Du lịch

Dự án 6: Du lịch cộng đồng - điểm nhấn Khe Rạn

Bắc Vũ 28/11/2024 13:40

Điểm du lịch Khe Rạn (Nghệ An) nổi lên như một điểm nhấn về du lịch cộng đồng gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số. Bước đầu đã đem lại hiệu quả, cuộc sống của người dân có nhiều khởi sắc.

Bản Khe Rạn, là bản thuần Thái với khoảng 168 hộ dân thuộc xã Bồng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An). Trước đây, cuộc sống người dân rất khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và thu hái các sản vật từ rừng. Từ năm 2016, theo chủ trương của Nhà nước, bản Khe Rạn là một trong 4 bản của huyện Con Cuông được chọn để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, với sự “giúp sức” từ Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bước đầu đem lại hiệu quả. Bản đã đón được nhiều lượt du khách ghé thăm, trải nghiệm. Từ đó, cuộc sống của người dân có nhiều khởi sắc.

Để phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách, ngay từ khi mới thành lập Ban Quản lý bản Khe Rạn đã tập trung khai thác, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, từ ẩm thực đến các phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, trò chơi dân gian… Đến nay, bản đã thành lập được 2 đội văn nghệ phục vụ khách du lịch, hình thành một tổ dịch vụ ẩm thực với sự tham gia của 12 thành viên là phụ nữ trong bản, cùng lúc có thể phục vụ các đoàn khách từ 60-70 người, chuyên phục vụ du khách với các món đặc trưng của người Thái.

1(1).jpg
Bản Khe Rạn được huyện Con Cuông chọn là 1 trong 4 huyện triển khai điểm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên cơ sở nguồn vốn của Dự án 6, Chương trình 1719. Ảnh: ĐB

Có mặt tại bản Khe Rạn vào những ngày cuối tháng 11/2024, ngay từ đầu bản, cổng chào được đầu tư từ nguồn vốn của Dự án 6, Chương trình 1719 nhắc cho du khách biết, mình đã đặt chân đến một trong 4 điểm du lịch cộng đồng của miền Trà Lân. Đi sâu vào trong bản, thăm các ngôi nhà sàn cổ, chúng tôi được nghe về những phong tục tập quán đặc sắc, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn… của bà con nơi đây. Chính những nét văn hóa cổ xưa này đã thu hút sự quan tâm của khách du lịch đến từ trong và ngoài tỉnh. Theo ước tính của Ban quản lý bản Khe Rạn, mỗi năm lượt khách tới tham quan huyện nhà tăng bình quân trên 10%.

Theo anh Hà Văn Hương, Trưởng bản Khe Rạn cho biết, trong bản còn lưu giữ gần 150 ngôi nhà sàn cổ có giá trị thẩm mỹ và văn hóa cao. Trong năm qua, nhờ nguồn vốn từ Dự án 6, Chương trình 1719 của Trung ương, bản Khe Rạn được đầu tư thêm nhiều hạng mục phục vụ cho hoạt động bảo tồn văn hóa cũng như du lịch cộng đồng như sân tập thể dục thể thao, sân khấu ngoài trời, mương thoát nước, cổng chào… Nhờ vậy, điểm du lịch của bản càng ngày càng đông khách đến tham quan, du lịch trải nghiệm. “Hiện, bản Khe Rạn chúng tôi có hơn 30% số hộ tham gia làm du lịch như homestay, dệt thổ cẩm, ẩm thực, nghề thủ công… Và số hộ phục vụ du lịch cũng chiếm trên 70% của bản”, anh Hương cho biết thêm.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm Lương Thị Liên (60 tuổi) trú bản Khe Rạn chia sẻ: “Bản chúng tôi có khoảng hơn 50 hộ làm du lịch, tuy nhiên số hộ gián tiếp làm du lịch thì rất nhiều. Bản thân tôi và gia đình chỉ tham gia một khâu trong chuỗi du lịch của bản, nhưng rất tự hào, không chỉ có thêm thu nhập, mà những nét văn hóa của bản mình được du khách trong nước, ngoài nước biết đến”.

3(1).jpg
Nghệ nhân dệt thổ cẩm Lương Thị Liên. Ảnh: ĐB

Trong khi đó, bà Lô Thị Thân (64 tuổi) trú bản Khe Rạn khẳng định, từ khi biết đến hình thức du lịch cộng đồng và được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là nguồn lực từ Dự án 6, Chương trình 1719, bà con nơi đây rất nhiệt tình tham gia. Chính người dân trong bản đã thành lập ra các nhóm, hội để phụ trách các nội dung như nấu ăn, múa hát… Hoạt động này không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, du lịch cộng đồng, mà còn giúp người dân hiểu và trân trọng những bản sắc văn hóa của chính cộng đồng mình.

Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng ban QLDA huyện Con Cuông cho biết, về việc giải ngân các dự án Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện được triển khai theo tiến độ. Cụ thể, đối với vốn đầu tư từ năm 2022 - 2024 được bố trí hơn 5,3 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 5,1 tỷ đồng đạt 95%, hiện các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong khi đó, vốn sự nghiệp năm 2023, 2024 được bố trí 470 triệu đồng. “Riêng bản Khe Rạn nguồn vốn từ Dự án 6 Chương trình 1719 được bố trí hơn 1,3 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục như cổng chào, hàng rào sân vận động, đổ bê tông sân bãi đậu xe, sân khấu ngoài trời… Ngoài ra còn có một số hạng mục khác do UBND xã Bồng Khê làm chủ đầu tư”, ông Thịnh thông tin thêm.

2-eaf1833877ffedb13715b67f2016644e.jpg
Những ngôi nhà sàn hàng trăm năm tuổi của người dân tộc Thái tại bản Khe Rạn, xã Bồng Khê. Ảnh: ĐB

Được biết, thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong thời gian qua Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An đã thực hiện hỗ trợ trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao cho 105 thiết chế văn hóa - thể thao thôn, bản; phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai các mô hình văn hóa dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi.

Bắc Vũ