Kinh tế

Dự án cao tốc khu vực ĐBSCL: Loay hoay tìm nguồn vật liệu san lấp

Thanh Tiến 29/11/2024 13:44

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long với kỳ vọng tạo đà cho toàn vùng cất cánh. Tuy nhiên, các dự án giao thông trọng điểm này vẫn đang đối diện với khó khăn về nguồn cát, cần sớm được tháo gỡ.

Anh cv
Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn qua tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Anh Châu.

Hiện, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc, trọng điểm ngành Giao thông vận tải. Đó là, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau (Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau); Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh. Trong đó, có 3/4 dự án đang tổ chức thi công (Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh đang hoàn thiện thủ tục, dự kiến khởi công đầu năm 2025).

anh2 bài trên
Thi công các hạng mục cầu trên cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Ảnh: Anh Châu.

Dồn sức đẩy nhanh tiến độ

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cao tốc cơ bản đáp ứng tiến độ triển khai thi công. Cụ thể Dự án Cần Thơ - Cà Mau đạt 99,9%; Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đạt 99%; Dự án Cao Lãnh - An Hữu đạt 100%.

Tại dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, việc bàn giao mặt bằng thi công dự án chỉ còn thiếu 200m ở Cần Thơ do vướng bãi rác rác số 8, phường Ba Láng, quận Cái Răng. Bãi rác này từng là nơi chứa rác cho cả thành phố nhưng đã dừng hoạt động cách đây 20 năm. Việc di dời bãi rác để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đang được quận Cái Răng (TP Cần Thơ) khẩn trương thực hiện trong 45 ngày (bắt đầu từ ngày 15/11). Về tiến độ thi công, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Chủ đầu tư dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) cho biết, dự án hiện đạt khoảng 50% khối lượng hợp đồng. Mục tiêu đến hết năm 2024 hoàn thành cơ bản 117 cầu trên tuyến chính (hiện 41 cầu đã hoàn thành bản mặt cầu). Công tác đắp gia tải toàn bộ 110km tuyến chính và 2,8 km tuyến nối đạt khoảng 53% khối lượng. Dự kiến đến 31/12/2024, hoàn thành gia tải, đây cũng là điều kiện để hoàn thành dự án trong năm 2025.

Ghi nhận tại Dự án thành phần 3, thuộc Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao 100% mặt bằng của dự án. Dự án phân chia thành 2 gói thầu xây lắp. Đến nay, sản lượng thực hiện đạt 1.400/5.421 tỷ đồng, đạt 26% giá trị hợp đồng, đạt 73% so với kế hoạch.

Ông Mai Văn Tân - Giám đốc Sở GTVT Hậu Giang (chủ đầu tư dự án thành phần 3 - Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) cho biết: Dự án này dài gần 37km, có 3 nút giao, 24 cầu, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt 100%. Do cát khan hiếm nên tỉnh chỉ đạo tập trung hoàn thiện các cầu, đang gác dầm 5 cầu, số còn lại đang được đẩy nhanh tiến độ.

Theo ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thời gian qua lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương liên quan quyết tâm, dồn sức, đồng hành cùng các chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các tuyến cao tốc. Việc triển khai dự án đang bám sát theo các các mốc thời gian trong kế hoạch.

ảnh 1 bài trên
Dự án Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, đoạn qua tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Anh Châu

Tìm cách tháo gỡ khó khăn nguồn cung vật liệu

Để đảm bảo hoàn thành các dự án cao tốc ở ĐBSCL, Quốc hội, Chính phủ đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong việc cấp mỏ vật liệu nhằm rút ngắn thời gian thực hiện cấp mỏ. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ nhiều lần trực tiếp kiểm tra, làm việc với các địa phương và có nhiều văn bản, công điện chỉ đạo để giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu cho các dự án.

Hiện tại, Dự án Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đã xác định được nguồn 25,7 triệu m3, đã cấp bản xác nhận, đủ điều kiện khai thác 23,1 triệu m3; đang hoàn thiện thủ tục khai thác 2,6 triệu m3. Tuy nhiên, công suất khai thác các mỏ hiện nay không đáp ứng khả năng cung ứng 4 triệu m3 còn lại mà dự án phải hoàn thành gia tải vào 31/12/2025.

Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã xác định nguồn cung ứng 24 triệu m3 cát. Trong đó, dự án thành phần 3 (Hậu Giang) và 4 (Sóc Trăng) đã xác định đủ nguồn cung; còn dự án thành phần 1 (An Giang) thiếu 3 triệu m3, dự án thành phần 2 (TP Cần Thơ) thiếu 1,85 triệu m3 cát. Hai dự án Cao tốc còn lại hiện đã xác định đủ nguồn cung. Chủ đầu tư đang phối hợp với ngành chức năng thực hiện các thủ tục liên quan để cấp mỏ.

Ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, mặc dù trữ lượng cơ bản đáp ứng nhưng công suất khai thác của các mỏ hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ thi công. Việc triển khai thủ tục cấp mỏ tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre chưa đáp ứng được tiến độ thi công. Đặc biệt, là Dự án Cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang có kế hoạch hoàn thành năm 2025 rất cần thêm nguồn cát từ các địa phương.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho biết thêm, nhiều mỏ tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng khi khảo sát, đánh giá chất lượng, trữ lượng không đáp ứng yêu cầu, phải tìm kiếm các mỏ khác thay thế ảnh hưởng đến tiến độ cấp mỏ. Bên cạnh đó, các mỏ cát sông thuộc tỉnh Sóc Trăng có đủ trữ lượng nhưng công suất khai thác rất hạn chế, cần chủ động sử dụng cát biển để giảm áp lực nguồn cát sông.

Lý giải về việc chưa tăng công suất khai thác 3 mỏ cát được cấp cho nhà thầu khai thác phục vụ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, ông Nguyễn Văn Liệt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, thời gian qua, vẫn còn xảy ra tình trạng người dân khiếu nại, từ đó ảnh hưởng đến thời gian xem xét nâng công suất. Tỉnh sẽ xem xét sớm nâng công suất khai thác cho giai đoạn 2 theo đề nghị của nhà thầu. Đồng thời khẩn trương cho lập thủ tục khai thác 2 mỏ mới cung ứng cho dự án, cố gắng cấp phép trong tháng 12/2024.

Ông Lâm Hoàng Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết, địa phương xác nhận 2 bản đăng ký khai thác cát sông cho 2 nhà thầu với trữ lượng trên 1 triệu m3, gia hạn cho 2 nhà thầu trên 5 triệu m3. Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra việc nhà thầu khai thác không đảm bảo công suất. “Ví dụ như mỏ cát thứ 12, tỉnh cấp 1 ngày khai thác trữ lượng đến 3.000m3 nhưng nhà thầu chỉ khai thác được từ 700 đến 1.000m3. Ngoài ra, quá trình hoạt động của các nhà thầu cũng có vấn đề này, vấn đề khác, trong đó có việc tàu chở cát còn chưa đảm bảo theo quy định” - ông Nghiệp nói.

Tại cuộc họp thúc đẩy các dự án đường cao tốc khu vực ĐBSCL vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với các địa phương, các ban quản lý dự án, nhà thầu rà soát, tổng hợp trữ lượng, chất lượng, công suất các mỏ cát theo tiến độ từng dự án; tính toán thêm phương án sử dụng cát biển để cung cấp nguồn vật liệu san lấp cho những công trình đường cao tốc ở ĐBSCL.

Thanh Tiến