng hiện nay người dân ở vùng dự án vẫn chưa được bố trí tái định cư, trong khi nhà cửa xuống cấp gây khó khăn trong cuộc sống của bà con.

Anh bai tren
Một góc Dự án khu phố mới Phước An, thị trấn Tiền Kỳ (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: T.Thành.

Theo UBND huyện Tiên Phước, Dự án phát triển bất động sản (BĐS) khu phố mới Phước An đến nay UBND tỉnh Quảng Nam đã thực hiện 4 đợt giao đất cho Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hạ tầng Quảng Nam (gọi tắt QNIC), là chủ đầu tư, với tổng diện tích 6,78ha/6,88ha, đạt 98,6% so với diện tích, ranh giới quy hoạch được chấp thuận đầu tư. Chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích 65.171,65m2, tương ứng với diện tích đất được giao đợt 1, đợt 2, đợt 3 và đợt 4, với tổng số tiền hơn 57 tỷ đồng.

Trong phạm vi diện tích đất được UBND tỉnh Quảng Nam giao, chủ đầu tư đã thi công hoàn thành khoảng 85% khối lượng dự án gồm các hạng mục: san nền, giao thông, vỉa hè, cấp điện, cấp nước, cây xanh (cơ bản khớp nối hạ tầng theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500) được phê duyệt. UBND tỉnh Quảng Nam đã cho phép điều chỉnh tiến độ thực hiện đến hết tháng 4/2025 phải hoàn thành.

Tuy nhiên, ngày 30/10, Công ty QNIC đã có đơn kiến nghị, từ khi gia hạn đến nay, tiến độ thực hiện còn chậm, chưa đáp ứng kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do vướng mặt bằng, đặc biệt khó khăn trong công tác bố trí tái định cư (TĐC) cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Theo Công ty QNIC, hiện mùa mưa bão đã đến, đặc biệt chỉ còn hơn 3 tháng nữa đến Tết cổ truyền dân tộc, một số hộ dân vẫn sống trong cảnh nhà thuê, nhà tạm bợ, nhà thấp trũng, chưa ổn định cuộc sống, phụng hiến tổ tiên nên rất bức xúc và phản cảm. Trước tình hình này, Công ty QNIC đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, chỉ đạo giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án, thực hiện bố trí TĐC cho người dân.

Ông Phạm Đài, ở thị trấn Tiên Kỳ chia sẻ: “Lúc đầu triển khai dự án này gia đình tôi rất hoan nghênh, bởi vì đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ làm thay đổi bộ mặt khu dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Do đó gia đình tôi chấp thuận bàn giao khoảng 2.800m2 đất vườn, nhà ở để thực hiện dự án. Gia đình tôi cũng được Nhà nước đền bù 600 triệu đồng và 2 lô đất TĐC tại chỗ. Tuy nhiên gần 8 năm qua, gia đình tôi vẫn chưa có đất”.

Còn ông Nguyễn Dõng, ở thị trấn Tiên Kỳ cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện di dời, bố trí TĐC tại chỗ ở Dự án khu phố mới Phước An. Thế nhưng từ lúc triển khai dự án đến nay gần 8 năm nhưng gia đình tôi vẫn chưa được bố trí TĐC. Vì vậy mỗi khi vào mùa mưa bão nơi đây lại bị ngập sâu. Hiện tại ngôi nhà của tôi đã xuống cấp nghiêm trọng, trong trời mưa lớn nước thẩm hết vào tường nhà nên tôi phải lấy bạt che lại. Mong các cấp, ngành quan tâm sớm bố trí TĐC cho gia đình tôi làm nhà để có cuộc sống ổn định”.

Ngày 25/11, ghi nhận thực tế của PV, tại khu phố mới Phước An hiện nay vẫn còn 5 đến 6 hộ dân chưa được bố trí TĐC nên phải sống trong ngôi nhà xuống cấp nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Khu phố mới Phước An triển khai hạ tầng khiến một số hộ dân nằm thấp hơn mặt đường gần 2m nên trời mưa lớn nước chảy tràn vào nhà và ứ đọng thành vũng nước gây khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt của họ.

Trước sự việc này, ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, tồn tại lớn nhất trong công tác thực hiện dự án Khu phố mới Phước An chủ yếu là công tác TĐC không kịp thời, đến nay người dân vẫn chưa được giao đất để làm nhà ở. Hầu hết các hộ dân bị ảnh hưởng có nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp, nhưng sau khi thu hồi đất vẫn chưa có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp hợp lý, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp vẫn tập trung thực hiện hỗ trợ bằng tiền, người mất đất không có việc làm sau khi bị thu hồi đất.

Theo ông Nguyễn Hùng Anh, huyện Tiên Phước không có quỹ đất sạch để bố trí TĐC cho người dân kịp thời tại thời điểm thu hồi đất, do đó quỹ đất dùng để bố trí TĐC cho các hộ dân được lấy từ quỹ đất của dự án. Đây là vấn đề mấu chốt, dẫn đến việc không thể lập phương án TĐC, giao đất TĐC cho người dân có đất thu hồi theo quy định của Luật Đất đai năm 2013”.

“Việc xây dựng phương án TĐC, giao đất TĐC chỉ có thể thực hiện sau khi thực hiện xong công tác bồi thường, GPMB của dự án mới có quỹ đất TĐC; trong khi đó người dân yêu cầu có đất TĐC mới bàn giao mặt bằng. Chính điều này đã tạo ra vòng luẩn quẩn trong công tác bồi thường, GPMB của dự án. Trong quá trình thực hiện dự án, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế nhiều lần. Những thay đổi lớn nhất trong các văn bản nói trên là chính sách TĐC, tập trung chủ yếu vào số lô đất được bố trí TĐC và đối tượng được hỗ trợ chênh lệch tiền sử dụng đất TĐC” - ông Nguyễn Hùng Anh nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Nam Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Về dự án khu phố mới Phước An hiện nay UBND tỉnh đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Tiên Phước cùng các ngành chức năng khẩn trương rà soát báo cáo cụ thể về dự án này, nhằm tham mưu UBND tỉnh giải quyết các kiến nghị, đề xuất theo thẩm quyền; trường hợp cần thiết, báo cáo UBND tỉnh trình Ban cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết đối với các tồn tại, vướng mắc, phát sinh, sớm hoàn thành dự án này”.

Trong khi đó người dân đang mong mỏi đợi chờ được bố trí TĐC để xây dựng nhà cửa ổn định cuộc sống. Thiết nghĩ 8 năm đã trôi qua nhưng những vấn đề vướng mắc chưa được tháo gỡ, các cấp chính quyền và các đơn vị liên quan cần khẩn cấp giải quyết để người dân được an cư lạc nghiệp.

Tấn Thành - Chí Đại